Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vợ chồng son

Chúng tôi không phải hai nhân vật trong tiểu thuyết diễm tình, mà là hai con người bước đi trên mặt đất với rất nhiều ràng buộc.

Chiếc tổ ấm áp của chúng tôi nằm ở tầng một của khu chung cư cũ kỹ được xây dựng từ thời Pháp thuộc, với những mảng tường bong tróc vôi - sơn, thậm chí trần bếp còn bị dột, nước chảy tong tong khi trời mưa to.

Chúng tôi chọn căn hộ này sau khi xem qua rất nhiều nhà và căn hộ khác vì giá thuê hợp túi tiền, có một phòng khách, một phòng ngủ, một bếp, thích hợp với vợ chồng son, gần trung tâm nên tiện đi lại. Hơn nữa, căn hộ tuy lâu ngày không có người chăm chút, lại tạo cảm giác ấm áp khi vừa đặt chân vào.

Tôi nghĩ điểm này không phải vì bất kỳ lý do ảo diệu nào, đơn giản là hầu hết công trình người Pháp để lại trên mảnh đất từng là Hòn ngọc Viễn Đông này đều được tính toán kỹ lưỡng về vị trí địa lý, khí hậu, con người, kết cấu, hướng gió, ánh sáng… nên bản thân mỗi công trình là một chiếc tổ phù hợp cho người ở bên trong nó.

Mùi cũ kỹ phả ra từ từng thớ gạch, đặc biệt sau mỗi cơn mưa, nhắc tôi về một thành phố lặng lẽ và bình yên với nếp sống cũ vẫn luôn tồn tại song song với TP.HCM náo nhiệt và hối hả hơn mỗi ngày.

Nhớ những ngày đầu dọn về căn nhà mới trống trơn, hai vợ chồng tiết kiệm nên chỉ mua những vật dụng, thiết bị thật sự cần thiết: Một máy giặt, một tủ lạnh, một bếp gas, một nệm, hai bộ ga trải, hai quạt đứng. Trừ tấm nệm và ga giường, tất cả đều đã qua sử dụng…

Chúng tôi mất khoảng hai tuần để biến căn nhà ẩm thấp thành một nơi ở tươm tất. Chiều ý tôi, anh đóng một chiếc kệ bếp có nhiều ngăn và sơn màu xanh biển. Anh còn sơn những viên gạch ốp quanh bếp. Cọ nhúng thật ít sơn để từng sợi lông trên cọ tạo ra những đường xước màu xanh trên nền gạch trắng giúp cho màu xanh biển chân thật hơn bao giờ hết.

Hôm cuối cùng, anh hoàn tất căn bếp, tôi hào hứng khoe với mấy cô bạn thân. Tụi nó mừng rỡ vì cuối cùng tôi cũng có một không gian màu biển như trong mơ. Tôi chọn mua những thứ mình thích: Ly, tách, chén, đĩa, lọ hoa, cối xay tiêu, ấm trà, vỏ chai rượu vang bằng thủy tinh lóng lánh, hũ gia vị, rổ mây đựng dụng cụ bếp…

Chúng tôi cùng bày đồ lên kệ trong niềm hân hoan như thể thế giới được thu nhỏ lại, nằm gọn trong căn nhà nhỏ chỉ còn lại hai người mà chỉ cần hít thở và hát cho nhau nghe là có thể giữ niềm hân hoan mãi mãi.

Nha co hai nguoi anh 1

Lê Ngọc và chồng. Ảnh: NVCC.

Nhưng rõ ràng, chúng tôi không phải là hai nhân vật trong tiểu thuyết diễm tình, mà là hai con người bước đi trên mặt đất với rất nhiều ràng buộc. Để có một cuộc sống riêng theo ý muốn của mình quả thật không hề dễ dàng.

Ngoài việc phải đối diện với nhau hàng ngày và tự tìm cách giải quyết những mâu thuẫn giữa hai người, chúng tôi còn phải chiến đấu với những định kiến xã hội, những rào cản xuất phát từ tình yêu thương của người thân và những câu hỏi không có điểm dừng của bác hàng xóm dễ mến.

“Tại sao con lại chọn công việc này mà không phải là một công việc nào khác?”. “Làm thế mỗi tháng kiếm được nhiêu?”. “Sao hai đứa lại dọn ra ở riêng không về ở cùng với cha mẹ?”. “Mới về nhà không lâu lại sắp đi nữa hả?”. “Sao chưa sinh cháu nào cho ông bà bế bồng thế nhỉ?”. Vân vân.

Đôi khi, chúng tôi còn phải chấp nhận đánh đổi cả những điều thiêng liêng như dáng cha ngồi ở cửa đợi con về, những bữa cơm nóng hổi của mẹ, tiếng nội la rầy, hay tiếng bập bẹ đầu tiên của cô cháu gái…

Khi biết chúng tôi đã thuê nhà sống riêng, cứ cách vài ngày, mẹ lại nói “Dọn về nhà cha mẹ ở đi con, vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt lại vừa vui cửa vui nhà”. Tôi đã đáp lại mẹ bằng sự im lặng và ương ngạnh của mình cùng niềm vui lấp lánh trong đôi mắt mỗi khi kể mẹ nghe những điều mới mẻ về cuộc sống mới chỉ có hai người.

Dần dần, mẹ cũng hiểu và tôn trọng quyết định của chúng tôi. Vì tôi là con một nên khi tôi theo chồng, cha mẹ cũng bắt đầu làm quen với cuộc sống chỉ có hai người. Những buổi tối nhàn nhã, cha chở mẹ đi hóng mát, xem kịch, xem phim, họp mặt bạn bè cũ… Điều này làm tôi thấy yên lòng.

Ngoài những áp lực vô hình mà chỉ cần vững tâm tin tưởng là có thể vượt qua, còn có vô số những áp lực hữu hình như tiền thuê nhà, hóa đơn điện, nước, Internet, cơm ăn mỗi ngày.

Ai từng thuê nhà ở riêng mới hiểu, một tháng ba mươi ngày trôi qua rất nhanh. Mới đóng xong tiền nhà đã thấy chú nhân viên hay cười bên công ty điện lực đến đo điện và gửi giấy báo.

Mới đóng xong tiền điện đã thấy hóa đơn tiền nước, Internet, điện thoại. Mới thay cái vòi tháng trước nay nó lại rỉ nước ra. Có cả tỷ thứ mà trước đây tôi cứ phó mặc cho cha mẹ lo, nay phải để tâm từng chút một.

Phải công nhận, khi sống theo ý mình thì niềm vui sẽ đầy hơn vì mọi thứ mình có được đều từ hai bàn tay của mình mà ra cả, nhưng theo đó khó khăn cũng nhân lên nhiều lần vì chỉ có hai người nương tựa vào nhau, tự xoay xở, không có bất kỳ sự giúp đỡ nào khác.

Cứ như vậy, hành trình cùng nhau xây dựng tổ ấm trong ba năm đầu của chúng tôi tiếp diễn đều đặn: làm việc, ăn uống, cãi nhau, ân ái, trả tiền nhà, thanh toán hóa đơn, bỏ ống heo, đi du lịch, về quê, sửa nhà, mua sắm đồ đạc, vẽ vời chuyện tương lai rồi lại lôi nhau vào công việc.

Nhưng chúng tôi chưa bao giờ chán nản và muốn thay đổi, ngược lại, vẫn khao khát một gia đình nhỏ của riêng hai người hệt như ngày đầu.

Lê Ngọc / Phục Hưng Books / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

SÁCH HAY