Chẳng ai trong chúng tôi muốn rời cái khung cửa đó, ai cũng muốn thể hiện tình cảm, cảm xúc, lòng biết ơn qua lời hát, tiếng vỗ tay, ánh mắt nhìn bịn rịn từ trên ô cửa đến với người chỉ huy, với tất cả đội chiến sĩ áo xanh thân thương đã gắn bó với chúng tôi suốt 14 ngày đêm trong giờ phút chia tay.
Chưa có cuộc chia tay nào trong một không gian và bối cảnh mà muốn nói một lời cảm ơn, lời biết ơn trực tiếp cũng khó, muốn đưa ra một cử chỉ thân thiện như cái bắt tay cũng không nên, chỉ có thể, thể hiện tình cảm qua lời ca, tiếng vỗ tay, ánh mắt nhìn từ xa.
Trong đầu tôi lại hiện lên những thước phim ngắn quay lại toàn bộ 14 ngày ngắn ngủi nhưng đầy đủ sự quan tâm, chu đáo.
Ngay từ lúc chiếc xe ca chở chúng tôi đặt chân lên khuôn viên của khu cách ly, từng lời nhắc nhở ân cần rằng, chúng tôi hãy ngồi yên trên xe, đội khử trùng làm công tác khử khuẩn xe, để đảm bảo an toàn tuyệt đối không lây nhiễm của vị chỉ huy ngày đêm đồng hành không quản khó nhọc, nguy hiểm đã tình nguyện ở lại phụ trách tiếp đợt hai - thượng tá Nguyễn Đình Bản.
Ngày nào cũng như ngày nào, mưa hay nắng, sáng, trưa, chiều, tối, vẫn là anh với cái dáng cao đậm, kín mít trong bộ đồ bảo hộ, cái loa bên tay bận rộn dưới cái sân rộng, phẳng lì.
Hàng sáng nhắc công dân dậy chuẩn bị ăn sáng, nhắc nhở giữ vệ sinh trong phòng, xếp gọn đồ đạc, đeo khẩu trang, không khạc nhổ, nhắc các chiến sĩ bê nước, mang các nhu yếu phẩm như khẩu trang, giấy vệ sinh cấp cho công dân.
Đến giờ ăn trưa anh lại nhắc công dân về phòng để nhận các suất ăn, kiểm tra trật tự trong giờ nghỉ trưa, nhắc nhở tránh tụ tập ăn uống đông người… Chẳng biết anh và đồng đội có kịp ăn và nghỉ chút nào không?
Giữa trưa nắng, một chiến sĩ vác bình nước lên phòng cách ly tập trung. Ảnh: TS Cù Thu Hương. |
Đầu giờ chiều đã thấy anh bên cạnh cả tấn đồ của các gia đình gửi vào cho người thân. Anh phải đọc tên từng người nhận và phát từng thùng đồ tận tay người nhận, tận tâm như làm cho những người thân của mình.
Quan tâm đến những người có bầu, trẻ em, người già có bệnh là một việc được anh rất chú trọng. Anh trực tiếp sắp xếp giường nằm cho các chị em có bầu, trẻ nhỏ, người già đi lại khó khăn.
Có một công dân phải chạy thận nhân tạo, hàng ngày anh điều xe chở công dân đó ra bệnh viện bên ngoài chạy thận.
Không chỉ chăm lo ăn, ở, anh còn thấu hiểu, quan tâm đến học hành của nhiều sinh viên, thạc sĩ trong khu cách ly. Anh bố trí một phòng riêng để tạo điều kiện cho một cháu bảo vệ thạc sĩ trực tuyến trên máy tính.
Gần 800 con người trở về từ rất nhiều các quốc gia, đủ các lứa tuổi từ trẻ em hai tháng đến người già 85 tuổi, đủ ngành nghề, trình độ, khác nhau về thói quen, cá tính nên không thể tránh khỏi những va chạm, xung đột.
Nhưng với sự tài tình, khéo léo, đầy kinh nghiệm của một người đã quen với công việc quản lý, anh đã hóa giải được mọi xung đột.
Chiều đến anh lại như một quản gia chuyên nghiệp, vẫn với cái loa trên tay giúp điều phối công việc để giờ cơm chiều đến không một công dân nào phải ăn trễ.
Khi chúng tôi thảnh thơi đi dạo sau bữa ăn chiều thì cũng là lúc anh đi dọc từng tầng, kiểm tra từng bình nước đã có đủ trên bàn tại trước cửa mỗi phòng hay chưa, xem các túi rác đã được dọn đi chưa, xem hành lang có còn rác hay không.
Anh chăm bẵm tỉ mỉ như cho chính gia đình mình. Có lẽ chỉ sau 22 giờ, khi tất cả các phòng đều tắt đèn đi ngủ và sau khi đi tuần một vòng quanh hai dãy nhà thì lúc đó anh mới an tâm, được rảnh rỗi một chút để nhớ về vợ, con, gia đình, nơi anh đã xa hơn hai tháng rồi.
Với một người chỉ huy tận tâm cùng với gần 40 chiến sĩ trực tiếp và gián tiếp hết lòng 14 ngày đêm chăm lo cho chúng tôi như người thân, làm sao chúng tôi không khỏi bịn rịn, lưu luyến lúc chia tay? Muốn nói nhiều lắm, muốn bày tỏ nhiều lắm lòng cảm kích, sự biết ơn đối với tập thể cán bộ chiến sĩ ở đây.