Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quay số cà rem

Cà rem tức kem lạnh. Những tảng bánh cà rem trong hai thùng hai bên yên sau xe đạp thường được bán trước cửa các trường tiểu học ở Sài Gòn xưa.

Có người mua, ông lấy bánh cà rem dày như cuốn tập 200 trang ra đặt trên một tấm thớt mỏng nhỏ giữa hai thùng. Ông cắt một miếng cà rem hình tam giác, lấy cọng tre đặt ở giữa rồi lấy cán dao đóng cọng tre xuống. Cọng tre dính trong miếng cà rem. Ông cầm lên miếng kem đưa cho người mua.

Thường một miếng cà rem giá 5 cắc. Có nhiều loại cà rem. Cà rem đậu xanh, cà rem sữa... Cà rem nào nghe vị đó.

Để dụ con nít, các ông bán cà rem gắn thêm một vòng quay bằng gỗ hình tròn. Quanh vòng tròn là những cây đinh bé xíu được đóng cách đầu nhau. Trên mặt quay có số 2, 3, 4..., kế bên mặt quay là cây đinh lớn hơn có đính mảnh nhựa hình tam giác mà đầu nhọn nằm giữa những cây đinh nhỏ trên vòng tròn quay số.

Có ông thay mảnh nhựa tam giác bằng cọng chỉ đồng nhỏ có bọc nhựa. Đưa 5 cắc, sẽ được quay một vòng, đầu nhọn tam giác ngừng ở số nào sẽ được thêm cây cà rem ứng với số đó. Thí dụ, đầu nhọn tam giác ngừng ở số 2 sẽ có 2 cây kem. Còn trật trong vùng trống của vòng tròn cũng có 1 cây kem. Cứ xem như một cây kem là 5 cắc vậy.

Hình như chưa đứa nào trong lớp tôi được trúng kem. Rất khó để một mảnh nhựa nhỏ giữ được cây đinh khi trên vòng tròn chỉ vài số, còn lại là khoảng trống “huề vốn”.

Tôi học trường dòng, được dạy học và quản lý bởi các ma sơ (ma soeur). Các bà cấm tuyệt đối chuyện quay số cà rem. Theo các bà đó là một dạng cờ bạc. Giờ ra về, chúng tôi xếp hàng từng lớp và sơ dạy lớp đưa chúng tôi ra đến đường lộ. Dĩ nhiên giờ về “không có cửa” cho chúng tôi quay số.

Các sơ dặn trước giờ học đứa nào thấy bạn quay số cà rem cứ vào méc sơ. Chúng tôi “giám sát” nhau chặt chẽ. Hễ tao không được ăn là mày cũng đừng hòng ăn kem nhé.

Chẳng những học sinh cùng lớp “canh” nhau, mà cả học sinh lớp khác thấy đứa lớp nào quay số cũng vào méc sơ lớp đó, hoặc méc sơ lớp mình. Méc sơ nào thì đứa thích ăn cà rem và quay số cũng bị phạt quỳ hoặc khẻ tay.

Chuyen ke tu Sai Gon anh 1

Có lần Hạnh lớp tôi bị bắt gặp quay số. Sơ nhận ra có khẻ tay hay phạt học trò cũng không chừa. Bà làm một bảng bằng giấy rồi viết lên hàng chữ: Cờ bạc là bác thằng bần, rồi dán sau lưng Hạnh.

Con nít mà, nó đeo bảng trong lớp ban đầu còn khóc. Giờ ra chơi nó đâm lì, cứ mang bảng đó xuống quầy bán thức ăn của trường mua bánh kẹo, ăn uống bình thường.

Ban đầu có đứa lớp khác chọc ghẹo. Rồi cũng chán... Chẳng ai chọc ghẹo Hạnh nữa. Một đứa con trai giựt tấm bảng rồi nhanh tay ném vào sọt rác. Hành động nhanh đến độ các bà sơ không biết ai là thủ phạm.

Sau ngày đó, không hiểu sao cả đám học sinh chẳng ai méc ai nữa. Với lớp tôi, vài đứa đứng canh để chúng tôi quay số, mua kem, rồi cùng vào con hẻm gần đó ăn ngon lành. Học trò trường tôi phần lớn là con nhà khá giả. Chúng thường được ba mẹ đưa vào Brodard hoặc theo anh chị vào La Pagode ăn kem.

Cà rem trước cổng trường chẳng qua là lạ với chúng tôi, nhất là “màn” quay số dù chưa đứa nào được trúng hai cây kem chứ đừng nói trúng nhiều hơn. Cà rem cứng hơn những ly kem chúng tôi thường ăn. Nó gây cảm giác lành lạnh, nham nhám miệng khiến chúng tôi thích thú. Lại bị các sơ ngăn cấm. Thường cái gì bị cấm lại thấy thú vị.

Cho đến một ngày, ngồi trong hẻm cắn từng miếng cà rem, Ngôn bỗng nói:

- Ê, tụi bây... Tao thấy ông bán cà rem này cầm nguyên tảng cà rem rồi vịn vô nó mà cắt, rồi dùng cán dao đóng cọng tre vào... Tất cả đều làm bằng tay. Sao tao thấy... dơ quá!

Cả bọn giật mình. Chợt nhớ những ly kem trong nhà hàng mình từng thưởng thức, tôi so sánh:

- Cũng là kem. Sao kem trong nhà hàng mềm, đựng trong ly, ăn bằng muỗng... Còn kem này tất cả dùng tay.

Hồng Phượng cãi:

- Trong nhà hàng là kem. Còn cái này là cà rem.

Thuận chen vào:

- Kêu là gì tao không cần biết. Chỉ

thấy... kem này dơ từ lúc ông bán lấy ra bằng tay. Chưa kể không biết người ta làm kem này có sạch không nữa.

Ngôn nhẹ giọng:

- Ê, mà tụi bây để ý không, tụi mình quay số không bao giờ trúng. Coi như cây cà rem 5 cắc. Vậy bán 5 cắc đi. Bày đặt quay số gạt mình.

- Mình mua kem, rồi quay số chờ trúng số là coi như tụi mình bị ổng gạt rồi.

Tự dưng cả bọn ngừng ăn, nhìn vào miếng kem rồi cùng ném xuống đất. Có lẽ vừa thấy kem dơ, vừa tức giận bấy lâu mình bị gạt. Tiếng reng vào học, chúng tôi nhanh chóng vào trường trong trạng thái hoang mang.

Về nhà hỏi ba mẹ. Không người lớn nào cho chúng tôi ăn thứ kem như thế. Từ đó, khỏi cần sơ cấm, chúng tôi không lén lút ghé xe cà rem nữa. Thỉnh thoảng cũng thèm vị cà rem đó, tôi cũng hơi mắc cỡ và thấy mình “ở dơ” lẫn “ngu ngốc” trước mắt bạn bè khi cầm cây cà rem ăn.

Giờ ngồi viết lại câu chuyện cà rem, tôi yêu làm sao sự hồn nhiên của tuổi thơ: Canh nhau méc ma sơ đứa nào mua cà rem. Rồi canh ma sơ để cùng mua cà rem. Cuối cùng đồng loạt bỏ cà rem vì thấy “nó” dơ và bản thân mình bị gạt quay số trúng cà rem. Đáng yêu làm sao!

Nguyễn Ngọc Hà / Tym Book & Media/ NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY