Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tâm sự của người phụ nữ mở phiên chợ 0 đồng

Đi ngang qua phiên chợ 0 đồng tại TP.HCM, tôi dừng chân và trò chuyện với một chị là người huy động mở phiên chợ ấy. Câu chuyện về hai mẹ con chị khiến tôi không khỏi xúc động.

Vừa nói chuyện với tôi, chị vừa ra đỡ giúp mấy thanh niên vận chuyển từ trên xe tải xuống những chiếc bàn nhôm để đựng các thực phẩm cho phiên chợ 0 đồng. Nhìn gương mặt chị trẻ lắm, tôi đánh liều hỏi tuổi, chị hóm hỉnh kể:

Chiến dịch mùa xuân năm 1968 tại Huế đã thôi thúc nhiều trái tim “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu” ở làng Vũ Lễ, Kiến Xương, Thái Bình, chị nằm trong số đó.

Năm đó, chị 18 tuổi trong đoàn thanh niên xung phong đến mặt trận Quảng Bình, trụ lại đến tháng 12/1968. Sau một trận ốm nặng, không còn đủ sức khỏe đi tiếp vào mặt trận phía Nam, chị đành trở ra, rồi đi học ngành Sư phạm.

Nơi học mới đối mặt với những ngày chiến tranh leo thang miền Bắc ác liệt, chị lại vào dân quân tự vệ Cầu Bô trực chiến. Ra trường, chị về xóm nhỏ của mình làm cô giáo với các em học sinh cấp 1.

Năm 1996, chị về hưu, chuyển vào TP.HCM sống với cô con gái. Con gái chị là một trong các tiếp viên hàng không trong chuyến bay xuyên lục địa 40 tiếng đưa công dân từ Canada về nước tránh dịch.

Hoạt bát, yêu đời, thích các công việc xã hội, chị tham gia vào đội văn nghệ của phường rồi làm tổ trưởng tổ dân phố 112 của phường 12, quận Tân Bình từ đó đến nay. Phường chị làm là nơi có nhiều hoạt động thiện nguyện.

phien cho 0 dong anh 1

Kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều phiên chợ 0 đồng được mở ở khắp nơi để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Gia Bảo.

Tôi hỏi, vì sao chị làm được nhiều việc thế? Với giọng nhẹ như chim hót, và hai tay vẫn nhịp nhàng xếp những chai dầu ăn, chai nào có tí bẩn bám ngoài chị còn với cái khăn lau để chùi lại từ trên xuống dưới, đưa cả chai dầu ra trước mắt nâng niu nhìn ngắm thấy sạch bóng chị mới yên tâm xếp lên mặt bàn, chị kể:

“Ngày nào cũng xem tin tức, em ạ. Rồi con gái đi về kể chuyện các chuyến bay, mỗi ngày thông tin lại càng nóng lên, cho đến khi con gái kể trong đoàn có vài bạn bị nhiễm virus từ hành khách. Khá lo lắng và hoảng loạn, thương con lắm.

Nó là đứa luôn vui vẻ, yêu đời, thế mà lúc này đây không thấy được nụ cười trên môi nó, mới xót xa làm sao.

Bản tính tự nhiên của người mẹ thấy con như thế là muốn lăn xả vào đỡ đần cho nó bớt đi tí nào hay tí đó. Nhưng công việc của con, mình có bay thay được đâu?

Thôi thì động viên con hãy cố gắng lên, vui lên, mình đã chọn việc này thì phải quyết tâm, phải dũng cảm. Các con còn trẻ phải xung phong. Con cứ lo cho các chuyến bay chu đáo, còn các việc nhà mẹ sẽ thay con”.

Khi con đi bay, chị cầu mong chuyến bay trôi chảy. Càng nghe chị tâm sự, tôi càng hiểu tại sao con gái chị luôn xung phong trong các chuyến bay giải cứu. Em có một hậu phương vững chắc như thế, có một sự động viên và một nguồn năng lượng lớn như thế từ người mẹ!

Qua phút xúc động khi kể về công việc của con gái, chị nói tiếp:

“Từ ngày giãn cách xã hội, tất cả đều phải ở nhà. Những người đi bán vé số dạo, những người quét rác, những người bán hàng rong phải ở nhà… Đó là những gia đình ăn đong từng ngày, giờ phải ở nhà thì họ lấy gì mà ăn?

Nghĩ đến đó, tự dưng trong lòng thấy một sự thương cảm. Mình không phải là những người tuyến đầu như các chiến sĩ biên phòng, các chiến sĩ áo trắng, hay như phi hành đoàn bay có cả con gái mình, thì mình có thể tham gia kiểu khác, ít nhất là làm được gì đó chia sẻ bớt cho những con người đang nghèo khó trong cơn hoạn nạn, góp được một phần nhỏ bé cùng với mọi người trong phường chống lại những khó khăn mà đại dịch gây ra”.

TS Cù Thu Hương/ NXB Hội Nhà văn

SÁCH HAY