Từ lúc bắt đầu nhận ra cuộc sống quanh mình, tôi biết má tôi rất tự hào về chiếc máy may Sinco của bà. Theo bà kể, ba tôi mua chiếc máy may đó vào đợt đầu hãng này vào Việt Nam.
Còn nhỏ, tôi vẫn biết tiếng của Sinco khi thi thoảng sau một ngày đi chơi cùng ba mẹ trên đường về nhà lúc trời tối. Xe chạy vòng bùng binh chợ Bến Thành để vào đường Trần Hưng Đạo, tôi thấy trên nóc tòa nhà lớn có hình chiếc máy may Sinco bằng đèn sáng choang đang chạy với cái móc chỉ lên xuống thật sinh động rực rỡ.
Máy may Sinco không rẻ. Ngày xưa trong xóm tôi hình như chỉ có má tôi sở hữu món hàng thời thượng đó. Theo lời má kể, vú đỡ đầu của tôi viết thư xin ba tôi cái máy may Sinco, ba tôi không cho. Thế là bà tuyệt giao luôn với gia đình tôi...
Mỗi sáng má dùng máy may vá mạng quần áo rách hay sứt đường chỉ của chúng tôi. Thỉnh thoảng má đi chợ Nancy mua vải, hoặc người quen đến bán vải, má tự cắt may cho chúng tôi những bộ áo đầm mặc đi lễ, những bộ đồ bộ mát mẻ mặc trong nhà.
Tôi nhớ mỗi buổi chiều nơi hàng ba trò chuyện cùng hàng xóm, hễ thấy người đi lễ mặc áo đầm kiểu là lạ, đẹp mắt là ngày hôm sau má ra chợ mua vải về may cho chị em tôi liền.
Không có may vá, má đặt đầu máy may vào trong thùng chân máy, xếp lại thành chiếc bàn rồi bọc mặt bàn máy may bằng tấm vải dầy in chữ Sinco. Và bàn máy may thành chiếc bàn học của tôi.
Hai bên chiếc bàn là hai hộc kéo ra kéo vào để má đựng suốt chỉ, các cuộn chỉ. Là hộc chị tôi đi làm về tiện tay đặt chiếc ví tiền của chị vào. Là nơi cháu tôi cất đồ cắt móng tay...
Sau khi ba tôi mất, má tôi ít có dịp dùng đến chiếc máy may. Phần vì buồn, phần vì tiền bạc không còn dồi dào khi má tôi vừa lo chị em tôi, vừa gánh cả đám cháu ngoại con của chị Hai đang ở tuổi ăn tuổi lớn...
Sau 1975, chị Tư tôi thất nghiệp. Má phải bán chiếc máy may yêu quý của mình để lấy tiền trang trải cuộc sống. Má dự định bán chiếc Sinco 50 đồng (thời giá lúc đó), mua lại chiếc máy may Singer 30 đồng.
Thế nhưng sau khi xài hết 20 đồng, gia đình ăn lấn sang 30 đồng để mua chiếc máy may Singer cũ. Để rồi chiếc máy may bay vuột khỏi tay má tôi. Tôi biết má rất buồn nhưng bà cố nuốt nước mắt vào trong... Nhất là một lần nhỏ cháu cắt móng tay rồi quay ra sau kêu lên:
- Ý quên, con tưởng còn cái máy may nên định bỏ đồ cắt móng tay vào hộc.
Sau này với thu nhập khiêm tốn của một kỹ sư lỡ vận, một nhà giáo nghèo, tôi cố mua cho má chiếc máy may Singer cũ của người hàng xóm giá 45 ngàn (thời giá thập niên 90 thế kỷ 20).
Chiếc máy Singer kiểu rất cũ, không có thanh treo suốt đánh chỉ. Mỗi lần hết chỉ dưới, má phải lấy chiếc đũa xỏ vào suốt, quấn chỉ mồi rồi đưa suốt vào bánh xe chính, đạp máy để đánh chỉ vào suốt...
Xã hội phát triển, ít ai còn mặc quần áo tự may khi quần áo may sẵn giá rẻ ê hề ngoài chợ. Má dùng máy may vá mạng quần áo cho tôi và các cháu. Đôi mắt má càng yếu đi.
Máy Singer cổ lại không có chiếc đèn nhỏ, có chụp dồn ánh sáng xuống chân vịt của máy để má nhìn rõ từng đường may mũi chỉ, nên dù anh rể thứ Tư của tôi có gắn chiếc đèn trên tường sát máy may, má cũng khó nhìn thấy đường may.
Để rồi một ngày, má xếp gọn chiếc máy may vào góc phòng. Một ngày nữa chị dâu tôi ở rẫy về xin chiếc máy may, tôi vui vẻ cho chị mang về quê. Từ đó, muốn may quần áo, tôi mang đến cô thợ hàng xóm. Quần áo có sút đường chỉ, tôi tự may tay hoặc nhờ người thợ vá quần áo trong xóm giúp dùm.
Giờ đây má không còn nhớ nhiều về quá khứ, cả cái máy may Sinco thuở nào. Nhưng tôi luôn nhớ đôi mắt má như thất thần khi nhìn người ta khiêng chiếc máy may đi. Và tiếng thở dài của má nén vào trong mỗi khi lấy từng đồng tiền dành mua chiếc Singer cũ như dự định để mua thức ăn cho con cháu.
Để rồi dự tính đó như bọt xà phòng. Và mấy chục năm sau, má chẳng còn sức để vui niềm vui may cho con cháu những bộ áo đơn sơ đầy tình yêu thương nữa.