Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tình yêu và sự hy sinh

Tình yêu, bản thân nó là một sự hy sinh tự nguyện, tức là sự tự nguyện cao hơn hết thảy.

Lê Ngọc và chồng. Nguồn: FBNV.

Mới tuần trước, cô em chơi cùng sang nhà tôi ăn tối và nán lại tâm sự. Em và cậu người yêu đang giận nhau. Em kể rất nhiều về những mâu thuẫn giữa hai gia đình và giữa hai người họ. Có một chi tiết làm tôi chú ý. Đó là khi em nói: “Em thấy mình hy sinh nhiều cho chuyện tình cảm này nhưng cái em nhận lại chỉ là sự thờ ơ”.

Tôi thấy em giống tôi cách đây mấy năm khi chưa gặp chồng tôi bây giờ. Tôi cũng từng than thở với chồng mình (hồi đó chúng tôi chưa chính thức yêu nhau) rằng tôi kiệt sức vì phải hy sinh quá nhiều cho người yêu cũ. Tôi dám cá rằng nhiều người cũng như tôi, ngộ nhận trong tình yêu cần phải có sự hy sinh.

Quanh tôi có những người phụ nữ đã quen với sự hy sinh. Dù họ đang giữ vai trò gì trong xã hội, nét đẹp luôn được mọi người tôn vinh và luôn khiến họ cảm thấy được an ủi chính là hy sinh bản thân mình vì hạnh phúc của người khác…

Nha co hai nguoi anh 1

Sách Nhà có hai người. Nguồn: FBNV.

“Hy sinh” theo định nghĩa trong từ điển tiếng Việt là “tự nguyện nhận về mình sự thiệt thòi, mất mát lớn lao, vì một lý tưởng hay một điều gì đó cao đẹp”.

Nhưng trong tình yêu, lẽ ra chúng ta trao đi, nhận lại, và sẽ luôn được lấp đầy chứ không phải là “thiệt thòi” hay “mất mát”.

Tình yêu, tự bản thân nó là một sự hy sinh tự nguyện, tức là sự tự nguyện cao hơn hết thảy. Mà việc gì chúng ta tự nguyện, thường không ta thán.

Khi một người hy sinh điều quý giá của họ thì bản thân người đó cũng vô tình đặt ra sự kỳ vọng. Có những người sẵn sàng hy sinh mạng sống trong chiến tranh và điều họ kỳ vọng là hòa bình cho những người thân trong gia đình, cho đất nước.

Hay như cha mẹ tôi và cha mẹ bạn, vì sinh ra trong thời kinh tế khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nên đã phải hy sinh nửa đời người, cật lực làm việc và điều họ kỳ vọng là mang đến cho các con một cuộc sống no đủ và tương lai rỡ ràng.

Còn trong tình yêu đôi lứa, người ta hy sinh và kỳ vọng điều gì? Người ta kỳ vọng người mình yêu cũng phải hy sinh cho mình?

Tôi hy sinh công việc tốt, tuổi thanh xuân để làm vợ anh, không son phấn, không quần áo lượt là, suốt ngày đầu tóc rối bù vì việc nhà và hai đứa con còn chưa quen phải xa mùi mẹ; thì anh cũng phải hy sinh những cuộc vui chè chén với bạn bè, những chuyến công tác dài ngày để làm tròn bổn phận người chồng, người cha?

Không có bàn cân nào để cân được tôi hy sinh nhiều hơn anh hay anh hy sinh nhiều hơn tôi. Dần dần, sự kỳ vọng biến chất thành những đòi hỏi vô lý và sinh ra mâu thuẫn.

Tôi may mắn gặp một người đàn ông yêu thương và trân trọng mình hết mực. Thời gian đầu mới cưới, chúng tôi cũng đôi lần hục hặc nhau vì chuyện phân chia công việc trong gia đình.

Có điều, anh mới là người tỏ ra bực dọc vì đa số việc nhà đều do anh làm hết trong khi ở các gia đình khác thì thường ngược lại. Có lẽ, ban đầu, tôi muốn chống lại khái niệm “việc nhà là của đàn bà!”.

Nhưng dần dà, chúng tôi đã biết cách san sẻ với nhau từng việc nhỏ nhất. Anh giặt, phơi quần áo, tôi gấp và treo chúng sau khi giặt xong. Anh chăm sóc vườn tược, tôi nấu cơm, rửa bát.

Nhà cửa thay nhau quét và lau. Tôi hiểu ra, nếu muốn giành lại quyền phụ nữ, bản thân người phụ nữ phải chủ động làm chủ cuộc sống của mình, không đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, mà cũng không ôm hết tất cả trách nhiệm về mình.

Việc nào chúng ta làm được, thì không đợi đến chồng giải quyết. Những việc chúng ta không tự mình làm được chỉ dành để làm nũng mà thôi! Chúng tôi chia sẻ việc nhà, để không phải đầu xù tóc rối, mà có thêm thời gian quan tâm và nâng đỡ ước mơ của nhau.

Ở nhà riêng của chúng tôi, tôi rất thích mời bạn bè sang nhà chơi. Tôi không ngại bày biện. Nhưng vợ chồng chúng tôi cùng nhau chuẩn bị, đón tiếp bạn bè, và dọn dẹp khi tàn cuộc.

Có điều, lúc chúng tôi mới cưới, mỗi lần về quê chơi, anh ngại lời ra tiếng vào nên không giúp đỡ tôi như khi ở thành phố. Tôi vẫn loay hoay làm việc cần làm, vì thương Mẹ. Nếu tôi không làm thì lẽ nào để mẹ phải làm một mình.

Tôi cũng e dè vì lối sống của mình vốn không vừa vặn với làng quê. Nhưng tôi nghĩ, nếu ai cũng tiếp tục sợ sệt thì đến bao giờ xã hội mới thay đổi được đây? Biết rằng “sống đâu thì âu đấy” mới là thượng sách, nhưng xã hội chúng ta cần có những sự thay đổi, dù nhỏ thôi cũng được.

Tôi bền bỉ “đấu tranh” bằng cách thủ thỉ với chồng mỗi tối. Rồi cũng đến lúc anh dẹp sĩ diện đàn ông sang một bên. Lúc tôi dọn cơm anh cũng dọn. Lúc tôi rửa bát, thi thoảng anh vẫn giúp tôi một tay. Và anh có thể nói với mọi người bằng giọng tự hào “Tôi thường xuyên giúp vợ rửa bát đấy nhé!”.

Phải, tất cả người đàn ông trên đời đều lẽ ra phải tự hào vì thường xuyên rửa bát giúp vợ, giống như phụ nữ chúng tôi tự hào rằng hôm nay đã nấu một bữa ngon cho gia đình, cổ vũ cho chồng thử sức với môn thể thao mới, hay vừa ký được một hợp đồng kếch sù với công ty đối tác.

Mọi việc lớn nhỏ trên đời, miễn không phải là việc trái với đạo đức, lương tâm, thì đều có giá trị ngang nhau và đáng tự hào như nhau. Người phụ nữ cần phải quyết liệt hơn để cân bằng giữa hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc gia đình. Tôi tin chắc phụ nữ Việt Nam có nhiều phẩm chất đáng quý cần được nhắc đến hơn cả sự hy sinh.

Lê Ngọc / Phục Hưng Books / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

SÁCH HAY