Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những ngôi sao thầm lặng trong mùa dịch

Có chiến sĩ phải tự nguyện hoãn ngày cưới, cũng có người phải thắp nén hương từ xa khi bố mất. Họ đã gác lại tất cả để dồn tâm trí và sức lực phục vụ cộng đồng.

[...]

Loa phóng thanh vang lên, anh chỉ huy đọc tên những người có đồ từ bên ngoài gửi vào. Nhìn từ trên tầng xuống, chao ôi, đầy một sân đủ các thể loại thùng cát tông lớn bé, vali, túi to, túi nhỏ…

Cảm tưởng các gia đình ở bên ngoài quá lo lắng cho người thân của mình ở trong khu cách ly bị thiếu thốn nên gửi vào đến nửa cửa hàng bách hóa tổng hợp!

Có tận mắt chứng kiến cảnh các chiến sĩ thân hình gầy gò, nhễ nhại mồ hôi, chuyển hàng từ xe tải xuống, xếp vào xe đẩy, gò lưng đẩy xe bò lên dốc, rồi lại bê từng món đồ đặt xuống sân… mới thấy thương, thấy xót!

Việc gửi đồ nhiều quá mức cần thiết vừa làm cho các chiến sĩ vất vả thêm, vừa rất lãng phí.

Có lần, khi đi ngang qua một cậu ấm, tôi nghe thấy cậu cự nự với mẹ qua điện thoại: “Con chỉ cần mẹ gửi có ba bộ quần áo vào mà sao mẹ gửi cả vali tới 20 kg thì con mặc sao cho hết. Con chỉ cần quần áo thể thao sao mẹ gửi cả quần tây, áo vest vào làm gì? Con dặn có ba cái bánh mà sao mẹ gửi những 15 cái?”.

Phải chăng nhiều bố mẹ, người thân chỉ nghĩ đến con em mình mà thiếu sự cảm thông với sự khó nhọc của những người phục vụ. Tự dưng tôi thấy buồn, xót xa!

Chien si trong khu cach ly anh 1

Mọi đồ đạc từ ngoài gửi vào khu cách ly đều được các chiến sĩ và nhân viên trong khu kiểm tra, phân loại kỹ càng. Ảnh: Hồng Quang.

Ở khu cách ly, đeo khẩu trang là quy định bất di bất dịch, không có ngoại lệ. Buổi sáng, mỗi người được phát một cái khẩu trang y tế mới tinh. Trong phòng, chỉ lúc ăn mới được tháo khẩu trang, lúc ngủ cũng phải đeo. Ai xuống sân mà quên đều được nhắc nhở.

Nhớ lại hôm ở Paris, lúc ra bến tàu, tôi muốn đeo khẩu trang mà phải lấm lét nhìn xung quanh xem có bị ai phản ứng, lườm nguýt hay quay mặt đi không.

Cứ hai ngày một lần sau giờ ăn sáng, các công dân đều phải dọn tư trang gọn gàng để đội khử trùng vào khử khuẩn từ hành lang, vào từng giường, và khu vệ sinh công cộng. […]

Từ khi tại Việt Nam có ổ dịch đầu tiên ở Hạ Lôi, do một số công dân từ Vũ Hán trở về, tại tất cả chốt biên giới, các chiến sĩ biên phòng đã phải tăng cường canh gác, không một phút sơ hở.

Các chiến sĩ phải thay đổi nền nếp, thói quen sinh hoạt thường ngày. Hàng tháng trời nằm lán trại trong rừng để nhường nhà cho các công dân về cách ly.

Được biết, ngay từ đầu mùa dịch, nhiều chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tại các đơn vị giáp biên giới Việt - Trung, Việt - Lào… đã tự nguyện xin gia đình hai bên hoãn ngày cưới để toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch.

Có chiến sĩ bố mất, đành thắp nén hương từ xa chịu lỗi với bố và gia đình. Họ đã gác lại tất cả những gì thuộc về cá nhân để dồn hết tâm trí và sức lực phục vụ cho cộng đồng, cho nhân dân. […]

Từ ngày đó, các chiến sĩ bị cách ly với bên ngoài, liên lạc duy nhất với gia đình, bố mẹ, vợ con chỉ là những cuộc điện thoại hay những đoạn chat qua Zalo tranh thủ trong những phút ăn trưa, ăn tối.

Vừa bị cách ly với bên ngoài, vừa đối diện với nguy cơ phơi nhiễm, làm việc căng thẳng, ăn uống vội vàng, một số chiến sĩ khi hết thời gian làm nhiệm vụ phục vụ cách ly, hoàn toàn khỏe mạnh nhưng vẫn bị kỳ thị khi ra khỏi doanh trại làm họ bị tổn thương.

Ban chỉ huy trực tiếp ở khu cách ly gồm 4 sĩ quan. Một đồng chí hàng ngày trực trên sân để kịp thời xử lý các tình huống, ba đồng chí quản lý về khâu giấy tờ, hành chính.

Chúng tôi là đợt thứ hai cách ly tại đây. Có hai đồng chí chỉ huy đã tình nguyện ở lại tiếp đợt hai, đó là Thượng tá Bản và Trung tá Hưng. Đoàn chúng tôi có ấn tượng ngay về sự cởi mở, ân cần của thượng tá Bản đối với mọi người.

Từ khi sinh ra, tôi đã chứng kiến hai cuộc chiến tranh. Cuộc chiến tranh với đế quốc Mỹ khi tôi còn bé, tiếp đến cuộc chiến tranh biên giới chống quân xâm lược bành trướng Trung Quốc với bao nhiêu mất mát đau thương.

[…]

Giờ đây, bước sang thế kỷ 21, thế giới có thay đổi thế nào thì họ vẫn thế, những chiến sĩ đó, những quân nhân trên bất cứ mặt trận nào luôn luôn sẵn sàng xả thân, nhường tất cả điều có thể, kể cả tính mạng cho đồng bào thân yêu của mình trong cơn đại dịch này, ngày đêm giữ bình yên cho chúng ta.

Họ là những ngôi sao đặc biệt, thầm lặng nhưng luôn sáng chói trong lòng mỗi chúng ta!

TS Cù Thu Hương / NXB Hội Nhà văn

SÁCH HAY