Cầu thang là nơi tôi tìm đến khi muốn trốn chạy.
Hầu hết dân sống trong chung cư đều dùng thang máy, trừ khi thang máy hư. Mà ngay cả khi chuyện đó xảy ra thì cũng chẳng ai bước lên mấy bậc tam cấp dẫn thẳng sân thượng làm gì. Vậy nên tôi mới ngồi đó.
Lâu lâu Billy, cậu bạn thân nhất, lên ngồi cùng tôi. Nhưng phần lớn thời gian thì tôi lên đó ngồi một mình mỗi khi mọi thứ ở nhà trở nên hỗn loạn quá sức chịu đựng. Phòng ngủ của tôi, nhìn ra bãi đỗ xe, không thể xài được - tôi ở chung với em gái và em trai-mà căn hộ nhà chúng tôi thì quá nhỏ còn giọng bố mẹ tôi lại quá lớn tới nỗi ngay cả có trùm chăn bịt tai tôi cũng không thoát nổi. Nhưng ngồi đây trên mấy bậc tam cấp này, tôi thấy an toàn. Đó là nơi tôi ẩn tránh. Một cái tổ nhỏ giữa lòng đô thị.
Cầu thang không hẳn là yên tĩnh. Tôi vẫn nghe thấy tiếng người cãi vã, tiếng cửa đóng sầm thật mạnh, tiếng ầm ĩ của bọn trẻ chạy náo loạn hết lên rồi xuống ở mấy lầu bên dưới. Tiếng ồn dội quanh những bức tường bê tông nơi hành lang rồi vang vọng trong tai tôi. Nhưng ở cầu thang đó tôi tìm được chút bình yên.
Và tuy đôi lúc cũng khóc lóc một chút, nhưng phần lớn thời gian tôi nghĩ về chuyện chơi bóng rổ, hoặc về đội Yankees - và về giấc mơ tôi có thể trở thành cầu thủ bóng chày đánh tốt cả hai tay như Mickey Mantle.
Howard Schultz. Ảnh: BBC. |
Khi lớn dần lên, tôi ngồi trên mấy bậc tam cấp đó và mơ mộng về chuyện sẽ đi khỏi nhà, cố hình dung xem cuộc đời phía xa những lằn ranh biên giới tuổi thơ này sẽ ra sao. Khó mà tưởng tượng được gì nhiều nhưng trong thâm tâm tôi biết rõ mình muốn có được cảm giác như thế nào. Tôi muốn trút bỏ nỗi lo sợ luôn chực chờ lấn át tôi mỗi lần vặn tay nắm cửa vào căn hộ số hiệu 7G.
Tôi ba tuổi thì gia đình chuyển vào căn hộ chật chội hai phòng ngủ ở khu dự án nhà ở bình dân tại Canarsie, nằm trên một dải đất vốn trước đây là đầm lầy phía rìa đông nam Brooklyn. Năm 1956, gia đình tôi là một trong số hơn một ngàn hộ gia đình thu nhập thấp đủ điều kiện được sống trong mấy chung cư mà Ủy ban Nhà đất Thành phố New York mới xây.
Đó là một lựa chọn mới thay cho những khu ổ chuột xuống cấp trầm trọng trong thành phố. Mấy dự án nhà ở như Bayview (Khu Hướng vịnh) không phải xây nên cho những kẻ cùng đường, mà mục đích của chúng là để người ta có thể làm lại từ đầu. Bấy giờ thì tôi cũng không hiểu điều đó với mình có nghĩa là gì.
Theo năm tháng, mẹ cố gắng khơi nên trong tôi ý niệm rằng có một thứ gì đó tốt đẹp nằm bên ngoài biên giới Canarsie và nằm trong tầm tay tôi, nhưng thật khó mà thấy được nó. Còn điều tôi thấy được, mỗi ngày, là hình ảnh bố tôi, ông dành quá nhiều thời gian nằm dài trên ghế tới nỗi mẹ đặt cho ông biệt danh là Ngài-nằm-dài.
Thứ mùi pha trộn giữa bệnh tật và giận dữ nơi ông - giận dữ với chính mình, với chúng tôi, với mấy thượng cấp của ông mà tôi chưa từng gặp, với một hệ thống mà tôi không hiểu nổi - len sâu vào từng mạch thở của cuộc sống gia đình tôi.
Nơi cầu thang đó, tôi tạo ra được đôi chút khoảng cách ngăn giữa tôi với không khí ngột ngạt ở nhà. Ngồi trên mấy bậc tam cấp khô cứng, lạnh lẽo núp dưới ánh đèn leo lét, tôi cảm nhận được chút yên bình. Nhưng tôi khó lòng nhìn thấu được xuyên qua mấy bức tường bê tông bao quanh.
Canarsie, Brooklyn, ngày đó, và tới giờ, vẫn là ga cuối của chuyến tàu số hiệu L khởi hành từ thành phố New York. Khi tôi ngồi ở cầu thang, ý tưởng về những thứ nằm ngoài thế giới bé nhỏ của tôi bắt đầu thành hình trong suy nghĩ.
Suốt cuộc đời mình tôi luôn bị ám ảnh, và rồi được truyền lửa, bởi những kỷ niệm tuổi thơ. Từ bố tôi, tôi thấy rõ những điều có thể xảy đến với một phận đời khi nhân phẩm của họ bị tước đoạt. Từ mẹ tôi, tôi ghi khắc niềm tin rằng ga cuối của chuyến tàu sẽ không phải là ga cuối của cuộc đời tôi - rằng tôi có thể lao động, học tập, hoạch định, và ước mơ để thoát khỏi nơi mình cất tiếng khóc chào đời.
Hai động lực đối nghịch nhau giữa một người cha không có được những thứ ông mong muốn và một người mẹ khao khát có được nhiều thứ hơn cho con trai mình rốt cuộc đã thúc đẩy tôi phải hình dung ra một tương lai khác biệt cho bản thân. Phải nhìn nhận thế giới không phải theo thực tế đã xảy ra, mà theo khả năng nó đã có thể khác đi theo hướng nào. Điều này trở thành một thói quen xuyên suốt cuộc đời tôi.
Và trên một số phương diện, đó chính là câu chuyện mà tôi muốn kể trong cuốn sách này: cách chúng ta có thể cùng nhau tái hiện nên một tương lai tốt đẹp hơn bằng cách học hỏi từ quá khứ với mọi sự sáng suốt và thông thái khả dĩ, bằng cách tập trung ý chí và nỗ lực lao động để biến tương lai đó thành sự thật. Đây cũng chính là hành trình cuộc đời tôi.