Tổng thống Mỹ Donald Trump đối mặt với những lời kêu gọi từ chính đảng của mình yêu cầu ông kiềm chế hơn trên Twitter, giữa cơn bão phẫn nộ nổi lên hôm 29/12 sau khi ông tiết lộ tên của nhân vật được cho là "người tố giác" dẫn đến việc luận tội tổng thống.
Làn sóng chỉ trích ngày càng dâng cao sau khi ông Trump đăng tải lại một bài viết mang tính công kích, trong đó nhắc đến tên của người được cho là nhân viên CIA, tâm điểm của vụ bê bối Ukraine. Hành động này có thể vi phạm luật về việc bảo vệ danh tính của người tố giác, theo AFP.
"Nếu tổng thống tweet ít hơn một chút, sẽ không gây ra tổn thương não. Nhưng tổng thống không cần phải nghe lời khuyên của tôi, tôi cũng không trông đợi ông làm vậy", Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Kennedy, đồng minh quan trọng của ông Trump, nói với Fox News hôm 29/12.
Ông Trump kết thúc năm 2019 với việc trở thành tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị luận tội sau khi gây áp lực để Ukraine điều tra cựu phó tổng thống Joe Biden, đối thủ của ông trong cuộc chiến tái tranh cử năm 2020.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP. |
Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã truy tố ông Trump hai tội lạm dụng chức vụ và cản trở quốc hội. Tuy nhiên, cáo trạng này khó có thể vượt qua cửa Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát trong một phiên tòa dự kiến bắt đầu vào tháng 1.
Song ông Trump dường như ngày càng khó chịu vì thời gian cụ thể để tổ chức phiên tòa vẫn chưa được ấn định trong bối cảnh hai đảng vẫn tiếp tục tranh cãi về luật lệ cho phiên tòa.
Tổng thống đã dành phần lớn ngày 27/12 để đăng lại các tweet ủng hộ ông và chỉ trích phe Dân chủ từ các tài khoản Twitter có vẻ đáng ngờ, bắt đầu cơn thịnh nộ kéo dài cả 2 ngày cuối tuần.
Dòng tweet về người tố giác đã không còn trên Twitter của tổng thống vào sáng 28/12, dù không rõ ai đã gỡ nó.
Noah Bookbinder, người đứng đầu nhóm Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức ở Washington (CREW), nói "tổng thống sử dụng quyền lực và chức vụ của mình để vạch trần và đe dọa người tố giác vụ Ukraine - giống như rất nhiều chuyện khác ông đã làm - hoàn toàn vượt ra ngoài phạm vi có thể chấp nhận được".
Trong khi đó, hạ nghị sĩ Cộng hòa Steve Scalise đã biện hộ cho việc ông Trump nhiều lần yêu cầu đưa người tố giác ra trước Thượng viện. "Nhìn xem, người tố giác lẽ ra nên làm chứng lâu rồi", ông nói.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, thuộc đảng Dân chủ, vẫn đang giữ cáo trạng luận tội tổng thống đã được Hạ viện thông qua hôm 18/12 - có nghĩa là phiên tòa tại Thượng viện chưa thể bắt đầu.
Bà đã chỉ trích lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell - người sẽ tuyên thệ không thiên vị với tư cách là một bồi thẩm trong phiên tòa - vì đã công khai thừa nhận "sự phối hợp toàn diện" giữa ông với Nhà Trắng.
Đảng Dân chủ cũng lên án chiến lược của đảng Cộng hòa - không cho phép nhân chứng trực tiếp xuất hiện hoặc đưa ra chứng cứ mới tại phiên tòa.
Đảng Dân chủ muốn nghe lời khai từ một số nhân vật đương nhiệm hoặc đã nghỉ việc trong chính quyền, bao gồm cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo - người từ chối làm chứng trước Hạ viện sau khi ông Trump yêu cầu họ không hợp tác.
Ngược lại, đảng Cộng hòa muốn nghe từ người tố giác cũng như cựu phó tổng thống Biden và con trai ông, Hunter. Họ vẫn kiên quyết cho rằng ông Biden, khi còn đương chức, đã tìm cách bảo vệ con trai ông trong một cuộc điều tra tham nhũng ở Ukraine - cáo buộc đã bị bác bỏ một cách rộng rãi.
"Thượng viện sẽ có một phiên tòa công bằng và bạn sẽ thấy sự tha bổng", ông Scalise nói với Fox.