Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nàng dâu của mẹ

Tình yêu thương vốn dĩ rất hồn nhiên. Bạn mở lòng cho người đàn ông của mình thế nào, cũng hãy mở lòng với mẹ của anh ấy như thế.

Tôi thật sự rất lo lắng vì lối tư duy và cách sống của mình khác xa với nề nếp gia đình anh. Tôi biết, có rất nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ không phải vì mâu thuẫn giữa vợ chồng mà vì những xung đột từ nhỏ đến lớn với hai bên gia đình.

Chúng tôi thích cuộc sống tự do, nhưng cũng muốn lo cho bố mẹ chu toàn. Cứ nghĩ mình là bố mẹ, con cháu ở xa cũng buồn. Lối sống kiểu tây hay kiểu ta đều có hai mặt phải - trái.

Những cặp vợ chồng trẻ chúng tôi như miếng jambon bị mắc kẹt giữa hai lớp bánh sand-wich. Dù yêu quê anh lắm, tôi không nghĩ là sau này có thể về quê sống.

Tôi không biết làm vườn, cũng không biết nuôi gà, nuôi lợn. Về quê tôi như người vô dụng, cứ tò tò theo mẹ, mẹ bảo gì làm nấy. Nhiều lần, mẹ bảo hái rau, có khi tôi còn không biết rau này nên hái phần ngọn hay nhổ cả gốc.

Anh nói: “Bao giờ già thì chịu, ở đâu được thì ở. Giờ thì anh thấy sống ở TP.HCM hợp hơn. Con người cởi mở, tư tưởng phóng khoáng. Sau này, bố mẹ già vào luôn trong đấy mà ở, mùa đông đỡ rét”. Nghe anh nói vậy, tôi thấy an lòng với lựa chọn của mình.

Tôi không biết sau khi cưới, chúng tôi có hạnh phúc như mong đợi không, nhưng ngay thời điểm chuẩn bị cho lễ cưới, tôi biết mình chỉ cần hai điều: Có anh cùng đối mặt mọi khó khăn và có gia đình anh yêu thương, ủng hộ. Những rào cản về ngôn ngữ, tư duy, lối sống khác nhau giữa hai miền Nam - Bắc, tôi tin mình sẽ biết cách dung hòa.

Nha co hai nguoi anh 1

Tác giả Lê Ngọc. Ảnh: NVCC.

Sau khi về làm dâu, tôi càng cảm nhận rõ ràng hơn bố mẹ là người nhân hậu, sống tình cảm, luôn yêu thương, cảm thông và tôn trọng lựa chọn của các con.

Dù đôi khi tôi cũng nghe bố mẹ cằn nhằn một chút, đằng sau từng câu nói là sự quan tâm, lo lắng và nỗ lực không ngơi nghỉ để làm điểm tựa vững chắc nếu lỡ cuộc đời các con không diễn ra theo ý muốn của chúng.

Cả ba anh em nhà anh đều rời quê vào thành phố lập nghiệp, nhưng bố mẹ bảo cứ yên tâm rằng bất kể đứa nào va vấp, dù là con ruột hay con dâu, con rể, luôn có một cánh cửa rộng mở chào đón con trở về.

Vì thế, tôi dần xem quê anh là quê của mình. Tôi thích rủ bạn bè theo chúng tôi về quê chơi, cùng đi dạo trong ngôi làng được bảo bọc bởi những hàng tường bao bằng gạch đỏ, cùng ra vườn hái cà chua, rau mùi, xà lách… rồi nấu cơm với mẹ.

Bạn bè từng theo tôi về nhà chơi đều phải công nhận mẹ rất thương và chiều con dâu. Tôi quen giờ sinh hoạt ở thành phố, thường thức khuya và dậy muộn. Mẹ không bắt tôi phải dậy sớm mà còn bảo anh đừng gọi, cứ để tôi ngủ thêm.

