Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đôi bạn thân sau nửa tháng học chung

Thế là tôi và An đã học chung với nhau được hơn nửa tháng. Trong nửa tháng đó, tôi chỉ mới gặp má nó có một lần.

Là chủ sạp vải, má nó suốt ngày ở ngoài chợ, lâu lâu mới “xẹt” về nhà một lần. Má nó người mập mạp, hồng hào, trông lúc nào cũng tất bật.

Thấy tôi tới học chung với An, má nó khoái lắm:

− Ừ, hai đứa ngồi trong nhà mà học, đừng có chạy nhảy ngoài đường nghen!

Nói xong một câu, má nó đi mất.

Rac roi anh 1

Ảnh minh hoạ.

An bình luận:

− Má tao vậy đó, suốt ngày lu bu ngoài chợ. Nhưng má tao chiều tao lắm.

Như để chứng minh cho lời nói của mình, nó rút từ trong túi áo ra tờ bạc năm trăm đồng, giơ lên trước mặt.

− Tiền ở đâu vậy? − Tôi hỏi.

− Đây là tiêu chuẩn hàng ngày của tao! − An giải thích với vẻ kiêu hãnh − Trước khi ra chợ, bao giờ má tao cũng nhét vào túi tao một tờ như thế này!

− Mày xài sao hết?

− Hết tuốt! Nhưng từ nay, tao và mày sẽ xài chung!

Nghe vậy, tôi vừa cảm thấy thinh thích, lại vừa ngường ngượng. Tôi lắc đầu:

− Thôi...

Nhưng An không để tôi nói hết câu. Nó cắt ngang:

− Không có “thôi, thôi” gì hết! Còn không, tao nghỉ chơi mày ra luôn!

Tôi gặp má An một lần nhưng anh Dự của nó tôi gặp tới bốn, năm lần. Anh Dự người hơi ốm, da ngăm đen, tóc để dài phủ gáy. Mặt anh xương xương, hàng ria mép rậm rì như hai con sâu. Anh lúc nào cũng mặc quần jean, áo pull, tay đeo đồng hồ Rado mới tinh, lại thêm hai chiếc nhẫn vàng chóe trên các ngón tay, miệng anh luôn luôn phì phèo thuốc lá thơm và trong túi áo lúc nào cũng có sẵn một gói 555. Hóa ra chính vì vậy mà thằng An cứ bị ám ảnh bởi ý nghĩ “tao đi theo anh Dự” hoài.

Chẳng hiểu cái tổ hợp nhựa nơi anh Dự làm việc hoạt động như thế nào mà tôi thấy anh ở nhà hoài. Lần nào tới học chung với An, tôi cũng đều gặp anh.

Hôm gặp lần đầu tiên, anh lặng lẽ quan sát tôi từ đầu đến chân. Ánh mắt lạnh lẽo của anh khiến tôi vô cùng lúng túng. Anh hỏi:

− Em tên gì?

− Em tên Nghi! − Tôi đáp.

An xía vô:

− Nó là bạn thân nhất với em trong lớp đó. Nó đến học chung với em.

Ánh mắt của anh Dự có vẻ thân thiện hơn. Anh vỗ vai tôi:

− Vậy thì được!

Tôi không hiểu anh bảo được là được cái gì nhưng tôi không dám hỏi. Anh móc thuốc ra mời tôi:

− Em hút thuốc không?

Tôi lắc đầu. Trong lúc đó thằng An nhanh tay rút một điếu.

− Mày biết hút thuốc hả? − Tôi ngạc nhiên hỏi.

− Tao hút hoài! − An vừa nói vừa ngậm điếu thuốc.

Tôi trố mắt nhìn nó bật quẹt, châm thuốc và nhả khói với vẻ sành sỏi. Tôi lấy làm lạ vì ở trường chẳng bao giờ tôi thấy nó hút thuốc. Chắc là nó sợ bị phạt.

Đợi anh Dự đi khỏi, nó chìa điếu thuốc cho tôi: − Mày kéo thử một hơi coi! Tôi xua tay: − Thôi, thôi, tao không biết hút đâu!

Nó nài nỉ:

− Mày cứ hút thử đi! Ngon lắm!

Nhưng mặc cho nó nói, tôi vẫn cương quyết từ chối.

Thấy vậy, An không thèm mời tôi nữa. Nó ngồi ghểnh chân lên ghế, hút ngon lành.

− Mày hút thuốc vậy, má mày có biết không? − Tôi tò mò hỏi.

− Biết chớ! Nhưng má tao la. Chỉ có anh Dự là thoải mái với tao thôi.

Cái chuyện thằng An ngủ một mình trong lò thịt hôm trước, hôm sau là tôi kể cho anh Dự nghe. Tôi kể như là kể một chuyện ly kỳ, nhằm quảng cáo cho thằng bạn có “tinh thần lành mạnh” của mình.

Tôi tưởng nghe xong anh Dự sẽ khen nó. Không dè ảnh trợn mắt, nạt hai đứa tôi:

− Sao tụi mày chơi ngu vậy? Đứa nào bày ra cái trò ngốc này?

Thấy ảnh nổi nóng, hai đứa tôi im re.

Anh Dự dằn giọng:

− Đã có bao nhiêu người đi vô trong đó rồi không trở ra, tụi mày có biết không?

Tôi ấp úng:

− Em đâu có biết!

An phân trần:

− Nhưng em vô trỏng mà đâu có sao!

Anh Dự đập bàn:

− Mày còn cãi nữa hả? Tại mày chưa tới số thôi. Lần sau mà còn như vậy thì đừng hòng sống sót!

Trước khi bỏ đi, anh Dự còn chỉ tay vào hai đứa tôi:

− Từ giờ về sau, tao cấm hai đứa mày bước chân vô lò thịt, kẻo có chuyện gì xảy ra người ta lại trách tao sao không bảo trước. Hừ, hết người ghẹo sao mà đi ghẹo ma!

Nguyễn Nhật Ánh/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY