Hội nghị APEC đầu tiên
APEC được thành lập tháng 11/1989 với 12 thành viên sáng lập là Australia, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Singapore, Brunei, Indonesia, New Zealand, Canada và Mỹ. Do vậy, hội nghị đầu tiên được tổ chức nhân dịp này ở thủ đô Canberra của Australia, với sự tham dự của 12 bộ trưởng các nước sáng lập.
Hội nghị APEC đầu tiên năm 1989 ở Canberra, Australia. Ảnh: MFAT. |
Chủ trì hội nghị khi đó là Ngoại trưởng Gareth Evans từ nước chủ nhà. Sau đó, hội nghị quyết định sẽ tổ chức những cuộc họp mặt hàng năm với Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan được xác định là những nơi đăng cai tiếp theo.
Hội nghị lãnh đạo cấp cao đầu tiên
4 cuộc họp APEC đầu tiên chỉ diễn ra với quan chức tham dự ở cấp người đứng đầu bộ, ngành. Cho đến năm 1993, hội nghị hàng năm được đổi tên thành "Hội nghị lãnh đạo các nền kinh tế APEC" với sự tham dự lần đầu tiên của người nắm quyền cao nhất ở mỗi nền kinh tế thành viên.
Đây là sáng kiến phát sinh từ cuộc họp giữa tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton cùng Thủ tướng Australia Paul Keating. Hai ông tin rằng việc mời đại diện là người cấp cao nhất sẽ giúp đưa Vòng đàm phán Uruguay vốn đang bị ngưng trệ có thể trở lại lộ trình.
Tổng thống Bill Clinton và lãnh đạo các nền kinh tế trong hội nghị cấp cao đầu tiên năm 1993. Ảnh: Japantimes. |
Tại sự kiện đầu tiên này, các nhà lãnh đạo kêu gọi tiếp tục giảm thiểu rào cản thuế thương mại và đầu tư, đặt ra tầm nhìn một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương có thể thúc đẩy thịnh vượng thông qua hợp tác. Ủy ban Thư ký APEC sau đó cũng được thành lập và đặt ở Singapore để điều phối các hoạt động chung.
Nữ lãnh đạo đầu tiên chủ trì APEC
Với sự đăng cai tổ chức APEC năm 1999 của New Zealand, nữ thủ tướng nước chủ nhà Jenny Shipley trở thành người tiếp đón và chủ trì các hội nghị quan trọng trong khuôn khổ APEC. Trong lịch sử APEC đến nay, bà là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất đảm nhận các công việc này.
Thủ tướng New Zealand tiếp đón Tổng thống Mỹ Bill Clinton dự APEC năm 1999. Ảnh: AFP. |
Hơn 70% hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của New Zealand là sang các thành viên APEC. Tuy nhiên, chủ đề nổi cộm tại hội nghị cấp cao năm 1999 không phải là những vấn đề thương mại, mà là tình hình Đông Timor sau khi vùng này tuyên bố độc lập và tách ra khỏi Indonesia vào tháng 9/1999.
Lần đăng cai tổ chức APEC tiếp theo của New Zealand được xác định là vào năm 2021, diễn ra ở thành phố chính Auckland từ ngày 8 đến 14/11. Nếu ông Trump giữ vững quyết định tái tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2020 và giành chiến thắng, thì APEC sẽ là một trong những hội nghị quốc tế quan trọng mà ông tham dự ở năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2.
Lãnh đạo dự APEC nhiều nhất
Trong 23 năm hội nghị cấp cao APEC được tổ chức (từ 1993 đến 2016), Tổng thống Nga Vladimir Putin là người tham dự số lượng nhiều nhất: 11 lần. Ông Putin đã giữ chức tổng thống Nga trong giai đoạn dài, nhiệm kỳ 2002 - 2008 và từ 2012 đến nay. Hai lần tổng thống Nga không dự họp cấp cao APEC, mà cử thủ tướng đi thay, là vào năm 2002 và 2015.
Tổng thống Putin và các lãnh đạo dự APEC năm 2012. Ảnh: AFP. |
Hồi tháng 6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc gặp với Tổng thống Putin trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nga. Dịp này, Chủ tịch nước đã mời Tổng thống Putin thăm Việt Nam và dự tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng tháng 11.
Việt Nam và Nga đều cùng trở thành thành viên APEC vào tháng 11/1998. Nước Nga chỉ mới đăng cai tổ chức APEC một lần vào năm 2012, diễn ra ở thành phố Vladivostok.
Một trong những sự kiện bên lề APEC năm nay được trông đợi là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Putin. Hôm 20/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định cuộc gặp này nếu diễn ra thì "sẽ rất hữu ích".