Ngày 16/6/2015, tỷ phú Donald Trump cùng vợ Melania bước xuống thang cuốn và tiến vào phòng họp báo ở Tháp Trump để tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ. Thông tin này lập tức khiến nhiều người bật cười hoặc nghi ngại bởi chẳng ai tin một “kẻ ngoại đạo” như ông có thể trở thành chủ tương lai của Nhà Trắng.
Hơn một năm sau ngày đó, “kẻ ngoại đạo” ấy vượt qua hàng loạt ứng cử viên trong nội bộ đảng Cộng hòa và đánh bại cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Ông Trump trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Những khác thường
Trước ngày 8/11/2016, cái tên Donald Trump gắn liền với một đế chế kinh doanh khổng lồ, bao gồm hàng loạt cao ốc, nhà hàng, khách sạn ở nhiều thành phố lớn trên thế giới.
Tổng thống Trump cùng gia đình trong đêm bầu cử Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh bất động sản, Donald Trump từ nhỏ là cậu bé hiếu động và bướng bỉnh. Ông được cha mẹ gửi tới một trường nội trú quân sự để rèn luyện kỷ cương.
Tốt nghiệp Học viện Quân sự New York, ông theo học Đại học Fordham và trường Kinh tế Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, nơi ông nhận bằng cử nhân kinh tế vào năm 1968.
Những năm 1980 chứng kiến sự vươn lên ngoạn mục của Trump. Ông bước ra khỏi cái bóng của cha mình và thành lập công ty riêng. Những doanh nghiệp, khách sạn, khu giải trí, sòng bạc… mang tên Trump mọc lên ở khắp nơi.
Vị tỷ phú New York nhen nhóm ý định tranh cử tổng thống Mỹ vào các năm 2000, 2004 và 2012, nhưng ông không thực hiện. Ông đồng thời tiết lộ khả năng chạy đua chức thống đốc New York vào năm 2006 và 2014.
Tranh cử tổng thống với khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông Trump tỏ ra là nhà lãnh đạo cứng rắn, sẵn sàng bảo vệ lợi ích cho người Mỹ. Cuối cùng, vượt qua 16 ứng cử viên trong nội bộ đảng Cộng hòa cùng lời dèm pha từ nhiều người, đánh bại cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, Donald Trump chính chức trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại
Trước khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, Donald Trump đã sở hữu đế chế kinh doanh khổng lồ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, giải chí, truyền hình. Tài sản của vị tỷ phú 71 tuổi không chỉ tập trung ở Mỹ, mà còn rải rác ở nhiều quốc gia trên thế giới.
"Trong lịch sử đất nước, chưa bao giờ có một vị tổng thống sở hữu một đế chế kinh doanh hùng mạnh ở cả trong nước lẫn nước ngoài", Michael Green, thành viên cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush, nhận định.
Ông trùm của đế chế bất động sản chạy đua vào Nhà Trắng với những khẩu hiệu chống toàn cầu hóa cứng rắn. Trong suốt hơn một năm tranh cử, ông nhiều lần đòi điều chỉnh quan hệ kinh tế giữa Mỹ và các đối tác toàn cầu mà ông coi là "bất bình đẳng" và gây thiệt hại cho người lao động của xứ cờ hoa.
Dấu ấn lớn đầu tiên ông Trump để lại tại phòng Bầu Dục là quyết định hủy bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Đó dường như là phát súng đầu tiên mà ông chủ Nhà Trắng phát ra, chỉ dấu cho việc Washington sẽ xem xét lại một loạt các hiệp định thương mại quốc tế.
Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), văn bản mà ông Trump cho là nguyên nhân khiến Mỹ nhập siêu từ Mexico và Canada, là một đối tượng bị ảnh hưởng dưới thời ông Trump. Hiện, vòng 4 tái đàm phán về NAFTA đang bế tắc do một số yêu sách của Mỹ mà Canada và Mexico coi là "không thể chấp nhận được".
Những quốc gia xuất siêu lớn vào Mỹ cũng không tránh khỏi mũi dùi công kích của Tổng thống Trump. Trung Quốc, bạn hàng đứng đầu danh sách xuất siêu vào Mỹ, mới đây chịu mức thuế chống trợ giá từ 16,5% - 81% đối với các mặt hàng nhôm lá.
Những đồng minh truyền thống của Mỹ cũng đứng trước sức ép từ Washington. Tổng thống Trump cũng từng phê phán con số 49 tỷ USD thâm hụt mà Mỹ đang phải gánh chịu trong quan hệ thương mại với Đức. Ông Trump từng đe dọa sẽ đánh thuế 35% đối với ôtô của Đức trước thông tin BMW dự kiến xây dựng nhà máy sản xuất ôtô tại Mexico để nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Hồi tháng 7, ông chủ Nhà Trắng cũng đã công khai than phiền về tình trạng thâm hụt thương mại với Hàn Quốc, ở mức 27,6 tỷ USD năm 2016, và kêu gọi đàm phán lại FTA giữa Seoul và Washington.
"Nếu Washington quá thiên về bảo hộ thương mại, cả thế giới sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề và điều này, cuối cùng, sẽ là con dao hai lưỡi gây thiệt hại cho chính nước Mỹ", Fred Bergsten, giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định.
Các chuyên gia nhận định chủ nghĩa bảo hộ mà Tổng thống Trump theo đuổi có thể khiến Mỹ trở thành kẻ ngoài cuộc trong cuộc chơi thương mại toàn cầu. Trong khi Mỹ bỏ rơi TPP, còn tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương với EU vẫn chưa có kết quả, việc EU và Nhật Bản đồng ý thỏa thuận mậu dịch tự do ngay trước thềm G-20 là một trái đắng dành cho các sản phẩm xuất khẩu từ Mỹ.
"Khi hai đối tác có tự do thương mại, còn Mỹ thì không có tự do thương mại với cả hai đối tác đó, thì Mỹ sẽ gặp bất lợi", Chad Bown, chuyên gia từ Viện kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định.
Chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam
Ông Trump sẽ tới Đà Nẵng vào ngày 10/11 để tham dự và phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Điều này cho thấy mối quan tâm của tổng thống Mỹ tới châu Á - Thái Bình Dương cũng như những thể chế đa phương trong khu vực. Washington mong muốn cùng APEC tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại số, loại bỏ các rào cản thương mại, cải thiện năng lực khoa học - kỹ thuật và đem lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Ông chủ Nhà Trắng từng tỏ ra không mặn mà với chủ nghĩa đa phương khi tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và không nhắc nhiều tới ASEAN, điều này khiến không ít quốc gia lo lắng. Sự xuất hiện của ông Trump tại APEC sẽ là lời cam kết mạnh mẽ nhất về sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Theo thông báo từ Nhà Trắng, sau khi rời Đà Nẵng, ông Trump sẽ tới Hà Nội trong ngày 11/11, bắt đầu chuyến thăm chính thức. Tại đây, ông sẽ gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam.
2017 là năm quan hệ Việt - Mỹ đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý. Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 5 đã khiến Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên tới Nhà Trắng dưới chính quyền mới.
Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận về thương mại với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hoan nghênh việc ký kết các hợp đồng kinh doanh trị giá hàng tỷ USD cũng như lượng công ăn việc làm mà những thỏa thuận này mang lại.
Chuyến thăm sắp tới của ông Trump tới Hà Nội sẽ góp phần thúc đẩy quá trình thực thi những thỏa thuận đã đạt được giữa hai nước, mở rộng hợp tác và tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ.