Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tai nạn' quay cóp bài của học sinh dốt đặc môn toán

Là một học sinh dốt đặc về toán mặc dù gần đây có “tiến bộ” chút chút, nhưng để giải một bài toán “tầm cỡ” như vậy, rõ ràng An chưa đủ sức.

Phải gần hết hai mươi phút quy định, tôi mới giải được bài toán. Đúng lúc đó, cô Quỳnh Hoa đập thước xuống bàn một cái “cốp” ra hiệu nộp bài. An quýnh quáng. Nó chỉ kịp chép vội vàng cái đáp số của tôi rồi mang lên nộp.

Đó là một sơ suất lớn mà ngay lúc đó vì hấp tấp, tôi và An không đứa nào kịp nhận ra. Trong lớp thiếu gì đứa không giải được bài toán nên không nộp bài. An hoàn toàn có thể làm như vậy nhưng không hiểu ma xui quỷ khiến như thế nào, nó lại chép nhoáng nhoàng mỗi một cái đáp số rồi mang tờ giấy lên dấm dúi vào giữa xấp bài của tụi bạn đang để trên bàn cô.

Cô Quỳnh Hoa chấm bài rồi phát ra ngay tại lớp. Trong bốn chục học sinh chỉ có năm bài làm đúng, trong đó có bài của An. Thật ra, học sinh lớp tôi trình độ không đến nỗi kém như vậy. Nhưng vì thời gian làm bài bị khống chế nên nhiều đứa mày mò mãi chưa xong. Trong số ít ỏi những đứa tìm ra đáp số bài toán, khổ thay, lại có An.

Cau be anh 1

Ảnh minh hoạ.

Là một học sinh dốt đặc về toán mặc dù gần đây có “tiến bộ” chút chút, nhưng để giải một bài toán “tầm cỡ” như vậy, rõ ràng An chưa đủ sức. Chỉ mỗi hiện tượng đó đủ để gây nghi ngờ. Huống chi, bài làm của nó không trình bày phép giải mà chỉ có trần trụi một cái đáp số, dù rằng An cũng hơi khôn ngoan khi viết thành một hàng: thay vì viết 36 gọn lỏn.

Nhưng điều đó vẫn không làm cô Quỳnh Hoa thỏa mãn. Cô cầm xấp bài trên tay, nói:

− Cả lớp chỉ có năm em giải được bài toán này. Trong đó cô đặc biệt ngạc nhiên về sự tiến bộ của em An. Tuy nhiên bài làm của An chưa trình bày đầy đủ phép giải. Bây giờ cô đề nghị An lên bảng giải lại bài toán cho các bạn cùng xem!

Cô gọi nó lên bảng mà tôi có cảm giác kêu nó ra tòa. Khổ nỗi, nó mà ra tòa thì tôi cũng đi tù. Tôi liếc An, thì thầm:

− Phen này tụi mình lãnh đủ!

Nó tỉnh bơ, còn pha trò:

− Lãnh dư chứ lãnh đủ gì!

Nói xong, nó bước ra khỏi chỗ ngồi, tiến lên bảng.

Cầm viên phấn từ tay cô Quỳnh Hoa, An bắt đầu đứng... suy nghĩ.

Nó đứng lâu thật lâu, chân đổi hai, ba lần. Nó còn bặm môi, trợn mắt, y như đang suy nghĩ ghê lắm. Biết nó giở trò “ăn vạ”, dưới lớp bắt đầu có tiếng cười khúc khích.

Cô Quỳnh Hoa cũng không còn lạ gì An. Tuy nhiên cô vẫn hỏi bằng giọng nghiêm nghị:

− Sao em đứng lâu thế?

Đúng như tôi nghĩ, An trả lời bằng một câu “bài bản”:

− Thưa cô, em đang nghĩ ạ! Cô đợi em nghĩ thêm một chút nữa thôi!

Nhưng cô Quỳnh Hoa không bị mắc bẫy. Cô nói:

− Có gì đâu mà phải suy nghĩ! Em chỉ trình bày lại cách giải em vừa làm kia mà!

An gãi cổ:

− Khi nãy em làm được, còn bây giờ em quên béng mất rồi ạ! Tính em sao dạo này hay quên quá!

Tôi ngồi dưới theo dõi cuộc đối đáp, nửa tức cười nửa ngán ngẩm, nghĩ bụng: giờ này mà nó còn pha trò được, thiệt hết biết!

Đúng lúc đó, nhỏ Tuyết Vân và thằng Nhuận quay đầu lại dòm tôi bằng ánh mắt nghi hoặc. Tôi phớt lờ, không thèm nhìn tụi nó.

Ở trên bảng cô Quỳnh Hoa lại hỏi:

−Thôi bây giờ, em trả lời cho cô biết: con số 99 ở đâu ra?

Tất nhiên là An không thể biết xuất xứ của số 99. Nhưng nó có biệt tài là không chịu bó tay trước bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Trước các câu hỏi, dù biết hay không, nó cứ trả lời đại, trúng trật đã có... trời lo. Lần này cũng vậy, nó đáp:

− Thưa cô, em lấy 100 trừ 1 còn lại 99 ạ!

Rõ ràng là An pha trò. Nhưng trớ trêu một cái, trong bài toán tôi giải, số 99 đúng là do 100 trừ 1 mà thành.

Nguyễn Nhật Ánh/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY