Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuổi thơ sống trong nhà trợ cấp của cựu Chủ tịch Starbucks

Chuyện sống trong khu nhà do chính phủ trợ cấp đã định hình nên con người tôi.

Gắn kết

Bao trùm căn hộ nhà chúng tôi là màn sương mù của âu lo và tủi hổ, nhưng phía ngoài bốn bức tường đó thì tôi lại có một trải nghiệm hoàn toàn khác. Khu vui chơi và sân bóng của cư xá là nơi tôi tìm thấy bản thân mình.

Vào những ngày hè và dịp cuối tuần, hoặc trong những giờ đồng hồ vắng vẻ tuyệt vời sau khi tan trường và trước bữa ăn tối, hàng trăm đứa trẻ sống ở Bayview sẽ đẩy mấy cánh cửa bằng kim loại và thủy tinh của chung cư và tràn ra khoảng sân rộng hơn mười ba héc-ta, nơi chúng tôi tụ lại thành từng đội không cần ai giám sát rồi cùng chơi mấy trận bóng gậy, bóng đấm, bóng đập, hoặc giải cứu tù binh. Nhưng trò lật thẻ đầu lâu (Skully/Skelly) chắc là trò mà tôi khoái nhất.

Dưới ánh nắng nóng mùa hạ - những cây non ở Bayview chưa đủ cao lớn để có thể tỏa bóng mát như liệu định lúc đem trồng - chúng tôi sẽ bò lê trên mấy đầu gối xương xẩu, và với cái trán nhăn nhó còn hai mắt thì nheo lại, chúng tôi cố tính toán lực nảy lý tưởng để có thể búng cái nắp keng đã đập phẳng vào một trong mười ba chiếc hộp được sơn màu trên bàn cờ vẽ dưới nền nhựa đường của trò lật thẻ đầu lâu. Đấu thủ nào búng trúng đích nhiều nhất sẽ thắng.

Để có lợi thế, tôi sẽ dùng lò nướng của mẹ để nung chảy mấy cây bút chì sáp lên mấy cái nắp keng lởm chởm của anh em tôi. Sáp giúp mấy cái nắp keng đầm hơn cho nên dễ điều khiển hơn, và số trận mà chúng tôi thắng được hoàn toàn xứng đáng với vụ phải gánh chịu cơn giận dữ của mẹ khi bà phát hiện ra mấy vệt màu trong lò nướng của mình.

StarbucksS anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Clem Onojeghuo/Pexels.

Nhiều giờ liền đám bạn tôi và tôi sẽ hì hục bên nhau, những cánh tay nhớp dính của chúng tôi chạm vào nhau, chẳng đoái hoài gì tới mùi mồ hôi hăng như hành của trẻ nhỏ. Cứ mỗi lần búng xong là chúng tôi hô tên đứa kế tiếp. Khi có đứa được tuyên bố thắng trận, chúng tôi sẽ chơi lại hoặc dẹp hết để chơi sang một trò khác. Đôi lúc bố của một đứa nào đó, thậm chí có khi là bố của tôi nữa, cũng tham gia cùng.

Bọn tôi lâm trận vô cùng nghiêm túc. Ai cũng thấy cần chứng tỏ bản thân mình. Ít nhất là chúng tôi muốn tránh không bị thua trận. Vậy nhưng chúng tôi cũng cảm thấy gắn kết vô cùng. Khi chúng tôi ngồi cạnh nhau, tâm trí dán chặt vào một mục tiêu chung, thế là một cảm giác thân thiết nảy nở. Tình anh em đồng đội đã siết chúng tôi lại bên nhau.

Khu vui chơi không phải nơi duy nhất chúng tôi tìm thấy cảm giác kết nối. Gia đình tôi đến khu tái định cư Bayview vào năm 1956. Tòa nhà chúng tôi ở nằm trong số hai mươi ba tòa chung cư y hệt nhau. Riêng tòa của chúng tôi đã có hai mươi ba thằng cỡ tuổi tôi. Chúng tôi lớn lên cùng nhau, chạy lên chạy xuống dọc những hành lang và thám hiểm căn hộ nhà nhau hết sức dễ dàng.

Hầu hết các nhà đều không khóa cửa. Vì mấy cánh cửa màu nâu đỏ trông hệt như nhau nên thường xuyên xảy ra chuyện vô tình bước vào nhà người khác mà cứ tưởng là nhà mình. Và khi bạn nhận ra mình nhầm lẫn - Ủa, nhà mình mua bàn ghế mới hồi nào vậy? Sao con lại ngửi thấy mùi bắp cải? - bạn sẽ cười xòa, mà mấy người láng giềng cũng thế. Chẳng ai lo lắng chuyện có người đột nhập nhà mình.

Mấy vụ ẩu đả ở Bayview thường không leo thang tới mức bạo lực chết người, nhưng chúng dữ dội theo cách của riêng mình. Nhiều năm về sau, Billy bạn tôi có lần gọi khu dự án nơi chúng tôi lớn lên là nơi mà những thằng không khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hay hài hước khó lòng trụ lâu được.

Điều đó có thể đúng - dù gắn kết với nhau là thế, chúng tôi vẫn phải đạp lên nhau trong cái không gian tách biệt hoàn toàn so với những khu vực khác của Brooklyn. Khi tôi nói với những người không ở khu Bayview về nơi tôi sống, tôi luôn có cảm giác bị dán nhãn là đứa nghèo khổ. Chuyện sống trong khu nhà do chính phủ trợ cấp đã định hình nên con người tôi.

Gói giữa những lằn ranh biên giới Bayview, nơi mà ai cũng nghèo, chúng tôi phải cố gắng kiếm tìm một hình ảnh khác, nhất là đám thanh thiếu niên nam giới. Qua các trò chơi, trận đấu, qua những lời lăng mạ, bông đùa, và mấy cuộc ẩu đả, chúng tôi cố gắng chứng minh giá trị của mình trong mắt đối phương. Nhưng thậm chí là vậy, khoảng không đô thị nơi tôi lớn lên mang tới cho tôi cảm giác còn hơn cả sự an toàn. Nó chính là cộng đồng đầu tiên tôi từng biết tới.

Howard Schultz/NXB Trẻ

SÁCH HAY