Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao CIA hạn chế thông tin tình báo về Nga tới Nhà Trắng?

Nhiều người cho rằng mục đích chính của việc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hạn chế thông tin tình báo về Nga là để làm hài lòng Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chín quan chức đương nhiệm và cựu nhân viên CIA mới đây cho biết Giám đốc Gina Haspel đã tăng cường kiểm soát nguồn tin tình báo liên quan đến Nga gửi về Nhà Trắng.

Động thái này làm dấy lên mối lo ngại rằng giới chức lãnh đạo Mỹ sẽ khó tiếp cận với những thông tin quan trọng chỉ để làm hài lòng Tổng thống Trump, người thường tỏ ra bực tức mỗi khi nhận tin xấu về Moscow.

CIA kiem duyet tin ve Nga anh 1

Giám đốc CIA Gina Haspel đã cho thắt chặt kiểm tra đối với nguồn tin tình báo về Nga. Ảnh: AFP.

Thắt chặt kiểm duyệt thông tin về Nga

Vào năm 2019, 3 trong số 9 quan chức tình báo Mỹ nói trên cho biết bà Haspel đã giao cho Tổng cố vấn CIA Courtney Elwood xem xét cẩn thận những thông tin liên quan đến Nga trước khi chuyển đến bàn làm việc của Tổng thống Trump.

Một quan chức Mỹ giải thích việc hạn chế nguồn tin tình báo liên quan đến Nga từ CIA gửi về Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) là để tập trung vào vấn đề “chất lượng thay vì số lượng”.

CIA kiem duyet tin ve Nga anh 2

Tổng cố vấn CIA Courtney Elwood là người chịu trách nhiệm kiểm duyệt thông tin về Nga trước khi trình Nhà Trắng. Ảnh: Twitter.

Theo một nguồn tin khác từ giới chức Mỹ, dù CIA không phải cơ quan duy nhất cung cấp thông tin tình báo cho NSC, tổ chức này “rõ ràng” thể hiện “sự thận trọng” về nguồn tin liên quan đến Nga mà họ gửi cho NSC kể từ thời điểm quá trình luận tội Tổng thống Trump diễn ra.

Khiếu nại tố cáo về tổng thống Mỹ thứ 45 từ một nhà phân tích CIA mà Elwood chuyển cho luật sư John Eisenberg của NSC đã châm ngòi cho cuộc điều tra luận tội ông Trump. Chính điều này đã khiến Nhà Trắng và các lãnh đạo tình báo hàng đầu trở nên thận trọng với nguồn tin liên quan đến Nga.

Sự giám sát của CIA trở nên chặt chẽ hơn khi Bộ Tư pháp Mỹ nối lại điều tra về nghi án can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016.

CIA kiem duyet tin ve Nga anh 3

Khiếu nại từ một nhân viên CIA châm ngòi cho phiên luận tội đối với ông Trump khiến tổng thống Mỹ đương nhiệm tức giận đối với giới tình báo nước này. Ảnh: Reuters.

Về phía Tổng thống Trump, kể từ khi được tuyên bố trắng án vào tháng 2, ông đã nỗ lực đặt quyền kiểm soát lên các hoạt động của cộng đồng tình báo Mỹ.

Cụ thể, ông Trump đã bổ nhiệm những người trung thành với mình vào các vị trí chủ chốt như giám đốc tình báo quốc gia hay nhân viên cấp cao của NSC.

Theo các nguồn tin nội bộ từ Nhà Trắng, Tổng thống Trump hiện vẫn rất nhạy cảm với chủ đề Nga can thiệp vào tình hình tại Mỹ.

Vào ngày 17/9, ông Trump đã chỉ trích giám đốc FBI trên Twitter vì đã làm chứng rằng Moscow đang tìm cách “gây chia rẽ và bất hòa”, đồng thời “bôi nhọ cựu Phó tổng thống Biden” trong nỗ lực gây ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử.

Trách nhiệm hay động cơ chính trị?

Một phát ngôn viên của CIA đã không phủ nhận thông tin bà Haspel siết chặt quản lý đối với thông tin tình báo liên quan đến Nga, song bác bỏ cáo buộc rằng động thái này được thực hiện với mục đích chính trị.

“Xem xét kỹ lưỡng quy trình tiếp nhận và thông tin tình báo không chỉ là trách nhiệm mà còn là tâm huyết cả đời của Giám đốc Haspel, nó nằm trong máu của bà ấy”, phát ngôn viên CIA Timothy Barrett nói. “Bà Haspel chất vấn các nguồn tin là để đảm bảo tính xác thực. Các cáo buộc về động cơ chính trị đều là vô căn cứ”.

