Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kem cây bán dạo

Bọn tôi lãnh tiền “cử”, tức tiền ăn sáng, thản nhiên bỏ vào túi để dành lên nhà thờ mua kem.

Hồi nhỏ, những ngày hè chúng tôi thường chơi ở hông nhà thờ, bên núi Đức Mẹ hoặc trước dãy phòng học của trường Nhà Thờ. Con gái chơi nhảy cò cò, nhảy dây hoặc vào sân núi Đức Mẹ chơi banh đũa... Con trai chơi đánh trõng, tạt lon...

Một sáng đang chơi vui vẻ, chúng tôi phát hiện một thằng bé cỡ tuổi chúng tôi, đang đeo một thùng kem cây... nhìn chúng tôi chơi với đôi mắt thèm thuồng. Thằng Bằng hỏi:

- Chơi hông mậy?

Nó lắc đầu buồn bã, quẩy thùng kem lủi thủi ra cổng nhà thờ. Một đứa nói bâng quơ:

- Nó còn đi bán nữa.

Chợt Tuấn kêu:

- Ê, mày... Bán tao cây cà rem.

Nó quay lại, mở thùng kem hỏi:

- Mày ăn đậu xanh hay đá. Cà rem đậu xanh 1 đồng, đá 5 cắc.

- Đậu xanh.

Tuấn đỡ lấy cây kem trên tay nó. Tự dưng cả bọn nhao nhao:

- Bán tao cây đá.

- Bán tao cây đậu xanh...

Loáng cái thùng kem chỉ còn vài cây. Thằng bé bán kem rụt rè:

- Cho tao chơi với. Còn mấy cây cà rem tao bán tới chiều hết liền.

Cả đám con trai gật đầu. Đức hỏi tên, nó nói gọn lỏn: Bình.

Chuyen ke tu Sai Gon anh 1

Bình chơi rất hay. Bình mượn bông vụ của Đức, quấn chỉ, ném mạnh xuống sân gạch núi Đức Mẹ, vụ quay rất lâu, rất mạnh. Những cú đánh trõng của Bình rất mạnh. Đến tạt lon, bắn đạn... Bình chơi rất dứt khoát nên những cú ném hay bắn thật chính xác.

Chúng tôi con gái đang chơi nhảy dây cũng phải ngừng lại khi nghe tiếng reo hò tán thưởng Bình của đám con trai. Cả đám mệt, vây quanh thùng kem của Bình. Chỉ còn 5 cây kem. Tụi con gái ăn chung 2 cây. Tụi con trai ăn chung 3 cây.

Phải nói con nít ngày xưa vô tư thật. Một đứa cầm cây kem cho từng đứa khác liếm, rồi cắn chung cây kem. Bình bán kem nên chỉ đứng nhìn. Đức đưa cây kem:

- Liếm miếng đi... Mày chơi cũng mệt mà.

Vừa ăn vừa trò chuyện. Gia đình Bình dưới quê lên ở nhờ nhà dì của Bình. Bình đi bán kem phụ ba mẹ kiếm sống và nuôi hai đứa em. Bỗng có đứa hỏi:

- Mày có đi học không?

Bình buồn bã lắc đầu:

- Tao không học ở trường như tụi bây. Nhưng tối tao có đi học ở Hội Dục Anh gần nhà.

Chúng tôi không hiểu Hội Dục Anh là gì. Chỉ lờ mờ đoán có lẽ đó là một nơi dạy miễn phí cho trẻ nghèo. Ăn xong mấy cây kem chúng tôi chơi tiếp đến khi nhà thờ đổ chuông 12 giờ trưa. Cả bọn lục tục về nhà ăn cơm. Tiến dặn Bình:

- Ngày mai mày cứ bán kem... Còn chút ít ghé đây chơi. Tụi tao mua ăn phụ mày.

- Mày nhớ mang bông vụ, bi của mày theo chơi nha.

Bình vui vẻ gật đầu. Chúng tôi không biết buổi chiều Bình làm gì. Chúng tôi ăn cơm trưa xong là ngủ đến 3 giờ chiều. Tắm rửa ăn cơm chiều xong chúng tôi tiếp tục chơi nhưng ở khoảng sân trước nhà. Chúng tôi ước phải chi có Bình chắc sẽ vui hơn. Có lần Minh rủ Bình xuống xóm chúng tôi chơi nhưng Bình lắc đầu:

- Không được đâu...

Từ đó cứ mỗi sáng, tầm 9 giờ, Bình với thùng kem đến chơi với chúng tôi. Bình rất nhường nhịn. Không phải vì chúng tôi là “khách hàng” của Bình, mà theo bạn:

- Chơi để vui thôi.

