Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao cậu bé rắc rối hay trốn học?

Cũng như má An, anh Dự chẳng bao giờ quan tâm đến chuyện bài vở của em mình.

Cứ như vậy, hết đi xem phim đến đi Sở thú, hết đi ăn kem đến chơi bóng đá, An dẫn tôi la cà rong chơi suốt, hai đứa học chung với nhau chẳng bao lăm.

An lại sẵn tiền, chúng tôi tha hồ tiêu xài. Điều đó tăng thêm sự thú vị trong những buổi đi rong. Thoạt đầu tôi còn áy náy và ngượng ngùng, nhưng càng về sau tôi càng quen dần, chẳng còn thấy lương tâm cắn rứt nữa.

Má An thì suốt ngày ở ngoài chợ, lo buôn lo bán, chẳng bao giờ để ý đến chuyện học hành của An. Thỉnh thoảng gặp tôi, má nó chỉ nói gọn một câu “bạn bè với nhau, cháu giúp nó giùm bác” rồi quày quả đi mất.

Rac roi anh 1

Ảnh minh hoạ sách.

Anh Dự thường có mặt ở nhà. Anh nói tổ hợp nơi anh làm hiện nay đang thiếu nguyên vật liệu nên chẳng có công việc gì nhiều. Dù vậy tôi vẫn thấy anh ăn xài rất sang, chẳng tỏ vẻ gì túng bấn cả. Tính anh lầm lì, ít nói, thoạt đầu tôi rất sợ nhưng rồi tôi cũng quen dần.

Cũng như má An, anh Dự chẳng bao giờ quan tâm đến chuyện bài vở của em mình. Trừ cái chuyện vào lò thịt hôm nọ, còn chẳng bao giờ tôi thấy anh rầy la An một chuyện gì. Anh để mặc nó muốn làm gì thì làm. Thỉnh thoảng xài hết tiền má đưa, An lại xin tiền anh Dự và chẳng bao giờ anh từ chối nó. Trong những lần nói chuyện với tôi, An thường tỏ ra rất tự hào về anh Dự.

Chính vì gia đình An như vậy nên hai đứa tôi lêu lổng thỏa thích.

Chỉ có ba tôi thỉnh thoảng hỏi han: − Dạo này bạn An của con học hành ra sao rồi? Tôi đáp lấp lửng: − Cũng bình thường thôi, ba!

− An chịu học rồi chứ?

− Dạ.

Nói dối là một việc vô cùng xấu hổ. Nói dối với ba lại càng xấu hổ hơn. Mỗi lần như vậy, lòng tôi thật dằn vặt, nhưng quả tình tôi không đủ can đảm để nói sự thật. Tôi chỉ biết nhủ thầm: lần tới mình sẽ giúp An học hành nghiêm túc! Nhưng cái lần tới đó chẳng tới bao giờ.

Bà tôi mỗi lần thấy tôi ôm tập vở chuẩn bị đến nhà An lại gật gù:

− Giúp bạn là một việc tốt, cháu ạ!

Nhưng bà vẫn không quên dặn với theo:

− Khi đi ngang lò thịt, có ai gọi, cháu nhớ đừng trả lời nghe chưa!

− Bà cứ dặn hoài! Cháu nhớ rồi mà! − Tôi nhăn mặt đáp.

Trong chuyện này, chỉ có nhỏ Ái là tỏ vẻ nghi ngờ. Nó thường nhìn tôi dò xét:

− Anh có học chung với anh An thật không đó? Tôi hất hàm: − Sao lại không? Chẳng lẽ tao giả bộ à? Nó rụt vai:

− Em nghi lắm.

Tôi giơ nắm đấm trước mặt nó:

− Nghi cái gì? Tao cốc cho một cái bây giờ!

Nó vẫn thản nhiên:

− Hôm trước em thấy anh và anh An đèo xe đạp đi chơi ngoài phố.

Tôi giật bắn người: − Đừng có xạo! Mày thấy hồi nào? − Thứ năm tuần trước.

Chết rồi! − Tôi nhủ thầm − Chiều thứ năm tuần trước, đúng là hai đứa tôi có đi rong ở công viên Phú Lâm. Không hiểu tại sao nhỏ Ái thấy được! Đúng là xui tận mạng!

Biết không thể nào giấu được, tôi chống chế:

− À, hôm đó học xong rồi tụi tao chạy lòng vòng một chút cho mát đó mà!

Nguyễn Nhật Ánh/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY