Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tìm niềm vui trong những ngày dịch bệnh

Trở về nhà sau 14 ngày cách ly tập trung, tôi tiếp tục đón nhận nhiều câu chuyện đẹp về nghĩa tình người Việt dành cho nhau trong mùa dịch.

Xe lao vun vút ngược với hàng xà cừ quen thuộc bên đường. Những tán lá xanh biếc nghiêng ngả theo gió.

Ruộng lúa mới cấy hôm nào, giờ đã bén rễ, khoe những lá non mơn mởn. Tia nắng vội vã chạy đuổi thời gian lúc đậm, lúc nhạt trên từng vệt ruộng tạo thành từng đường kẻ như những chiếc sào múa sạp cho những hàng lúa xanh mướt lả lướt theo điệu nhạc gió.

Đàn trâu đen bóng dàn hàng ngang kéo những chiếc bừa. Theo sau đường bừa đất được xới tơi, những người nông dân đội nón lá, dáng hơi gù, mặc áo nâu sòng và quần đen ống rộng, hai tay vung lên vãi những hạt ngô, giống ông bà ngoại tôi ngày xưa từng làm.

[...]

Việt Nam của tôi là đây! Chúng ta chiến thắng không phải vì chúng ta giàu có, thông minh nhất thiên hạ. Cũng không phải vì chúng ta có các máy móc hiện đại nhất.

Chúng ta chiến thắng vì chúng ta qua biết bao thế hệ đã nếm trải nhiều thương đau, nhiều hy sinh, mất mát suốt chặng đường đấu tranh giành độc lập, tự do, quen phải đối phó, chống chọi với sự hà khắc của khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

Quá trình sinh tồn gian khổ khiến chúng ta biết đoàn kết, chia sẻ, biết sống vì cộng đồng, hàng xóm láng giềng gắn kết, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát để giữ an toàn cho nhau.

Nếu như cách đây chỉ tháng trước, ai đó thách đố rằng liệu có một ngày nào đó trên các đường phố Hà Nội chẳng còn bóng dáng của các quán cóc vỉa hè trà chanh chém gió đông vui, nhộn nhịp như kiến vỡ tổ thì chắc rằng chẳng một ai dám nhận lời thách đố đó, vì chắc chắn sẽ thua.

Thế mà giờ đây, chỉ sau đúng một ngày khi lệnh giãn cách xã hội được phát ra, tất cả đều im lìm, vắng lặng.

Đến cả mặt nước hồ Tây dường như cũng lặng theo, những bọt sóng lăn tăn chẳng còn thấy lấp ló trên bề mặt, làm cho chỉ có mình cánh phượng vĩ soi bóng xuống mặt hồ, đắm mình vào tấm gương phẳng trong vắt, long lanh màu đỏ tươi rực rỡ đón hạ.

Tính kỷ luật thời chiến được quay về một cách nhanh chóng, có lẽ trên thế giới trong những ngày này, Việt Nam là một trong số ít ỏi những nước mà mỗi người dân lại tự giác đề cao tính kỷ luật quần chúng đến như vậy.

Tinh nguoi trong mua dich anh 1

Lời cảm ơn của 219 công dân từ Guine Xích đạo trở về Việt Nam trên chuyến bay cứu trợ. Ảnh: VOV.

Trong căn phòng quen thuộc của tôi, mọi cái vẫn như cũ. Hoa trên ban công vẫn nở, khoe sắc, tỏa hương thơm. Mặc dù những ngày này không còn được tay trong tay, mắt nhìn mắt, vẫn vang vọng đâu đó những tiếng cười giòn tan.

Chúng tôi không cảm thấy buồn chán, cô đơn. Chúng tôi không vô ích, vẫn làm việc, hoạt động, vui chơi giải trí, quan tâm đến nhau, chia sẻ nỗi buồn, niềm vui. Đặc biệt, chúng tôi vẫn chiến đấu, cuộc sống vẫn đang tiếp diễn.

Bạn bè từ khắp nơi ngày ngày í ới. Các chai nước hỗn hợp 13 loại trái cây, củ, quả được ép, lọc làm kháng sinh tự nhiên, rổ rau xanh, quả bầu, quả bí, những bông hồng rực rỡ, cây hoa giấy đầy bông… được các bạn tôi thi nhau khoe.

Có lẽ lâu lắm rồi nhiều gia đình mới có thời gian ngồi ăn cùng nhau một bữa cơm, xem một bộ phim, nghe hết một câu chuyện và cùng lo sức khỏe cho nhau.

Đang ngồi trên xe từ văn phòng công ty trở về nhà, tranh thủ lướt Facebook, nhìn thấy tiêu đề to tướng về chuyến bay thắm tình người “Nhật ký xúc động của tiếp viên trưởng chuyến bay đến Guine Xích đạo” đón 219 lao động, trong đó có 129 công nhân nghi đang mắc bệnh Covid-19, về nước. Mới đọc những dòng đầu mà cả người tôi như lên cơn sốt. Từng giọt nước mắt ngắn dài tới tấp tuôn trào.

Tôi lấy tay gạt nước mắt, lau kính, nỗi xúc động dồn căng lồng ngực, muốn nấc thành tiếng...

Lúc này đây hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng làm sao, hai tiếng về với đất mẹ hiền hòa làm sao! Cảm thấy mình may mắn có một Tổ quốc, một đất mẹ như thế, còn rất nghèo về vật chất nhưng luôn mở rộng vòng tay đón các con về, chẳng phân biệt giàu hay nghèo, mạnh khỏe hay ốm đau.

Cám ơn đời đã cho ta một chốn mà có bay nhảy đi đâu chúng ta cũng đau đáu nhớ về.

TS Cù Thu Hương/ NXB Hội Nhà văn

SÁCH HAY