Hệ quả của động thái trên là sự ra đi của một loạt quan chức chủ chốt phụ trách mảng thông tin liên quan đến Nga. Một nhân viên tình báo đã nghỉ việc nhận xét về bà Haspel: “Cách phản ứng của bà ấy khá tiêu cực và bảo thủ. Ngoài ra, bà Haspel còn có những bình luận không phù hợp về cơ quan tình báo phụ trách nguồn tin liên quan đến Nga”.

CIA kiem duyet tin ve Nga anh 4

Nhiều tranh cãi nổ ra về động cơ bà Haspel kiểm soát chặt nguồn tin liên quan đến Nga. Ảnh: Getty.

Bà Haspel gia nhập CIA vào năm 1985 và có nhiều năm hoạt động với tư cách là một sĩ quan bí mật ở châu Âu, Trung Á-Âu và đôi khi tập trung vào các hoạt động ở Nga.

Nhiều người lo ngại rằng thái độ tiêu cực của bà Haspel đối với các nhà phân tích tình báo về Nga tại CIA xuất phát từ áp lực chính trị liên tục từ phía chính quyền Tổng thống Trump.

Kết luận mà các chuyên gia CIA đưa ra vào năm 2016 về việc Moscow can thiệp giúp ông Trump đắc cử đã khiến tổng thống Mỹ tức giận và mất niềm tin vào những thông tin mà cơ quan này cung cấp. Điều này được cho là đã tác động đến cách nhìn nhận của bà Haspel đối với đội ngũ phân tích tình báo về Nga tại CIA.

Cơn giận của tổng thống

Những người thân cận với Giám đốc Haspel cho biết việc bà hạn chế nguồn tin tình báo liên quan đến Nga không hẳn bắt nguồn từ nỗ lực duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người đứng đầu Nhà Trắng. “Bà Haspel biết rằng CIA đang bị soi xét rất kỹ lưỡng, do đó bà ấy cảm thấy thông tin của họ cần chính xác và kín kẽ hơn”, một nguồn tin ẩn danh cho biết.

CIA kiem duyet tin ve Nga anh 5

Nhiều người cho rằng các cơ quan tình báo Mỹ đang dè chừng cơn giận của Tổng thống Trump. Ảnh: Getty.

Giới quan sát cho rằng các cơ quan tình báo tại Mỹ đang e ngại trước sự giận dữ của Tổng thống Trump, đặc biệt là sau khi ông sa thải quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia Joseph Maguire và chỉ trích dữ dội Giám đốc FBI Christopher Wray trên Twitter.

Ông Wray và giới lãnh đạo an ninh quốc gia, trong đó có bà Haspel, đã tìm cách tránh cơn thịnh nộ của tổng thống đương nhiệm bằng cách yêu cầu tổ chức kín phiên điều trần thường niên về mối đe dọa quốc tế vào đầu năm nay để khuất tầm mắt của ông Trump.

Nhiều người chỉ trích cách tiếp cận của bà Haspel, cho rằng cơ quan tình báo cần cung cấp thông tin một cách khách quan, bất chấp tình hình và các chuyển biến chính trị.

Một cựu quan chức cấp cao CIA nhận xét: “Giám đốc (Haspel) đã thoái thác trách nhiệm khi tránh nói với tổng thống về những điều ông ấy cần phải nghe, và việc này một phần được hậu thuẫn bởi bà Elwood”.

Một cựu nhân viên CIA khác cho rằng cần có người “sẵn sàng đứng ra thách thức quyền lực của bà Haspel và bà Elwood” vì “nhiệm vụ của cơ quan tình báo không phải là để bảo vệ một cá nhân hay một chính phủ, mà là bảo vệ nền an ninh quốc gia”.

Edward Snowden đồng ý trả 5 triệu USD cho chính phủ Mỹ

Người làm rò rỉ nhiều thông tin quan trọng của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hồi năm 2013 mới đây đã chấp nhận trả hơn 5 triệu USD cho chính phủ nước này, CNN đưa tin.

Cựu nhân viên CIA sa lưới vì tuồn tài liệu tối mật cho Trung Quốc

Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt một cựu nhân viên CIA 67 tuổi với cáo buộc ông này liên tục chuyển thông tin diện “Tối mật” cho giới tình báo Trung Quốc trong gần 20 năm qua.

TT Trump bị phe Cộng hòa chỉ trích sau tiết lộ về người tố giác

Làn sóng chỉ trích dâng cao sau khi ông Trump chia sẻ một bài viết mang tính công kích nhắc đến tên của người tố giác được cho là nhân viên CIA, tâm điểm của vụ bê bối Ukraine.

Đại Hoàng

Theo SCMP

Bạn có thể quan tâm