Dịch bệnh Covid-19 là bất hạnh của cả thế giới. Nó len lỏi khắp mọi nơi, đe doạ mọi gia đình, nhưng cũng là một tài sản để lại cho mỗi chúng ta, cho cộng đồng về lòng nhân ái, tình người, sự hy sinh, sự đoàn kết, vì cộng đồng, yêu thương thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Chỉ như thế, cuộc sống mới bình yên. Bất hạnh là điều không ai muốn, nhưng cũng không trốn chạy được. Với bản năng sinh tồn, mỗi người sẽ không khoanh tay cam chịu để mà bằng cách này, cách khác phải dồn hết can đảm, sức lực, dũng cảm vượt qua.
Trong lúc đại dịch đã giết chết gần một triệu người trên thế giới, nhiều câu chuyện đẹp được biết tới như một kỳ tích của sức mạnh và lòng dũng cảm con người.
Cụ bà Ana del Valle, 107 tuổi, cư dân vùng Ronda en Andalousie, Tây Ban Nha, từng sống sót qua dịch cúm Tây Ban Nha thế kỷ trước, nay được chữa khỏi Covid-19.
Ở thành phố Rimini thuộc Italy, một cụ bà 100 tuổi đã được chữa khỏi Covid-19 vào cuối tháng ba.
Cụ bà người Bỉ Julia Dewilde đã đón sinh nhật 100 tuổi của mình tại bệnh viện thật nồng nhiệt, cảm động với một màn chúc mừng, những tràng pháo tay, và một bó hoa đẹp bởi vì cụ không những được chữa khỏi Covid-19, mà cụ còn vượt qua ngưỡng một thế kỷ.
Cô gái bầu Megan Sites (Mỹ) nhiễm virus Corona trong tình trạng rất nặng phải thở bằng ống và hoàn toàn bất tỉnh. Các bác sĩ mổ tại bệnh viện Dayton (Mỹ) đã thực hiện việc cho cô sinh con chỉ với vết xẻ chứ không mổ trước khi chữa bệnh nhiễm virus hô hấp cấp của cô.
Sau nhiều ngày bị hôn mê, như có một “phép lạ”, bà mẹ trẻ đã chiến thắng bệnh và tỉnh dậy nhìn thấy con trai của mình lần đầu tiên, 10 ngày sau khi cậu bé chào đời.
Một chuyện lạ hy hữu mùa Covid-19, cụ bà người Pháp Helene Lefevre đã 106 tuổi, là người cao tuổi nhất trong nhà dưỡng lão Richard ở Conflans Sainte Honorine, dương tính với Covid-19 vào hôm 15/4 với các triệu chứng mệt, sốt, ho.
Cụ bà đã chiến thắng con virus mà không cần nhập viện. Hiện nay tình trạng sức khỏe của cụ ổn định, hoàn toàn tỉnh táo, minh mẫn, vẫn rất hài hước và kiên trì rèn luyện sức khỏe bằng cách hàng ngày đi bộ trong hành lang của nhà dưỡng lão.
Tuyệt vời với sức sống mãnh liệt của cụ bà trên trăm tuổi. Nghị lực sống và sự rèn luyện đã giúp cụ trở thành người “không bao giờ bị chết”!
Capitain Tom, 99 tuổi, cựu chiến binh Anh quốc, sau khi lập quỹ, quyên góp được hơn 30 triệu euro cho các cơ quan y tế công tại Anh bằng việc diễu hành 100 lần đi quanh sân nhà để cổ vũ tinh thần của các điều dưỡng viên.
[…]
Tiếng còi xe cấp cứu dồn dập trên nhiều đường phố, ngõ hẻm tại Đà Nẵng đã phá tan bầu trời yên bình. […]
Giờ đây, không kêu than, không trách móc, không oán hận, không đổ lỗi, cả nước lại hướng về Đà Nẵng với tình cảm tương thân, tương ái. Đà Nẵng đau, nỗi đau của cả nước, Đà Nẵng gồng mình chống chọi, cả nước cùng chung tay. Đà Nẵng yên bình, cả nước sẽ bình yên!
Mở đầu cho tinh thần tương thân, tương ái đó là những thiên thần áo trắng từ khắp các bệnh viện của cả nước: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Huế, Thanh Hóa... nghe tiếng gọi hỗ trợ là lên đường.
Có những y, bác sĩ chỉ kịp nhét vội vài ba quần áo có sẵn ở buồng trực, bàn chải, khăn mặt, hộp thuốc đánh răng vào túi sách rồi phóng thẳng ra sân bay hay theo xe đường bộ.
Họ biết rằng trong lúc đỉnh điểm của dịch thế này thì tận dụng tối đa mỗi giờ phút đều là những cơ hội vàng. Bớt đi những nhu cầu cá nhân để mà cứu được mạng người thì đó là điều nên làm ngay.
Bệnh viện dã chiến ra đời tại Hòa Vang. Là một trung tâm y tế huyện thiếu thốn đủ thứ từ con người đến cơ sở vật chất, có thể nói là từ số 0, thế mà chỉ sau một thời gian rất ngắn, một vài ngày đã trở thành một bệnh viện hiện đại hạng đặc biệt với đầy đủ nhân sự, thiết bị y tế, máy móc, thuốc men, đồ bảo hộ… sức chứa 200 giường điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, phòng hồi sức cấp cứu gần 20 giường với trang bị máy thở đầy đủ.