Cơm canh ngày thường và cả những ngày cúng kiếng, giỗ chạp, mẹ vẫn là người nấu, tôi chỉ theo phụ, phần vì mẹ quen rồi, biết khẩu vị của cả nhà, phần vì biết tôi không quen các công việc ở quê.

Trong vườn có cây hồng xiêm (trong miền Nam gọi là sa-pô-chê), mẹ biết tôi thích ăn nên hồi cây trổ quả, ngày nào mẹ cũng sờ thử quả nào chín thì hái vào cho tôi.

Mỗi lần chúng tôi từ xa trở về đều có sẵn một nồi cháo gà ninh nhừ thơm phưng phức trong bếp. Nếu hai đứa về đến nhà buổi đêm, ăn cháo xong, mẹ dặn ngay “Bát đũa cứ để đấy, không phải rửa, mai dậy dọn sau” nhưng vì tôi dậy muộn nên lúc nào mẹ cũng rửa hết rồi.

Giữa tôi và mẹ dù chưa có nhiều kỷ niệm, cũng như không có nhiều mối dây liên hệ chung, ví dụ như người quen của mẹ tôi đâu biết hết và ngược lại, nên những câu chuyện nói với nhau thường không có nhiều nội dung cho lắm. Nhưng chúng tôi lại giao tiếp với nhau bằng cách riêng.

Tôi nghĩ, mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng giống như tất cả các mối quan hệ khác, đều không phải là quan hệ một chiều.

Tôi có cháu gái lớn hơn mình ba tuổi và lấy chồng trước tôi ba năm. Quan hệ giữa cháu tôi và mẹ chồng không tốt lắm, vì cháu tôi cho rằng mẹ chồng thiên vị các em chồng hơn và thấy bất công, nên cũng không muốn thân thiết với bà ấy.

Nhưng chị tôi - mẹ của cháu - nói: “Dù gì, đó cũng là mẹ của chồng con. Nếu sau này vợ của em trai con về làm dâu nhà mình nhưng không thích mẹ, con có chịu được không? Hãy đặt mình vào nhiều vị trí khác nhau để nhìn nhận vấn đề và cư xử sao cho phải!”.

Chị tôi nói chính chị cũng không được mẹ chồng thương yêu. Nhưng chị ngẫm lại mấy chục năm làm dâu, thì thấy có lẽ một phần cũng do chị không chủ động làm thân với mẹ chồng, ngày nào đi làm về nhà cũng im ỉm, tắm rửa, nấu cơm, làm tròn việc nhà, hết ngày thì đi nghỉ. Trong khi đó, người lớn tuổi lại thích có người trò chuyện.

Hai người lạ muốn trở thành bạn bè thì cũng cần thời gian tìm hiểu, nên mẹ chồng và nàng dâu cũng vậy thôi. Nếu không bỏ công tìm hiểu, làm quen, làm thân thì làm sao có một mối quan hệ tốt? Chưa kể, con dâu là người nhỏ, càng phải chủ động chiều chuộng và thông cảm cho những “tật xấu” của người già.

Chị tôi nói đúng đấy chứ! Nhưng bạn đừng xem yêu thương mẹ chồng là một kỹ năng cần phải học. Tình yêu thương vốn dĩ rất hồn nhiên. Bạn mở lòng cho người đàn ông của mình thế nào, cũng hãy mở lòng với mẹ của anh ấy như thế.

Bạn cố gắng vì anh ấy như thế nào, cũng hãy cố gắng vì mẹ của anh ấy như thế. Khi bạn dốc lòng và không so đo tính toán quá nhiều, bạn đang nhận nhiều hơn bạn tưởng.

Trong những lần ngồi với bạn bè, chồng tôi thường kể, điều làm anh cảm thấy hạnh phúc nhất là tôi luôn gọi mẹ anh là mẹ chứ không phải mẹ chồng và mẹ luôn thương tôi như con đẻ. Chính vì thế, tôi càng trân trọng hơn tình cảm vợ chồng giữa chúng tôi.

Lê Ngọc / Phục Hưng Books / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

SÁCH HAY