Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiệm bánh mì trong ký ức

Bánh mì Sài Gòn đặc biệt rồi. Tôi từng có một bài riêng nói về bánh mì Sài Gòn, có thể mua dễ dàng tại những xe bán ngoài đường.

Ở đây tôi muốn kể hai tiệm bánh mì đã đi vào ký ức của tôi với bao bạn bè và ước mơ tôi đã không thành.

Ngày trước học sinh thường đi bộ đến trường. Hàng ngày, tôi đi từ nhà quẹo phải là đường Trần Hưng Đạo rồi cứ thế đến trường. Hoặc quẹo trái là Nguyễn Trãi cũng đến trường. Lúc về cũng thế.

Một ngày, chúng tôi ngạc nhiên trên đường Trần Hưng Đạo có tiệm bánh mì gà Nguyễn Ngọ. Bánh mì Sài Gòn thường là thịt, chả... hoặc bì, thịt nướng. Bánh mì gà rất lạ.

Chúng tôi rụt rè bước vào và được bà chủ giới thiệu ổ bánh mì khá lạ. Thay vì ổ bánh mì nhỏ dài bình thường, ổ bánh mì này ngắn và bầu tròn ở bụng. Bà chủ xẻ bánh ra, trét xốt rồi rắc thịt gà lên. Đặc biệt thêm nữa là giá rất mắc, đến 10 đồng trong khi ổ bánh mì thường chỉ 2 đồng.

Giờ học môn Công dân, cô giáo dạy không nên vừa đi vừa ăn ngoài đường. Tan học, chúng tôi làm ngược lại khi ghé Nguyễn Ngọ, mỗi đứa một ổ bánh mì gà vừa đi vừa ăn.

Về nhà, tôi vẫn có thể ăn cơm trưa được vì đoạn đường về nhà khá xa, giữa trưa nắng gắt. Buổi sáng đông người, chúng tôi không thể đứng chờ mua một ổ bánh mì khi cổng trường chẳng chờ chúng tôi.

Chuyen ke tu Sai Gon anh 1

Một lần, nhỏ Hoàng mổ ruột thừa. Chúng tôi vào thăm, quà là ổ bánh mì gà Nguyễn Ngọ. Suy bụng ta ra bụng bạn, chúng tôi nghĩ bạn sẽ rất vui với ổ bánh mì của chúng tôi. Bạn vui thật. Cầm ổ bánh mì định cắn, ông bác sĩ xuất hiện la om lên. Mẹ nhỏ bước vào cầm lại ổ bánh đưa cho chúng tôi:

- Hoàng mới mổ, không ăn đồ cứng được. Các cháu ăn đi.

Hoàng thành thật:

- Tụi bây lát nữa ra sân ngồi ăn. Đừng ăn trước mắt tao... tao thèm.

Chúng tôi chơi với Hoàng tới trưa. Trước khi về nhà, cả bọn ngồi bệt xuống sân bệnh viện chuyền nhau cắn hết ổ bánh mì, vừa ăn vừa cười nói vui vẻ.

Những ngày cận tết và giáng sinh, bọn học trò thường rủ nhau ra Nhà thờ Đức Bà mua thiệp tặng nhau. Không phải mua trong nhà thờ mà là những quầy di động treo thiệp bán khu vực bên ngoài nhà thờ.

Lựa thiệp, cãi nhau xem thiệp nào đẹp phải đến lúc đói bụng. Chúng tôi băng qua bưu điện, đến tiệm bánh mì Hương Lan. Có đứa đủ tiền mua cho mình 1 ổ giá 5 đồng. Không đủ tiền thì 2-3 đứa hùn lại mua một ổ. Không tiền thì các bạn cho ăn ké. Tuổi nhỏ vui làm sao!

Năm nào chúng tôi cũng đi mua thiệp và chừa tiền ăn bánh mì Hương Lan. Bỗng Vĩnh giao hẹn:

- Sau này ra trường, mỗi mùa tết, noel bọn mình hãy ra đây mua thiệp, ăn bánh mì Hương Lan và biết đâu sẽ may mắn gặp lại nhau.

Cả bọn vỗ tay đồng ý. Rồi tôi chuyển nhà về quận 3, không còn được học chung cùng các bạn nữa. Năm học 12, cơ quan IBM của chị tôi ưu tiên tuyển người nhà của nhân viên nhưng phải qua một kỳ thi. Bài thi hướng dẫn làm bài bằng tiếng Pháp.

Trong khi chờ người ta phát hết đề, tôi đọc, hiểu và làm gần hết. Lúc cô giáo dịch và hướng dẫn làm bài bằng tiếng Việt thì tôi đã xong bài! Giờ mọi người làm bài, tôi kỹ lưỡng xem lại, dò từng chữ một.

Xong buổi thi, tôi thật vui vì cơ quan của chị tôi gần Nhà thờ Đức Bà, như vậy gần tiệm bánh mì Hương Lan. Tôi đi bộ đến bưu điện, dĩ nhiên mua 1 ổ bánh mì Hương Lan, ngồi ngay trên bậc tam cấp bưu điện chén ngon lành.

Tôi tự nhủ nếu trúng tuyển trong kỳ thi này, tôi sẽ hàng ngày ăn bánh mì Hương Lan trước khi vào làm. Nhớ chuyện chị tôi kể ngày Chủ nhật chị làm phụ trội, ai cũng mang cơm ăn, chỉ có chị ghé Hương Lan mua ổ bánh mì 5 đồng.

Bánh mì Hương Lan chỉ là bánh mì thịt chả, nhưng chả, paté rất ngon, vị vô cùng đặc biệt. Không ngờ vào chỗ làm, chị tôi phải chia cho chị Liên nửa ổ vì chị ấy “chẳng có gì để ăn”.

Vừa ăn vừa suy nghĩ. Con đường trước mắt tôi thật đẹp! Sau ngày giải phóng, tôi vẫn tiếp tục học đại học. Cơ quan IBM của chị tôi bị giải thể, chị tôi thất nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp đại học, đường vào đời của tôi là lên rừng xuống biển, đầy gian nan và nước mắt. Chứ không thanh thản làm việc ngay trung tâm Sài Gòn, hàng ngày mua bánh mì Hương Lan ăn.

Tiệm Hương Lan bị đập bỏ. Bánh mì Nguyễn Ngọ cũng không còn. Mỗi lần vào bưu điện, ngang qua nơi từng là tiệm bánh mì Hương Lan, tôi luôn nhớ lời Vĩnh.

Tôi mong có ngày gặp lại các bạn nơi chốn cũ dù không còn bánh mì Hương Lan và cả những quầy bán thiệp di động như ngày xưa nữa.

Nguyễn Ngọc Hà / Tym Book & Media/ NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY