Viết mướn. Nguồn: Sách Chuyện kể từ Sài Gòn. |
Năm học đệ thất (lớp 6), chúng tôi đã thuyết trình các tác phẩm văn học, trong đó có Tâm Hồn Cao Thượng (Les grands coeurs của Edmond de Amicis). Một sáng đội Kim Phương thuyết trình bài: Chàng viết mướn thành Phirenzé. Chỉ nghe Phương đọc tựa bài, chúng tôi ngạc nhiên:
- Chàng “giết mướn” có gì hay mà mang lên thuyết trình?
Đến khi tựa bài được viết lên bảng chúng tôi mới ồ ra. Dân miền Nam phát âm không phân biệt âm “v” và “gi”. Kim Phương thuyết trình đầy cảm xúc, nhưng bạn khiêm tốn với những lời khen của cô giáo và chúng tôi:
- Vì bài rất hay chứ không phải tao giỏi.
Không ngờ mấy năm sau tôi trở thành người “viết mướn” bất đắc dĩ. Tôi học tiếng Pháp, hẻm nhà bạn tôi có bà lấy chồng Pháp, có con. Bà vẫn ở lại Việt Nam. Đứa con lai Pháp viết thư cho bà. Bà có thể nói tiếng Pháp giỏi hơn tôi nhưng không đọc và viết được tiếng Pháp.
Bà đến nhà bạn tôi trò chuyện với mẹ bạn tôi. Bạn tôi, Đức, đưa tôi vào chào mẹ. Đức giới thiệu tên trường tôi học, kèm theo câu:
- Nó học chương trình Pháp đó mẹ.
Tức thì bà Bambo, theo lời Đức nói, nhảy cẫng lên mừng rỡ nhờ tôi đọc và trả lời thư con gái dùm bà. Tôi ngần ngại. Ánh mắt mẹ con Đức nhìn tôi khuyến khích. Thế là bà về nhà lấy một xấp thư nhờ tôi đọc và hồi âm dùm.
Tôi chỉ lướt qua tệp thư để nắm nội dung và chỉ viết một lá thư hồi âm. Thư của con bà chỉ là những lá thư trách móc bà vô trách nhiệm với cô ấy, để cô ấy phải sống chung với bạn gái của bố, cô ấy có một cuộc sống chẳng ai quan tâm. Cô ấy rất hận bà.
Tôi không máy móc kể hết nội dung. Tôi chỉ nói cô ấy rất nhớ bà và rất cô đơn vì đang sống cùng bạn gái của bố cô. Thư trả lời, tôi với tư cách là bà Bambo kể rất nhớ thương cô, ở Việt Nam bà cũng rất nghèo và phải làm lụng vất vả cho cuộc sống của mình.
Tháng sau, Đức mang thư hồi âm của con bà Bambo đến. Cô con gái rất cảm động. Cô kể chuyện trường lớp. Còn tôi cũng nói bên này bà Bambo cũng rất nhớ cô...
Tôi làm công việc đọc và viết thư dùm mấy năm liền, cho đến ngày gia đình tôi dọn về quận 3. Cứ mỗi lá thư đọc và viết, bà Bambo gởi cho tôi rất nhiều bánh kẹo xem như tôi “viết mướn” cho bà ấy.
Năm tôi học đệ tam (lớp 10), vào một buổi trưa trên đường đi học về, một chị hơi suồng sã chặn tôi lại, nhờ tôi viết dùm lá thư cho người chồng Mỹ. Tôi viết theo lời chị: Những lời thương nhớ anh chàng Frank, kèm theo lời than thở xin... tiền.
Xong thư, chị đưa cho tôi 10 đồng. Tôi từ chối. Tôi chỉ hỏi chị cũng có nhiều học sinh đi học ngang nhà chị, sao chị chỉ chặn tôi lại. Chị cười nói nịnh tại nhìn mặt tôi thấy... dễ thương!
Tin đi thư lại nhiều lần, chị thường mua tập vở, bút viết cho tôi, cả những tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới mà tôi chỉ đọc “cọp” trong nhà sách. Một ngày, chị khoe chị quen với một người Mỹ già tên James.
Nhưng chị vẫn cố chờ đợi anh chàng Frank kia quay trở lại rước chị về Mỹ. Chị thích Frank hơn. Anh ta trẻ, đẹp trai hơn James. Một ngày chị hớn hở chạy nắm tay tôi khi thấy tôi từ xa. Chị khoe lá thư của Frank. Đọc thư, tôi thong thả nói với chị:
- Chị đồng ý lấy ông James đi. Anh Frank xin lỗi chị, bảo chị đừng liên lạc với anh ta nữa. Anh ta sẽ cưới vợ tuần sau rồi.
Tôi dịch từng câu cho chị. Chị khóc òa. Chị chính thức sống với ông James và một năm sau chị sang Mỹ cùng ông.
Sau 30/4/1975, nhu cầu viết thư ra nước ngoài rất nhiều. Bưu điện Sài Gòn có vài ông viết mướn thư. Thuở đó, các cơ quan, đặc biệt bưu điện thành phố không có những cây bút bi có dây được gắn cố định trên bàn cho khách hàng.
Một lần, tôi quên mang theo cây viết, tính mượn một ông ngồi bàn viết mướn cây viết để ghi địa chỉ cho cha nuôi tôi bên Canada, ông giựt cây viết về phía mình:
- Đưa tui viết cho rồi trả tui 1-2 đồng cũng được.
Không phải tôi tiếc vài đồng, nhưng thuở đó với món tiền ấy đủ cho gia đình tôi một bữa cơm. Tôi đành chạy vòng vòng năn nỉ mượn viết những người đến gởi thư.
Sau khi đất nước đổi mới, nhiều công ty tư nhân mở cửa làm ăn. Cũng không ít giám đốc hoàn toàn không biết tiếng Anh. Họ đăng ký học Anh văn với tôi thì ít mà nhờ tôi dịch văn bản, hợp đồng thì nhiều.
Cũng không ít cô tiếp viên nhờ tôi dịch thư của các ông chồng hờ Đài Loan. Tôi nhớ Thúy Diệp mỗi lần tôi dịch xong cái thư đều gởi tôi 40.000. Viết thêm cái thư cho chẵn tôi 100.000. Đó là số tiền rất lớn với tôi.
Ngược lại cũng có những cô tiếp viên hàng xóm như Hiếu, Thủy vin vào “tình lối xóm” nhờ tôi dịch, viết thư chỉ một lời cám ơn suông. Một lần Hiếu, làm quán bar nhờ tôi dịch thư. Xong việc định mở miệng cám ơn, tôi nói ngay:
- Tôi dịch thư cho Thúy Diệp đều được trả tiền.
Hiếu biết Thúy Diệp vội hỏi:
- Nó trả chị bao nhiêu?
Tôi nói thẳng:
- 40.000.
Từ đó hai chị em Hiếu và Thủy không đưa thư nhờ tôi dịch nữa. Dịch miễn phí thì được nhưng trả công cho người dịch họ tiếc tiền. Lòng tốt luôn bị lợi dụng là thế đó. Cũng có lúc tôi từ chối viết thư không phải vì không được trả tiền, mà vì người nhờ viết đưa tôi vào một tình huống vô cùng kỳ cục, đến má tôi biểu tôi viết, tôi đành nạt ngang.
Cúc là một người khuyết tật, nhờ má tôi bảo tôi viết dùm chị xin 200 USD. Một cái tên tôi không biết là nam hay nữ, địa chỉ tại Canada.
Theo lời chị, ai viết thư cho người này cũng có tiền. Đó không phải là một cơ quan từ thiện. Ít ra tôi phải biết mối quan hệ của chị Cúc và người nhận thư chứ. Ít ra họ gặp nhau trong một hoàn cảnh nào, từ đó mới “phăng” ra rồi ca cẩm xin tiền. Không lẽ chỉ một câu: Dear..., give me 200 USD please. I am very poor and I need money very much...!!??
Một lá thư như gáo nước tạt vào mặt người nhận chỉ mục đích xin tiền! Tôi không làm thế được dù tôi rất tội nghiệp cho chị, sẵn sàng viết thư miễn phí cho chị.
Thi thoảng cũng có người nhờ tôi viết đơn, thư... bằng tiếng Việt. Có lúc tiếng Anh. Viết xong nhớ lại bài thuyết trình của Kim Phương ngày nào, tôi cười bâng khuâng: Cũng hơn nửa thế kỷ cho bài thuyết trình ngày xưa “Chàng viết mướn thành Phirenzé”.