Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày chia tay khu cách ly tập trung

Lặng lẽ nhìn tất cả, nhìn vào suất cơm, hai hàng nước mắt tôi trào ra, phải cắn môi lại để không bật ra tiếng khóc. Hôm nay, tôi chính thức kết thúc thời gian cách ly.

Những ngày cuối tháng 3 cách đây 29 năm, khi vừa tròn 28 tuổi, tôi đã hồi hộp chờ nhận một tấm bằng là kết quả của 20 năm đèn sách. Tấm bằng khẳng định khả năng bản thân có thể bước vào cuộc sống tự lập. Đó là một ngày thiêng liêng, hạnh phúc trong cuộc đời tôi.

Sáng nay tôi cũng hồi hộp chờ nhận một tấm bằng, khác hẳn với những tấm bằng trước kia tôi đã nhận. Tấm bằng này chưa bao giờ có trong kế hoạch của tôi, không tốn nhiều thời gian nhưng lại rất đặc biệt, có một không hai.

Tấm bằng này không chỉ được tạo nên bởi sự cố gắng của tôi, mà đó là công sức, sự quyết tâm, sự hy sinh của cả một tập thể, của cả đất nước. Nó cho tôi trở lại cuộc sống an toàn.

Đó là tấm bằng của lòng nhân ái, tình yêu thương vô bờ bến, sự sẻ chia chỉ có được ở Việt Nam thân yêu của tôi.

5h45 phút sáng, tiếng đồng hồ báo thức của ai đó trong phòng reo lên. Như mọi khi thì kệ có báo thức, cả phòng vẫn im lìm ngủ nướng, nhưng sáng nay tất cả đồng loạt dậy. Các thao tác gấp màn, lột vỏ chăn, gối để riêng ra một góc giường được làm rất khẩn trương. Ai nấy đều tất bật.

7h sáng, như thường lệ, các suất ăn sáng được mang đến trước cửa phòng, vẫn là cơm nóng, thịt băm sốt cà chua, bắp cải xào và cốc canh rau cải. Giọng ai đó cất lên:

- Cố ăn hết để giữ lại vị cơm bộ đội nhé phòng mình! Từ trưa nay sẽ không còn được nhâm nhi cái vị ngọt ngọt đã thành quen thuộc của những hạt cơm này, hay vị mặn muối biển trong món thịt băm sốt cà chua rất dễ ăn mà ai cũng thích này đâu!

Tự nhiên cả phòng trầm lại, thẫn thờ, cảm giác như có cái gì đó đang giằng co giữa lý trí và tay chân.

Ket thuc cach ly tap trung anh 1

Kết thúc thời gian cách ly theo quy định, ai nấy đều bịn rịn, quyến luyến các chiến sĩ nơi đây. Ảnh: VNN.

Trong đầu thì háo hức chờ giờ phút hết cách ly để trở về nhà với người thân sau bao ngày đợi chờ, còn những ngón tay kia cứ như chậm lại, chẳng muốn làm nhanh nữa, cứ từ từ như để kéo dài chút thời gian với những đồ vật thân quen, thậm chí với cả những hạt cơm, những khay thức ăn trong 14 ngày ở đây.

Có chút gì đó quyến luyến thực sự, bởi chính căn phòng này đã giúp chúng tôi bình yên trở lại, đã là một phần không thể thiếu trong ký ức của mỗi người đã ở nơi đây. Nó đã thành thân quen như căn phòng nhỏ của chúng tôi, bảo vệ an toàn cho chúng tôi trước đại dịch khủng khiếp.

Lặng lẽ nhìn tất cả, nhìn vào suất cơm, hai hàng nước mắt của tôi trào ra, phải cắn môi lại để không bật ra tiếng khóc, phút xúc động cứ ào về. Nhai mãi mà không nuốt nổi những hạt cơm, cổ họng như bị tắc nghẹn, vị ngọt còn đọng mãi trong miệng…

Phút trầm ngâm qua đi khi nghe tiếng loa phát thanh của người chỉ huy phụ trách vang lên dưới sân: “Bà con sẵn sàng hành lý trong phòng để các chiến sĩ lên giúp bê đồ xuống. Thanh niên nào có thể tự mang được thì mang, còn lại các đồ nặng, hành lý của các cô lớn tuổi, trẻ em, của các bạn nữ thì để đó”.

Chỉ loáng một cái, như cơn gió lốc màu xanh, tất cả đồ đạc trong phòng đã được chuyển xuống dưới sân, xếp ngay ngắn.

Hai chiến sĩ trong bộ “du hành” khoác trên mình cái bình Cloramin nặng trĩu chăm chú dùng vòi xịt lên toàn bộ hành lý trong sân.

Hơn 10 khuôn mặt trong phòng chúng tôi thẫn thờ một lúc khi nhìn cái phòng trống hoác chẳng còn tí đồ đạc nào ngoài mấy bộ chăn, màn, gối và những cái giường sắt màu xanh.

Mười mấy cặp mắt chau lại nhìn nhau, chả ai nói lời nào, nhưng chắc đều cùng một tâm trạng nao nao lưu luyến, một nỗi buồn thiếu vắng.

Đúng 7h30 phút, giọng nói quen thuộc hàng ngày của thượng tá Nguyễn Đình Bản, Phó trưởng ban tiếp nhận khu cách ly, Phó chỉ huy trực tiếp điều hành các việc liên quan đến công dân tại đây vang lên.

Chúng tôi ùa ra đứng bên các khung cửa sổ dọc hành lang nhìn ra sân chính. Hàng trăm mái đầu trai, gái, già, trẻ, tóc đen, tóc màu cố vươn thật rộng hơn về phía trước để cùng nhau cất tiếng hát: “Việt Nam hỡi, Việt Nam ơi, tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi...” (Việt Nam ơi - Minh Beta).

Ai cũng muốn giọng mình to hơn, vang hơn như tiếng nói của lòng, từng nhịp vỗ tay đều rộn rã trên tất cả tầng của hai dãy nhà, gương mặt ai cũng rạng ngời, hân hoan.

Hơn 500 giọng hát chẳng tập với nhau bao giờ, khẩu trang đều che kín miệng, mũi mà vẫn hòa quyện da diết không muốn dứt, tiếng hát tha thiết trộn lẫn nước mắt.“...Tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi!”.

TS Cù Thu Hương/ NXB Hội Nhà văn

SÁCH HAY