Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thùng thư bưu điện

Thế kỷ 21, người ta hầu như không còn gửi thư qua bưu điện nữa.

Người đi xe đạp gửi thư tay ở hòm thư ngay trước cửa Bưu điện TP.HCM. Nguồn: 2saigon.vn

Trước năm 1975, bạn bè chúng tôi chỉ liên lạc qua thư nếu có xa nhau. Gia đình tôi ngày xưa cũng “không” cho thư từ cùng bạn bè.

Tôi không hiểu có “quan hệ” gì giữa những lá thư và sự “hư hỏng” của một đứa con gái. Tuy nhiên, thuở đó, cha mẹ anh chị là “tối thượng”, không cho “thư từ” là không thư từ. Chớ có cãi...

Nhỏ bạn Minh Hoàn chuyển trường và viết thư cho tôi. Người bưu tá đưa thư đến, chị Hai tôi tự nhiên mở ra đọc, rồi chuyền cho chị Tư tôi. Chị Tư đọc xong đưa cho anh Năm và tôi là người đọc sau cùng.

Vậy mà cái thư cũng là một “sự kiện” ghê gớm, một quả bom giữa Sài Gòn, một “trọng tội” chứ không chơi. Buổi chiều hôm sau vừa đi học về đã thấy má tôi ngồi ngay chiếc đi văng giận dữ:

- Mày đó... Con nít con nôi, mới bây lớn bày đặt thư từ...

Lúc đó tôi học đệ tứ (lớp 9) vẫn chưa “được phép” trao đổi thư từ với bạn. Tôi lí nhí lấy những lá thư trong cặp ra:

- Bạn con chuyển trường viết thư thăm con.

Tôi nhớ hoài má tôi ném tệp lá thư xuống đất sau khi vò nát chúng. Thấy không hồi âm, các bạn dần không thư từ gì cho tôi nữa.

Giờ nghĩ lại, tôi thật giận gia đình. Do cách giáo dục bảo thủ đó, tôi đã mất bao người bạn tốt và cả những mối quan hệ quan trọng khác.

Tôi chỉ được thư từ với H. Anh, cô bạn cùng trường, vì chị của H.Anh là bạn của chị Tư tôi. Dù vậy, thư đến chị Hai tôi cứ thoải mái mở ra đọc. Chúng tôi chẳng dám tâm sự gì vì H.Anh biết thư tôi bị kiểm duyệt.

Hơn nữa, chỗ tôi ở không gần một ty bưu điện nào để mua tem thư. Tiệm tạp hóa có bán tem thư nhưng thỉnh thoảng mới mua được. Vì vậy, H.Anh thường gởi kèm tem cho tôi với câu đùa:

- Giữ kỹ để gởi thư cho tao. Tem là tiền đó nha.

Tôi thường ra hai thùng thư đặt ngay ngã ba Nguyễn Thông - Kỳ Đồng bỏ thư. Trung bình ba ngày thư đến tay người nhận. Nếu người nhận trả lời liền thì cũng ba ngày sau tôi nhận thư hồi âm.

Ngày trước cứ vài ba con đường, người ta lại đặt một thùng thư. Có hai thùng: Thùng cho thư trong Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định màu xanh và thùng màu vàng là thư nơi khác. Nơi khác là các tỉnh hoặc cả nước ngoài nếu dán đủ tem.

Có ngã tư người ta chỉ đặt thùng màu xanh cho cả hai loại thư. Ngoài ra người ta cũng thường đặt thùng thư trước các trường học hay cơ quan. Trước thùng thư, người ta ghi ngày giờ nhân viên bưu điện đến lấy thư.

Chúng tôi không được viết thư theo ý mình, lúc nào cũng nơm nớp lo sơ. Một ngày H.Anh viết:

- Tao muốn nói mày một việc rất tầm thường nhưng... thôi.

Tôi thừa biết bạn không chịu được “nạn” kiểm duyệt thư của gia đình tôi trong khi gia đình bạn rất văn minh, dân chủ, đối xử công bằng và rất tôn trọng con cái. Chẳng vui và riêng tư trong thư từ, chúng tôi không liên lạc nhau nữa.

[…]

Trước cổng trường đại học của tôi cũng có hai thùng thư. Một ngày người bạn cùng lớp tình nguyện đi bộ đội. Bạn viết lá thư dài cho ba mẹ ở quê Quảng Ngãi. Cầm phong bì dày cộm, đi bộ ra cổng trường, bỏ vào trong thùng màu vàng, bạn rưng rưng nước mắt.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi công tác tại một nông trường trên Tây Nguyên. Không biết làm sao để gởi một lá thư cho người bạn thân, tôi nhờ một đồng nghiệp trong chuyến về Sài Gòn gởi dùm lá thư qua bưu điện.

Vài ngày sau, vào nhà vệ sinh, tôi muốn khóc khi thấy lá thư tôi mở toang cho mọi người vào đi vệ sinh tha hồ đọc! Gây gổ ư? Ai biểu đưa thư cho họ làm gì? Có nói họ chỉ đổ người này người nọ chứ không hề nhận cái nhân cách tồi tệ của họ. Từ đó, tôi không liên lạc thư từ gì cả cho đến ngày tôi về lại Sài Gòn. Và tôi nhận ra những thùng thư màu vàng xanh đã bị phá bỏ từ bao giờ...

Mỗi quận đều có vài bưu điện nhỏ. Sao người ta không “chia sẻ” lên vùng sâu vùng xa một trạm bưu điện? Tôi rất tức giận như muốn gầm lên trước đây mỗi lần về Sài Gòn nghe câu:

- Sao không ra bưu điện gởi thư về?

Tôi nói như hét:

- Tôi ở giữa RỪNG... Ưng huyền Ừng Rờ ừng Rừng. Hiểu chưa?

Giờ về Sài Gòn, tất cả là quá khứ. Trong quận 3 có bưu điện trên đường Bà Huyện Thanh Quan, Lê Văn Sỹ, Trương Minh Giảng... Tôi viết bài gởi cho các báo Tuổi Trẻ, Phụ Nữ đều cầm đến thẳng tòa soạn. Như vậy gần hơn tôi đến bưu điện quận để gởi.

Một ngày, tờ báo đề nghị gởi bài phải đánh máy trên tờ A4 và hay nhất là gởi qua email. Thế là tôi cặm cụi trên máy vi tính công cộng để học đánh máy và mở địa chỉ email.

Hôm nay không ai gởi thư nữa. Bưu tá chỉ phát giấy tờ của cơ quan đến cá nhân... Mỗi lần ngang qua ngã ba, ngã tư mà trước đây có hai thùng thư quen thuộc, nhớ đến H.Anh và những người bạn từng gởi thư cho tôi và không bao giờ nhận được hồi âm... Tự dưng tôi bâng khuâng buồn.

Nguyễn Ngọc Hà / Tym Book & Media/ NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY