Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Mánh' dụ bạn trốn học của cậu bé rắc rối

Thằng An có trăm nghìn cách để không chịu “cùng tiến” với tôi, không chỉ bằng các câu đố, bằng những trò đá gà, đá dế.

Thằng An có trăm nghìn cách để không chịu “cùng tiến” với tôi. Không chỉ bằng các câu đố, bằng những trò đá gà, đá dế, nó còn “dụ khị” tôi bỏ các buổi học chung bằng lắm trò hấp dẫn khác.

Còn tôi, lý trí thì cưỡng lại những sự rủ rê của An, nhưng tình cảm và hành động cứ bị cuốn hút theo những việc làm sai trái nhưng đầy quyến rũ của nó.

Nói cho đúng ra, An có tỏ vẻ hào hứng với chuyện học tập được một lần. Đó là lần anh Vĩnh nó về phép, kiểm tra bài vở của nó và dọa đưa nó đi cải tạo. Nhưng nó chỉ hào hứng có mỗi một ngày. Qua ngày hôm sau là mọi chuyện lại đâu vào đấy ngay.

Tôi và An bắt đầu học chung với nhau đã khá lâu nhưng kết quả thực sự chẳng đạt được bao nhiêu.

Rac roi anh 1

Ảnh minh hoạ

Thực ra, những buổi tôi ôm tập đến nhà nó gọi là “chơi chung” thì chính xác hơn là “học chung”.

Bây giờ nó vẫn tiếp tục giở giọng “từ từ hãy học” nhưng tôi khó mà phản đối được. Bởi kèm theo cái điệp khúc lười biếng của mình, bao giờ nó cũng rủ:

− Bây giờ hai đứa mình đi xem phim đi! Tôi từ chối yếu ớt: − Thôi, học đi! Phim phiếc gì! An vẫn không nản. Nó tiếp tục tấn công: − Phim Trộm mắt Phật hay lắm mày.

− Phim Trộm mắt Phật thật hả? − Ừ, phim nói về tên trộm thành Bát-đa đó! Tôi háo hức: − Phim đó đang chiếu ở rạp nào? − Rạp Cây Gõ. Gần đây nè! Thế là quên phắt chuyện học tập, tôi giục nó: − Đi thì đi lẹ lên!

Nói xong, tôi không khỏi áy náy về quyết định của mình.

Tôi bèn nói thêm: − Nhưng đi một lần này thôi nghe! An tươi tỉnh: − Ừ, một lần thôi! Lần khác mình xem phim khác! Tôi nhăn nhó: − Thôi đi, không có lần khác đâu!

Nói vậy nhưng tôi biết tôi “nói là nói vậy thôi”, giống như kiểu nói của bà tôi khi chấp nhận thua cuộc trước ba má tôi. Có lẽ thằng An cũng thừa biết điều đó nên nó không buồn lên tiếng trước thái độ của tôi.

Y vậy, lần sau, nó lại rủ rê. Nhưng lần này nó tỏ ra khéo léo hơn.

Vừa thấy mặt tôi, nó nhướn mắt lên:

− Mày đọc cuốn truyện Người vô hình chưa?

− Có phải cuốn truyện trong đó có anh chàng tàng hình vào ở trọ trong quán không?

− Đúng rồi! Cuốn sách có cái bìa xanh xanh đó.

− Ừ, tao đọc rồi. Tao mượn ở thư viện trường mình chứ đâu.

An khịt mũi:

− Người ta đang chiếu phim đó mày ạ.

− Phim gì?

− Phim Người vô hình chứ phim gì! Tụi nó xem xong khen quá trời!

Tới đây, tôi đã biết thằng An muốn gì. Nhưng phim Người vô hình quả là có một sức hút mãnh liệt. Tôi rất thích cuốn truyện đó, bây giờ tôi rất nôn nóng muốn xem những hành động của người tàng hình trong phim như thế nào.

Thế là hai đứa tót ra đường. Còn tôi, quả tình tôi không còn tâm trí nào nhớ đến lời nói quyết liệt của mình hôm trước.

***

Nhưng không phải bao giờ các rạp chiếu bóng cũng có phim hay. Những lúc đó, thằng An lôi kéo tôi bằng cách khác:

− Đi Sở thú chơi mày!

Tôi lắc đầu:

− Tháng trước tao đi rồi.

− Nhưng cách đây một tuần, con cọp cái trong sở thú mới đẻ một bầy con.

Tôi tròn mắt:

− Sao mày biết? − Tao xem trên ti-vi. − Người ta có quay mấy con cọp con không?

−Có chứ!−An mô tả bằng giọng sôi nổi−Tụi nó trông hiền khô à! Giống như mấy con mèo. Tụi nó nằm bú mẹ trông dễ thương ghê!

Đang nói, tự nhiên nó hạ giọng:

− Đi coi đi!

Thế là chiều hôm đó hai đứa tôi tha thẩn trong Sở thú đến tối mịt mới về.

Lần đó, thằng An phải lấy xe đạp chở tôi về nhà bởi tôi vẫn chưa dám đi ngang lò thịt một mình vào ban đêm.

Nguyễn Nhật Ánh/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY