Mỗi lần chơi thể thao, tôi lại thấy mình cao lớn hơn một chút, một phần vốn vì tôi cũng nhỉnh hơn phần lớn mấy đứa bằng tuổi vài phân, nhưng thêm nữa là vì tôi thấy tự tin trong hình ảnh một vận động viên hơn là trong hình ảnh một cậu học trò hay một đứa con ngoan. Tôi có chút năng khiếu thể thao, nhưng lý do thực sự đưa tôi đến với sân bóng là vì mỗi khi cầm trái bóng trong tay, tôi luôn thấy mình có giá trị.
Tôi không cần phải trò chuyện nhiều với mấy bạn cùng chơi mà vẫn luôn có được cảm giác kết nối gần gũi. Khi chúng tôi túm tụm lập hàng rào, hoặc nếu ai đó hất cằm tán thưởng khi tôi ném bóng thành công chạm vạch cuối sân đối thủ hoặc ghi điểm vào rổ từ ngoài rìa đường ném phạt, tôi nhận thấy một cảm giác gắn bó mà không súng đạn nào có thể xuyên thủng, điều tôi hiếm khi được trải nghiệm khi sống giữa gia đình.
Những khoảnh khắc này tưởng như kéo dài bất tận trong tuổi thơ tôi. Nhưng chúng biến mất khỏi đời tôi quá vội vàng, kéo đi cả cảm giác gắn bó cộng đồng từ tay tôi. Phải rất nhiều năm sau tôi mới tìm lại được cảm giác đó.
“Buon giorno!”
Một ông bác lớn tuổi gầy còm đứng sau quầy chào tôi như thể tôi là cậu hàng xóm vừa mở cửa nhà bác, tuy không báo trước nhưng vẫn được đón mừng. Hít hà mùi thơm của cà phê vừa xay xong, tôi đáp lại nụ cười của bác rồi bước tới quầy. Bấy giờ là sáng sớm ở Milan, Italy, và tôi mới lần đầu đến với thành phố này để tham dự một triển lãm thương mại phục vụ công việc. Tôi ghé vào tiệm cà phê này trên đường tới triển lãm.
Lúc đó là vào năm 1983, tôi bước sang tuổi ba mươi.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: BBC. |
Khi bước về phía quầy, tôi dán mắt vào người đàn ông đứng sau quầy. Với độ chính xác tinh anh, bác ta xay các hạt cà phê, cân định lượng cà phê đậm màu vừa xay, và nén vào một phễu lọc có tay cầm ngắn rồi gắn vào một đầu pha mạ crom sáng loáng, chiếc máy phát ra âm thanh vui tai khi bác kéo một cái cần. Từng dòng nước màu hổ phách chảy xuống chiếc tách sứ.
Xuyên suốt điệu vũ đó, bác tán dóc những tràng tiếng Ý hào sảng với ba khách hàng khác đang đứng kế nhau ngay chỗ quầy cà phê của bác. Ngó vào không gian làm việc của bác, tôi thầm nghĩ, Rốt cuộc bác ta là ai vậy?
Bằng một cách vô hình nào đó, bác đặt một trong các thức uống vừa pha chế xong trước mặt tôi. Đặt hai bàn tay ôm quanh chiếc tách thanh nhã, tôi thấy như mình vừa được trao tặng một món quà quý giá. Tôi nhấp một ngụm chuếnh choáng hương ngào ngạt.
“Grazie!” tôi nói.
Cách bác chuẩn bị rồi phục vụ cà phê chẳng giống bất cứ thứ gì tôi từng thấy ở những nhà hàng tại Mỹ, nơi cà phê nằm yên trong những bình hâm đi hâm lại trước khi được rót theo kiểu vô thưởng vô phạt vào mấy cái ly thô kệch. Còn đây! Như nghệ thuật sân khấu vậy!
Rốt cuộc chỗ này là chỗ nào? Tôi đắm chìm vào màn biểu diễn mà rõ ràng chỉ là chuyện đời thường trong mắt dân địa phương ở quán cà phê này. Tôi muốn nán lại.
Bấy giờ tôi là giám đốc tiếp thị cho một nhà rang và bán lẻ cà phê nhỏ ở Seattle có logo mỹ nhân ngư khiêu gợi đầy táo bạo. Công ty được đặt tên theo nhân vật Starbuck, thuyền phó thứ nhất của Ahab trong tiểu thuyết Cá voi trắng (Moby-Dick) của nhà văn Herman Melville.
Công ty Cà phê Starbucks chuyên rang và bán cà phê nguyên hạt đi khắp thế giới. Ở Starbucks, tôi đã học được rằng cà phê không chỉ là một hệ thống truyền tải cafein đầy hiệu quả; nó còn là một thức uống tinh tế đầy hương vị mà ta có thể thưởng thức và trân trọng.
Công ty do Gerald Baldwin, Gordon Bowker, và Zev Siegl sáng lập năm 1971. Sau khi tôi gặp Jerry và Gordon lần đầu vào năm 1981, họ đã dạy cho tôi biết rằng thứ cà phê mà hầu hết dân Mỹ tiêu thụ đến từ các loại hạt gọi là Cà phê vối Robusta, loại này rẻ hơn và hương vị kém hơn so với các hạt Cà phê chè Arabica cao cấp mà Starbucks thu mua. Starbucks rang cà phê theo kiểu “đậm”, lối truyền thống Âu châu mà nhiều dân ái mộ cà phê tin là phát huy được nhiều hương vị của hạt hơn.