Nhờ vậy đám con trai và cả chúng tôi cũng không còn gây gổ vì chút hơn thua trong các trò chơi. Bọn tôi lãnh tiền “cử”, tức tiền ăn sáng, thản nhiên bỏ vào túi để dành lên nhà thờ mua cà rem.

Nhưng rồi cơn đói ập tới, nhỏ Minh đề nghị lục cơm nguội ăn. Thế là cả đám đến nhà Minh, đi cửa sau vào bếp. Cơm nguội còn chút ít. Minh xịt nước tương, lấy vài cái muỗng cạo cơm ăn. Cũng một cái muỗng, đút vào mấy cái miệng. Chẳng đứa nào sợ bệnh truyền nhiễm hay chê miệng bạn dơ.

Tạm xong cái bụng, chúng tôi lên nhà thờ. Bình đang ngơ ngác giữa sân núi Đức Mẹ. Chúng tôi mỗi đứa một cây kem và cùng vui chơi đến 12 trưa. Bình với thùng kem trống không cũng quay về nhà. Theo “sách” của Minh, sáng nào chúng tôi cũng lục cơm nguội nhà mình ăn.

Nhà hết cơm nguội thì sang nhà bạn, chắc chắn nhà một đứa còn cơm. Chúng tôi chỉ được chơi ở sân nhà thờ từ thứ 2 đến thứ 6 và chơi buổi sáng, buổi chiều có đọc kinh và Thánh Lễ.

Thứ 7 có những nghi lễ như giải tội và kiệu kính Đức Mẹ. Chủ nhật lễ suốt ngày. Năm ngày trong tuần chúng tôi tận hưởng thật trọn vẹn. Rồi cũng đến ngày khai giảng năm học. Thứ 2 tựu trường, hôm đó là ngày thứ 6, Tuấn buồn rầu trong giờ giải lao ăn kem:

- Hôm nay tụi tao còn chơi với mày, thứ hai chúng tao tựu trường rồi Bình cũng buồn:

- Ba má tao định đi lên Bà Quẹo buôn bán nhỏ hay làm mướn. Chắc tao cũng không còn gặp tụi bây.

- Bà Quẹo ở đâu? – Cả đám nhao nhao.

Bình lắc đầu:

Tao không biết tụi bây ơi. Nghe nói xa lắm!

Tuấn hỏi:

- Chứ giờ mày ở đâu?

- Cầu Chữ Y.

Chúng tôi “à” dù chẳng biết cái cầu ấy nằm ở đâu. Chỉ biết thỉnh thoảng có nghe người lớn nhắc tới.

Thật buồn khi không còn được vui chơi cùng nhau nữa. Chúng tôi đứa học buổi chiều, đứa học buổi sáng. Có chơi cũng chỉ vài tiếng buổi chiều chứ đâu có mà nguyên buổi sáng như ba tháng hè.

Những buổi sáng hè thật tuyệt vời, nhớ đến là buồn. Chuông nhà thờ đổ 12 giờ. Chúng tôi chia tay nhau. Bình cho hết các bạn những viên bi. Bạn nói bạn sẽ chẳng có dịp để chơi như ở bên chúng tôi thời gian qua.

Tôi tự hỏi sao lúc đó chẳng có đứa nào khóc được hay con nít là thế... Rồi chúng tôi cuốn vào học hành và những trò chơi sau giờ học. Thỉnh thoảng giờ chơi, nhìn qua cổng trường, tôi thấy Bình đeo thùng kem ngang qua. Tôi hét lớn tên bạn rồi khoe cùng các bạn lớp tôi:

- Ê, tao quen thằng bán kem đó. Nó là bạn tao đó.

Đúng là con nít vô tư, khoe bạn mình bán kem cứ y như khoe mình có quen với... tổng thống! Bình cũng nhìn vào cười với tôi... Bẵng đi thời gian, chúng tôi không còn gặp Bình nữa. Có lẽ Bình theo ba mẹ lên Bà Quẹo.

Chúng tôi cứ thế lớn lên. Gia đình tôi chuyển về quận 3. Thỉnh thoảng đi trên đường tôi cố tìm hình ảnh Bình an phận quẩy trên vai thùng kem nặng nhọc. Để rồi một ngày tôi nhận ra không còn những đứa trẻ với thùng kem trên vai ở đất Sài Gòn này nữa..

Nguyễn Ngọc Hà / Tym Book & Media/ NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY