Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Yêu bao lâu thì cưới?

Bạn yêu bao lâu không quan trọng. Quan trọng là bạn có “cảm giác hôn nhân” với người đó chưa.

Trong một chương trình truyền hình giúp kết nối những người còn lẻ chiếc thành đôi, hai MC thường hỏi người chơi “Bạn yêu bao lâu thì có thể cưới?”. Đa số người chơi đều chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, tham gia chương trình để tìm đối tượng kết hôn nên thường trả lời chắc nịch: “Dạ một năm”.

Một năm? Là thời gian để hai người tìm hiểu, đồng thời chuẩn bị cho ngày cưới? Hẳn là vậy! Vì đám cưới ở nước mình có nhiều thủ tục rườm rà: Tổ chức buổi gặp mặt giữa hai gia đình, chọn ngày tốt, đặt mâm quả, chọn chỗ đặt tiệc cưới, đặt nhẫn cưới, may áo dài, in thiệp, viết thiệp, gửi thiệp,…

Khâu chọn người trang điểm và người chụp ảnh, thử váy cưới, chụp ảnh pre-wedding,… cũng ngốn khá nhiều thời gian của cô dâu và chú rể.

“Yêu một năm rồi cưới” là câu trả lời vừa vặn. Nhưng có thật như vậy không?

Bạn tự nhìn quanh mình sẽ tìm thấy lời giải cho bài toán “Yêu bao lâu thì cưới?”. Có người chỉ yêu vài tháng thì cưới. Có người yêu cả chục năm trời vẫn chưa thấy cưới. Có người vì yêu quá lâu nên cưới vì gia đình hai bên thúc giục. Có người mệt mỏi trong một cuộc tình dài, quyết định chia tay, làm mẹ đơn thân.

Có người mải miết tìm kiếm người phù hợp, yêu nhiều người để so sánh và chọn lựa. Có người không đề cao tình yêu mà dồn sức cho công việc và những hoạt động xã hội, đùng một phát đăng ảnh cưới trong sự ngỡ ngàng của bạn bè và người thân. Có người hạnh phúc. Có người đau khổ.

Vậy là, không có lời giải chung cho tất cả mọi trường hợp, mà lời giải nằm trong tim mỗi người. Tôi gọi lời giải này là “cảm giác hôn nhân”.

Nha co hai nguoi anh 1

Tác giả Lê Ngọc. Nguồn: FBNV.

Bạn yêu bao lâu không quan trọng. Quan trọng là bạn có “cảm giác hôn nhân” với người đó chưa.

Cảm giác này rất mơ hồ và thường bị mọi người bỏ qua. Tôi nghĩ, để biết mình có “cảm giác hôn nhân” với một người chưa, trước hết, bạn phải hiểu rõ bản thân mình - bạn cảm thấy sẵn sàng kết hôn chưa.

Sau là xem tình cảm giữa hai người có đủ lớn để yêu thương, cảm thông cho nhau chưa và người chồng hay người vợ tương lai có cùng cảm nhận với mình không.

Tôi biết, nhiều người yêu nhau đến mức họ có thể cùng nhau lao xuống vực, nhưng cùng nhau kết hôn và gầy dựng một gia đình thì không.

Tạm lấy bản thân tôi làm ví dụ cho dễ hiểu. Tôi và người yêu cũ ở bên nhau năm năm.

Tôi thề rằng mình đã rất yêu anh, sẵn sàng tha thứ khi anh nhiều lần phản bội lại niềm tin tôi dành cho anh, sẵn sàng lẻn ra khỏi nhà giữa đêm để vỗ về anh, hay co mình đợi anh trên nền gạch lạnh ngắt của những công trình anh đang xây dở.

Nhưng “cảm giác hôn nhân” của tôi không xuất hiện. Khi anh nói: “Anh thích con gái của anh có đôi mắt nâu giống em”, hay thậm chí khi anh hỏi: “Em có thể làm vợ anh không?”, tôi đã run rẩy, sợ hãi.

Ở thời điểm ngày tôi còn trẻ và ngày anh còn trẻ, anh là người sống vì đam mê của bản thân mà đôi khi quên mất còn có những người thương bên cạnh. Anh chấp nhận đánh đổi thời gian quý báu bên gia đình để hoàn thành công việc yêu thích.

Anh dễ rung động trước người yêu cũ và nhiều cô gái khác. Tôi luôn e dè về tương lai của chúng tôi. Tôi không có “cảm giác hôn nhân” với anh.

Nhưng với người đàn ông là chồng tôi bây giờ, tuy thời gian chúng tôi quen biết và yêu nhau rất ngắn, nhưng tôi nhìn thấy một tương lai vững chãi với anh. Chúng tôi quyết định cưới chỉ sau 10 ngày yêu nhau.

Quả là một quyết định có vẻ đầy rủi ro, nhưng lại là quyết định đúng đắn nhất của hai người chúng tôi cho đến thời điểm này. Cái “cảm giác hôn nhân” đó tôi có thể cảm nhận nhưng phải mất một thời gian dài mới có thể tìm được cách gọi tên.

Nếu không vì cảm giác đó, chúng tôi đã không kết hôn và tôi cũng không có đủ cảm hứng để viết quyển sách này.

Lê Ngọc / Phục Hưng Books / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

SÁCH HAY