Điện Kremlin trong một tuyên bố hôm 25/9 cho biết ông Putin nhấn mạnh “thách thức chiến lược quan trọng của thời đại là nguy cơ đối đầu quy mô lớn trong lĩnh vực kỹ thuật số”.
Ông đồng thời kêu gọi triển khai các chương trình để “thiết lập lại quan hệ trong lĩnh vực an ninh thông tin và truyền thông”. Tuyên bố bao gồm việc đảm bảo không can thiệp vào công việc nội bộ của bên kia, theo Wall Street Journal.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ảnh: WSJ. |
Đề xuất của tổng thống Nga được đưa ra chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3/11, cũng như trong bối cảnh giới tình báo và an ninh mạng Washington cáo buộc Nga đang nỗ lực tác động đến tiến trình đó.
Tháng 8, cộng đồng tình báo Mỹ kết luận rằng Nga nỗ lực trong việc tuyên truyền thông tin sai lệch nhằm gây tổn hại đến hình ảnh của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, cũng như thúc đẩy chiến dịch rò rỉ thông tin tai hại về ông.
“Chúng tôi cho rằng Nga đang sử dụng một loạt các biện pháp để bôi nhọ cựu Phó tổng thống Biden và những gì nước này coi là ‘cơ sở chống Nga’ ở Washington”, William Evanina, Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Mỹ, nói hồi tháng 8.
“Một số nhân vật có liên hệ với Điện Kremlin cũng đang tìm cách nâng cao hình ảnh của ứng viên Tổng thống Trump trên mạng xã hội và truyền hình Nga”.
Đầu tháng 9, nhóm tình báo về mối đe dọa của Microsoft thông báo chính phủ Nga đã nhắm mục tiêu vào ít nhất 200 tổ chức liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ 2020, bao gồm các đảng chính trị cấp bang và quốc gia, các nhà tư vấn chính trị làm việc cho cả hai đảng.
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, nơi điều phối tất cả 17 cơ quan tình báo của Mỹ, hôm 24/9 cho biết đã thông báo cho các nghị sĩ về mối đe dọa bầu cử từ Nga, Trung Quốc và Iran. Ủy ban Tình báo Thượng viện nhận được bản tóm tắt hôm 23/9, một trợ lý Thượng viện cho biết.
Các cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ do công tố viên đặc biệt Robert Mueller phụ trách cũng xác nhận việc Moscow nỗ lực can thiệp trên diện rộng vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Điện Kremlin đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến quá trình bầu cử của Mỹ, đồng thời cáo buộc các nghị sĩ Mỹ mang tư tưởng bài Nga.
Căng thẳng về can thiệp bầu cử Mỹ và các lệnh trừng phạt của Washington đối với Moscow đã khiến quan hệ giữa hai cường quốc xuống mức xấu nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.