Hội nghị Quan chức Cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3) tại TP.HCM đã kết thúc với buổi họp báo do Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì.
Trả lời câu hỏi của Zing.vn về thông tin cho rằng phái đoàn Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều bất đồng trong các cuộc họp vừa qua, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết dù còn nhiều khác biệt, nhưng tựu trung các nền kinh tế thành viên đều đã tán đồng với các đề xuất của Việt Nam về ưu tiên cho Năm APEC 2017.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong buổi họp báo. Ảnh: Tùng Tin. |
"Các thành viên APEC vốn rất đa dạng và khác biệt, họ có lợi ích khác nhau, trình độ phát triển khác nhau, chênh lệch từ khoa học - công nghệ đến thu nhập đầu người. Điển hình là Việt Nam, sức cạnh tranh của doanh nghiệp của chúng ta còn rất yếu", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói. Theo ông, dù khác nhau, thành công lớn nhất của APEC là tập hợp được các nền kinh tế với nhau, lấy APEC làm nòng cốt để "thúc đẩy hợp tác, liên kết, tự do thương mại, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó thúc đẩy mở cửa thị trường, tạo ra sự thịnh vượng".
"Tất nhiên là khi hợp tác thì sẽ có vấn đề còn khác nhau. Trong quá trình trao đổi còn một số vấn đề mà cần trao đổi với nhau và thống nhất với nhau là cần chia sẻ kinh nghiệm. Ví dụ việc xây dựng các khu vực mậu dịch tự do, không phải nền kinh tế nào cũng muốn ký các thỏa thuận thương mại tự do, họ muốn đi rất từ từ, rất chậm, có nền kinh tế muốn mở cửa thị trường, muốn đi nhanh. Việc chia sẻ kinh nghiệm là rất có ý nghĩa. Việc ý kiến khác nhau cũng rất bình thường. Ngoài Mỹ và Trung Quốc thì nhiều nước khác cũng có ý kiến khác nhau. Quan trọng là các ưu tiên của chúng ta".
"Quan trọng là các ưu tiên của Việt Nam đều được các nền kinh tế khác ưu tiên", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn chủ trì buổi họp báo kết thúc SOM 3 chiều 30/8. Ảnh: Tùng Tin. |
Trả lời câu hỏi của Zing.vn về việc APEC vẫn thường bị phê bình là "nói mà không làm", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng hoạt động trong APEC dựa trên nguyên tắc tự nguyện và cam kết thực hiện; thường các thành viên nếu cam kết là sẽ thực hiện.
Để hạn chế việc nói mà không làm, nước chủ nhà khi đưa ra đề xuất phải tính đến lợi ích khác nhau của mỗi nền kinh tế thành viên và đề xuất phải đi sát thực tiễn cuộc sống.
"Ví dụ là chúng ta phối hợp với Nhật Bản xây dựng bộ thông lệ điển hình về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Sáng kiến này được tất cả thành viên ủng hộ rất mạnh mẽ", ông Sơn cho biết.
Hội nghị SOM 3 diễn ra từ 29 - 30/8 tại TP.HCM với sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Hội nghị SOM 3 cùng các cuộc họp liên quan diễn ra tại TP.HCM từ ngày 18/8 đến nay là đợt hội nghị lớn thứ ba của Năm APEC. SOM 3 bao gồm 75 cuộc họp, hội thảo, đối thoại... của các ủy ban, nhóm công tác APEC trên nhiều lĩnh vực khác nhau: tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, kinh tế mạng, phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, tăng trưởng chất lượng, doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Hội nghị Quan chức Cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3) ngày 29/8 tại TP.HCM. Ảnh: Tùng Tin. |
Qua 27 năm hình thành và phát triển kể từ 1989, APEC tiếp tục khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tập trung vào 3 trụ cột hợp tác chính: Tự do hóa thương mại và đầu tư; Thuận lợi hóa kinh doanh; và Hợp tác kinh tế - kỹ thuật.
APEC là diễn đàn mở, hoạt động theo nguyên tắc cùng lợi, đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc. Kể từ khi thành lập, APEC đã trải qua 4 đợt mở rộng và hiện có 21 nền kinh tế thành viên, hội tụ các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tính đến tháng 11/2016, APEC đại diện khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu.