Hầu hết người Mỹ, trong đó có tôi, đều đã quen với các hạt cà phê rang theo kiểu nhạt hơn, đó là lý do
khi lần đầu nếm thử cà phê Starbucks, tôi choáng ngợp bởi hương vị của nó. Bố mẹ tôi chỉ uống cà phê pha sẵn, hoặc cà phê bột từ một cái bình lớn mà mẹ làm bằng máy pha điện mỗi khi nhà có khách.
Thứ tôi húp sùm sụp cho tỉnh táo suốt thời đại học, hoặc suốt những chuyến tàu đến chỗ làm mỗi sáng, chỉ là nước vo gạo nếu đem so với ngụm càcaf phê rang đậm của Starbucks mà tôi uống lần đầu.
Sau một năm làm việc ở Starbucks, tôi nhận ra mình đã khám phá đủ hết mọi thứ cần biết về cà phê. Thế rồi tôi bước vào tiệm cà phê ở Milan ngày hôm đó.
Uống hết tách espresso của mình, tôi háo hức muốn được thưởng thức thêm nhiều nữa và hiểu biết thêm nhiều nữa, thế nên tôi cảm ơn quý ông đứng phía sau quầy và thanh toán tiền. Trên đường tới triển lãm, tôi không thể bước qua bất kỳ dãy nhà nào mà lại không thấy một quán cà phê.
Nhiều quán chẳng có trang trí gì hết - chỉ như các trạm bán cà phê. Trong không gian nhỏ hẹp đầy khói thuốc của chúng, các khách hàng, hầu hết là nam giới, đứng ngay quầy và nán lại với đồ uống trên tay, tán chuyện trên trời dưới biển bằng tiếng Ý.
Mấy quán cà phê khác thì thanh lịch, sành điệu, và rộng rãi hơn, là điểm đến của các đối tượng khách hàng vô cùng đa dạng: phụ nữ có người dắt con theo có người không, đám trẻ mặc đồng phục nhà trường, sinh viên cầm theo sách, mấy cô mấy bác đã về hưu.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Tatler Asia. |
Từng hội bạn bè túm tụm rôm rả với nhau. Cũng có nhiều khách ngồi một mình đọc sách báo, ghi chép, nhìn ngắm xung quanh. Thậm chí cả khi quán yên tĩnh hoàn toàn vẫn có một mạch đập tràn đầy năng lượng nào đó hiện hữu. Ở nhiều chỗ, tiếng chuyện trò hòa cùng giai điệu nền một bản nhạc kịch bằng tiếng Ý. Không gian chẳng giống chút nào so với mấy quán hàng tẻ nhạt những tiếng kim loại khô khốc và ánh nhấp nháy đèn huỳnh quang ở New York mà tôi đã quá quen thuộc.
Tôi học được thêm rằng các thợ pha cà phê được gọi là barista. Ngồi ở quầy pha chế, tôi khám phá ra nhiều người trong số họ nói được tiếng Anh, thế là tôi hỏi hàng tá câu. Tôi phát hiện ra kỹ thuật “kéo máy” để cho ra lò các shot cà phê đòi hỏi phải tổng hòa chính xác dòng nước, nhiệt độ, áp suất, và thời gian mới có thể đem tới hương vị đậm đà nhất, trọn vẹn nhất từ một lượng chuẩn hạt cà phê xay mịn.
Kỹ thuật phức tạp này đòi hỏi các yếu tố như rót dòng nước, xay, cân, nén, chờ, theo dõi tốc độ nhỏ giọt, và rồi làm sạch máy pha để shot cà phê tiếp theo cũng có thể ngon như thế.
Màn biểu diễn - được biên đạo bài bản như một vũ khúc, quyết liệt như một trận bóng, thiêng liêng như một nghi thức tôn giáo - cứ thế thăng hoa ngay trước mắt những khách hàng đang chăm chú ngắm nhìn, cứ thế mỗi lần từng tách nhỏ, hoặc có khi chỉ nửa tách. Tôi nghe nói phần bọt đặc tạo nên lớp trên cùng của tách espresso được gọi là crema, và khi espresso hòa mình cùng dòng sữa ấm sủi bọt sẽ tạo nên thức uống mà dân Ý gọi là caffè latte.
Ngụm đầu tiên lấp đầy khoang miệng của tôi bằng một bản giao hưởng của kẹo ngọt và tơ lụa. Tôi chưa từng được nếm thứ nào như thế.
Trong số rất nhiều chuyên gia cà phê mà tôi từng gặp từ khi chuyển tới Seattle đầu quân cho Starbucks, chưa ai khai sáng cho tôi đến với nghệ thuật biểu diễn và sự lãng mạn của espresso hết.