Khói bốc lên ở Lebanon sau loạt không kích của Israel hôm 26/11. Ảnh: New York Times. |
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26/11 đã công bố một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt giao tranh giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon, làm dấy lên hy vọng rằng thỏa thuận này có thể mang lại kết thúc lâu dài cho cuộc chiến đẫm máu nhất ở Lebanon trong nhiều thập kỷ.
Vài phút trước đó, Văn phòng Thủ tướng Israel đã thông báo rằng Nội các nước này đã chấp thuận đề xuất ngừng bắn.
Cuộc giao tranh đã khiến hơn một triệu người Lebanon và hàng chục nghìn người Israel phải di dời, cướp đi sinh mạng hơn 3.000 người Lebanon và 100 người Israel và làm đảo lộn cán cân quyền lực trong khu vực.
Trong bài phát biểu trên truyền hình từ Nhà Trắng, ông Biden cho biết lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực vào lúc 4h sáng 27/11 tại Israel và Lebanon. Ông nói rằng thỏa thuận này nhằm chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến giữa hai bên, gọi đó là "một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn".
Hezbollah chưa bình luận về thông báo này, theo New York Times.
Chính phủ Lebanon - không kiểm soát Hezbollah nhưng đóng vai trò thiết yếu trong thỏa thuận - đã lên lịch họp vào sáng 27/11 (theo giờ địa phương) để thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn.
Nội các an ninh của Israel đã thông qua đề xuất do Mỹ hậu thuẫn vào đêm muộn 26/11 sau nhiều giờ thảo luận, chính phủ Israel cho biết trong một tuyên bố. Ngay sau đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói chuyện với ông Biden để khẳng định rằng Israel sẽ chống lại "bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh của mình".
Trong bài phát biểu vào đêm 26/11 trước công chúng Israel, ông Netanyahu đã tìm cách bác bỏ những lời chỉ trích của phe cánh hữu trong nước về quyết định chấm dứt chiến tranh với Hezbollah. Ông lập luận rằng một lệnh ngừng bắn là cần thiết để cho phép Israel tập trung vào mối đe dọa do đối thủ khu vực của mình là Iran gây ra, nhằm cô lập Hamas và bổ sung kho vũ khí.
"Chúng tôi sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ hành vi vi phạm" lệnh ngừng bắn của Hezbollah, ông Netanyahu nói.
Theo thỏa thuận, Israel sẽ dần rút các lực lượng còn lại khỏi Lebanon trong 60 ngày tới, trong khi Hezbollah sẽ không được phép cố thủ gần biên giới Israel, ông Biden cho biết.
“Dân thường ở cả hai bên sẽ có thể an toàn trở về cộng đồng của mình và bắt đầu xây dựng lại nhà cửa, trường học, trang trại, doanh nghiệp và cuộc sống", nhà lãnh đạo Mỹ nói.
Ông Biden cho biết quân đội và lực lượng an ninh Lebanon sẽ “triển khai và kiểm soát lãnh thổ nước này” một lần nữa, và Mỹ, Pháp cùng các đồng minh khác đã cam kết đảm bảo thỏa thuận đạt hiệu quả.
“Chúng tôi đã xác định rằng cuộc xung đột này sẽ không chỉ là một chu kỳ bạo lực khác”, ông nói.
Trong bài phát biểu từ Vườn Hồng Nhà Trắng, ông Biden cho biết: "Theo thỏa thuận đạt được hôm nay, có hiệu lực vào lúc 4h sáng mai, giờ địa phương, giao tranh trên khắp biên giới Lebanon - Israel sẽ chấm dứt". Ảnh: Nathan Howard/Reuters. |
Vài giờ trước khi các bộ trưởng Israel chấp thuận thỏa thuận, quân đội Israel đã tiến hành một trong những cuộc không kích dữ dội nhất kể từ khi chiến tranh bắt đầu, tấn công vào trung tâm Beirut và các khu phố do Hezbollah kiểm soát ở phía nam thành phố.
Thỏa thuận ngừng bắn chính thức là một thỏa thuận giữa Israel, Lebanon và các quốc gia làm trung gian bao gồm Mỹ.
Chủ tịch Quốc hội Lebanon Nabih Berri giữ vai trò đầu mối liên lạc với Hezbollah và bất kỳ thỏa thuận nào cũng được mong đợi sẽ bao gồm sự chấp thuận không chính thức của nhóm vũ trang này. Hezbollah đã hứng chịu nhiều tổn thất trong vài tháng qua, bao gồm cả vụ ám sát thủ lĩnh tối cao của nhóm, ông Hassan Nasrallah.
Các quan chức Israel cho biết nước này đã đạt được mục tiêu ở Lebanon và sẵn sàng chuyển trọng tâm sang Dải Gaza, nơi quân đội Israel vẫn đang tấn công dữ dội suốt hơn một năm qua. Nhưng thỏa thuận này cũng sẽ phá vỡ lời tuyên bố trước đó của Hezbollah là sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi Israel chấm dứt cuộc chiến với Hamas ở Gaza.
Một số người Israel cánh hữu đã lập luận rằng lệnh ngừng bắn hiện chỉ tạo tiền đề cho một cuộc chiến khác với Hezbollah sau vài năm nữa.
Lần gần nhất Israel và Hezbollah đối đầu trong một cuộc chiến lớn là vào năm 2006, cuộc đụng độ kéo dài 34 ngày khiến hơn 1.000 người Lebanon và 150 người Israel thiệt mạng trước khi kết thúc bằng lệnh ngừng bắn được quốc tế hậu thuẫn.
Trong nhiều năm, hai bên đã tuân thủ một lệnh ngừng bắn mong manh này, vì cả hai đều chuẩn bị cho viễn cảnh một cuộc xung đột lớn không thể tránh khỏi. Hezbollah bắt đầu tấn công Israel vào tháng 10 năm ngoái, sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào miền Nam Israel, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và châm ngòi cuộc chiến ở Gaza. Israel đáp trả bằng cách liên tục ném bom Lebanon và sơ tán hàng chục nghìn thường dân Israel khỏi các cộng đồng biên giới.
Các cuộc tấn công ở cả hai bên tăng dần. Sau đó, trong hai tháng qua, Israel đã thực hiện cuộc tấn công làm nổ hàng nghìn máy nhắn tin và radio nhằm vào các thành viên Hezbollah trên khắp Lebanon, ám sát thủ lĩnh Nasrallah và các ãnh đạo khác trong các cuộc không kích lớn và tiến hành một cuộc xâm nhập trên bộ để san phẳng các công trình mà Israel cho rằng do Hezbollah sử dụng.
Trong khi các chiến binh Hezbollah tiếp tục bắn hàng nghìn tên lửa và máy bay không người lái vào Israel, kích hoạt còi báo động không kích trên khắp cả nước, thương vong ở hai phía chênh lệch một cách rõ rệt.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...