Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cậu bé rắc rối tạo bất ngờ cho cả lớp

Một học sinh chẳng bao giờ thèm ngó ngàng đến bài vở, coi điểm 1, điểm 2 là bạn bè thân thiết của mình, bỗng vụt một cái trở thành một đứa gương mẫu.

Nhỏ Ái không căn vặn gì nữa nhưng nhìn ánh mắt của nó, tôi biết nó vẫn chưa hết ngờ vực. Nhưng chả sao, nó là em tôi, vả lại lát nữa nó sẽ quên ngay mọi chuyện. Nó còn bao nhiêu công việc nhà phải làm.

Kẻ tôi ớn nhất vẫn là thằng Nhuận. Nhưng từ hôm đó đến nay, Nhuận không “viếng thăm” tụi tôi thêm lần nào nữa. Có lẽ nó đinh ninh tôi và An đã đi vào nề nếp.

Nhưng để che mắt được ban cán sự lớp và mấy đứa bạn trong tổ không phải chuyện đơn giản. Tôi và An phải bàn cãi với nhau mấy ngày trời mới tìm ra mưu kế.

Cau be anh 1

Ảnh minh hoạ.

Theo mưu kế của tụi tôi, hôm nào có các tiết học “dễ chịu” như môn địa của cô Nga, môn sử của cô Hồng Lãng, môn sinh vật của thầy Lưu chẳng hạn thì thằng An cố gò mình học bài cho thiệt thuộc. Tới lớp, khi kiểm tra bài cũ, đợi thầy cô hỏi “em nào thuộc bài?” thì An xung phong giơ tay liền.

Nó đã làm như vậy hai, ba lần. Lần nào cũng thành công rực rỡ. Vì đã chuẩn bị trước, nó trả bài ro ro, nhuyễn như cháo. Hành động anh hùng của An khiến cả lớp trố mắt. Các thầy cô cũng ngạc nhiên tột bực.

Ai đời một học sinh chẳng bao giờ thèm ngó ngàng đến bài vở, coi điểm 1, điểm 2 là bạn bè thân thiết của mình, bỗng vụt một cái trở thành một đứa gương mẫu, giơ tay xin lên bảng trả bài, bảo ai không bàng hoàng cho được!

Thằng Vương, nhỏ Tuyết Vân và thằng Nhuận nhìn An bằng ánh mắt đầy thiện cảm. Tất nhiên, tôi cũng được hưởng lây vinh quang của nó. Trước mặt tụi bạn, hai đứa tôi đúng là một cặp cùng tiến mẫu mực, đáng cho các cặp khác học tập.

Sau vài lần như vậy, các thầy cô không màng “hỏi han sức khỏe” An nữa. Trong một thời gian rất dài, chẳng bao giờ nó bị kêu lên trả bài.

Và chúng tôi cũng chỉ đợi có vậy. Sau vài màn biểu diễn ngoạn mục, thằng An chẳng phải gò mình học bài nữa. Nó lại trở lại là cái thằng An “từ từ hãy học” trước đây.

Nhưng mưu mẹo trên chỉ có thể đối phó được với các môn học lý thuyết. Còn với các môn có thực hành kiểm tra như toán, văn, vật lý, hóa học, sinh ngữ... thì tôi chỉ có mỗi cách “hỗ trợ” An là cho nó... cóp-pi.

Đối với các học sinh lười, cóp-pi đã trở thành một nghề. Và vì là một nghề, kỹ thuật sao chép đã được nâng lên đến mức điêu luyện. Chỉ cần thằng bạn hớ hênh trong một tích tắc, đứa ngồi bên cạnh đã thu thập đầy đủ những con số và dữ kiện cần thiết cho bài làm của mình, không sai một mảy may.

Huống gì ở đây, hai đứa tôi lại đồng lõa với nhau. Mỗi lần làm bài tập, An cũng giả bộ hí hoáy tính tính toán toán để che mắt thiên hạ. Đợi đến khi cả lớp chú tâm làm bài, không ai để ý đến chung quanh, tôi sè sẹ nhấc tay lên cho nó “chụp hình” bài làm của tôi. Mà cái thằng An này, làm bài thì dốt mà liếc bài làm của người khác, nó lại tỏ ra thông minh, nhanh nhạy quá cỡ. Đảo mắt qua một cái là nó ghi lại trúng phóc, thật là tài!

Chúng tôi cứ “cùng tiến” với nhau như vậy một thời gian, chẳng có ai phát hiện.

Mãi đến khi xảy ra chuyện sau đây thì mọi sự mới đổ bể.

Số là hôm đó chúng tôi học đại số. Cô Quỳnh Hoa ra một bài toán về giải phương trình:

Một đàn ngỗng trời đang bay, chợt một con ngỗng khác bay qua kêu: “Chào trăm bạn!”. Con ngỗng đầu đàn đáp: “Chúng tôi không đúng một trăm. Số chúng tôi hiện có phải cộng thêm với số hiện có và một nửa số hiện có và một phần tư số hiện có, lại thêm cả bạn vào nữa thì mới đúng một trăm”. Hỏi đàn ngỗng có bao nhiêu con?

Đây là một bài toán cổ, có trong sách giáo khoa. Thằng An tất nhiên là mù tịt. Nó chỉ giỏi các câu đố mẹo có nhiều yếu tố đánh lừa, chứ bài toán “nghiêm chỉnh” trong chương trình học đòi hỏi phải thực hiện các phép tính, phải giải các phương trình thì nó mít đặc.

Ngay cả tôi, một trong những học sinh khá toán của lớp, cũng phải hoảng trước cái đề lạ lùng này. Nhất là cô Quỳnh Hoa chỉ giới hạn thời gian làm bài trong hai mươi phút.

Trong khi tôi tính tới tính lui, tẩy tẩy xóa xóa trên giấy nháp thì thằng An ngồi cắn viết chờ thời.

Nguyễn Nhật Ánh/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY