Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những trái tim cùng hướng về tâm dịch

Người dân cả nước hừng hực một tinh thần sẻ chia, đùm bọc. Rất nhiều nhóm tình nguyện viên và hoạt động thiện nguyện ra đời với trái tim hướng về tâm dịch.

Từng đoàn xe bất kể ngày đêm, mưa, nắng, gió bão với đầy ắp hàng hóa cứu trợ. Nào máy thở, bảo hộ, khẩu trang, găng tay, mũ chống giọt bắn, kit xét nghiệm… rồi gạo, nước uống, rau tươi, những thứ thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày của bệnh viện và những người dân ở đây trong những ngày cách ly.

Hình ảnh bé trai 8 tuổi Hồ Anh Khiết người dân tộc Ca Dong, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My (Quảng Nam), đôi bàn chân trần, vượt đường rừng, đi bộ, trên vai vác khúc măng rừng, tay thì ôm xấp lá gói rau rừng góp cùng trong số 10 tấn củ quả, măng rừng của những người dân tộc trong thôn bản đưa về Đà Nẵng chống dịch Covid-19 làm ta liên tưởng đến cậu bé Gióng, một biểu tượng về sức mạnh của niềm tin, lòng dũng cảm, đồng lòng, hiệp lực đoàn kết trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Sự đồng lòng đoàn kết đã nâng tinh thần những chiến sĩ áo trắng lên, họ thấy được một bờ vai tinh thần giúp họ vượt qua những căng thẳng đầu óc, mệt mỏi.

Những cặp vợ chồng đều tình nguyện tham gia trực chiến tại bệnh viện trong mùa dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - tâm điểm điều trị các ca nhiễm.

Tự cách ly tại bệnh viện, để con ở nhà cho ông bà trông giúp, hai vợ chồng cùng làm trong bệnh viện mà cả tháng trời không được gặp nhau. Những bác sĩ hết phiên trực nhưng không nỡ nghỉ vì đồng nghiệp đang quá tải các ca bệnh.

Điều dưỡng viên Trần Thị Như Nhân, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đà Nẵng, cùng với các đồng nghiệp tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đã xem những ngày đỉnh dịch đến bệnh viện làm việc không phải như đi vào trận chiến mà chỉ đơn giản vẫn đang làm những công việc thường ngày.

Huong ve tam dich anh 1

Nhiều nhân viên y tế trải qua những trưa hè sức cùng, lực kiệt trong khu cách ly. Ảnh: NVCC.

Y sĩ Huỳnh Đức Thành trong đội cứu thương 115 ở Đà Nẵng kết thúc ngày làm việc đã ngã gục trên sân trạm. Anh bị co giật, sùi bọt mép vì sốc nhiệt do trời nóng và bị bó chặt trong bộ đồ bảo hộ kín mít, miệng bịt kín khẩu trang, không có không khí để thở, cường độ làm việc quá tải phải chạy đua với thời gian, với con bệnh.

Các đồng nghiệp phải kéo anh ra khỏi bộ quần áo bảo hộ, dốc các chai nước suối “tắm” cho anh từ đầu tới chân.

Phải chăng đó là sự tiếp nối truyền thống nghìn năm của dân tộc Việt, mỗi khi vận mệnh của đất nước bị đe dọa thì mỗi người dân luôn nâng cao ý thức của mình đối với vận mệnh của đất nước, của dân tộc, họ hòa mình giữa cái riêng và cái chung để mà “một người vì mọi người, mọi người vì một người”.

[…]

Cả thế giới cũng như Việt Nam lại quay cuồng chống dịch. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/8/2020 công bố với cả thế giới: “Nước Nga đã có vaccine chống Covid-19 mang tên Sputnik V”. Công bố này gây nhiều tranh cãi, Mỹ và các nước phương Tây phản ứng mạnh về việc Nga “đốt cháy giai đoạn” và quan ngại về tính an toàn của vaccine Nga.

Nhưng đó cũng là một tin vui và có ý nghĩa, thể hiện trí tuệ, năng lực của người Nga. Tuyệt vời nước Nga, chúc mừng nước Nga, chúc mừng nhân loại có thêm cơ hội thoát khỏi đại dịch.

Ở nước ngoài, những người Việt xa xứ vẫn ngày đêm cùng nhau vượt qua sợ hãi và những khó khăn do dịch bệnh gây ra. Họ vẫn lạc quan, yêu đời, yêu người, tin là bệnh dịch sẽ qua và để lại những kỷ niệm đẹp.

TS Cù Thu Hương/ NXB Hội Nhà văn

SÁCH HAY