Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Phố Sấu’ Hà Nội

Trong muôn vàn âm thanh ồn ã của phố phường, tôi vẫn nhận ra tiếng xào xạc của lá sấu rụng trải thảm vàng sậm quanh gốc cây tỏa hương dịu nhẹ.

Tôi gọi con phố cũ đẹp nhất của Hà Nội - phố Phan Đình Phùng là “Phố Sấu”.

Hà Nội của tôi quá thân quen mà vẫn mới lạ ở những thời khắc rất Hà Nội, chỉ có thể trôi trên phố để cảm nhận cung bậc của trời, của gió, của sắc lá hoa trong khúc xạ bảy màu nắng hạ và thầm hát trong lòng.

Vừa phóng tầm mắt ngắm mặt gương Tây Hồ mênh mông, lao xao hoa nắng đuổi bắt nhau, lan xa mãi, xa mãi tận chân trời xanh biếc bên kia hồ, đã lọt thỏm vào không gian xanh với hương sấu chua dìu dịu, bay thoang thoảng theo ngọn gió nam mát rượi.

Cho xe máy chạy chầm chậm, hít thở hương vị quá đỗi thân quen, như sống lại, hồi sức sau một ngày tất tả đi và đi; trong khói bụi, trong lồi lõm hố ga, ổ voi, ổ gà giữa lòng đường, khóa chân trong cái phòng chật hẹp với tiếng gõ máy buồn tẻ… và bây giờ là sống với hương vị Hà Nội phố của tôi.

Ba hàng cụ sấu lụ khụ, dễ đã hơn trăm tuổi; đứng song song trên hai hè đường, khoác mấy lớp áo vỏ xù xì, tróc loang từng mảng trên thân cây to một vòng ôm không xuể. Vậy mà chỉ sau mấy trận mưa hạ, các cụ hồi xuân, tươi tắn, nõn nà. Những vòm lá sấu nối nhau, xum xuê che rợp hai bên hè phố.

Mùa thu Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.
sau Ha Noi anh 1
Mùa thu Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.
sau Ha Noi anh 1
sau Ha Noi anh 1

Mùa thu Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

Nắng cuối chiều vàng dịu chảy từ trên ngọn sấu cao vút, phản quang trên lá, tạo nên màu xanh ngọc lung linh. Có cảm giác đôi dòng sông xanh xuôi chảy trên không trung tạo thành bức tranh tĩnh vật diệu kỳ của thiên nhiên, có lẽ không cây cọ nào có thể tái hiện được cái sắc xanh sống động ấy trong thời khắc cuối chiều hè có vị gió mang hơi thở của lá sấu xanh trên trời, lá sấu vàng dưới hè, quyện cái lạnh se se giữa tháng 6 lạ lùng đến thế!

Các bà, các chị nóng lòng chờ sấu đanh quả để đánh nước rau muống luộc, mà nhất định phải là rau xơ mới thả dưới ao hồ, nước luộc trong veo, vị sấu chua giôn giốt, hòa với vị nước rau man mát, chan cơm ăn với cà pháo Hoàng Mai giòn tan, mới thật là “đặc sản Hà Nội”.

Nhớ mấy hôm ở xứ sở hoa ban, những búp hoa của các noọng thon thả rót rượu lá, cơm nếp nương nhuộm lá rừng tím lịm, dẻo thơm, say hương rừng - noọng xinh tươi trong bộ áo cóm cúc bạc lưng ong… vậy rồi chỉ đến bữa thứ ba ngốt ngát rượu, hai chị em tôi đã thốt lên “giá mà trưa nay có nước canh rau muống luộc dầm sấu nhỉ! Có thêm món sấu non ngâm nước mắm càng tuyệt”.

Có lẽ, sấu non ngâm nước mắm ngon cũng nên xếp là nét riêng trong văn hóa ẩm thực của Hà Nội chăng?

Quả sấu chỉ nhỉnh như đầu ngón tay trỏ, rửa qua nước nóng già, để cho ráo nước, bỏ vào lọ thủy tinh ngâm cho đến khi sấu héo đi mới được mang ra ăn. Vị sấu ngấm vị mắm, ngon - giòn - đậm đà, chao ôi là ngon.

Hè nóng nực, có cơm dẻo thơm ăn với sấu ngâm mắm thay cà pháo Hoàng Mai, với đậu phụ Mơ mềm mà bùi, rán vừa độ lửa, người khảnh ăn cũng thơm miệng làm hai lưng ngon lành.

Thời buổi cơm tây, cơm tàu, thức gì cũng sẵn, nhưng để tiếp khách, các bà nội trợ khéo tay, không ít người thích nấu theo khẩu vị cơm ta với sản vật Hà Nội, giản dị mà tinh tế.

Chị hàng xóm còn mách tôi “chỉ có sấu Hà Nội ngâm nước mắm là ngon nhất, tôi đã phải gửi mấy người lấy sấu ở đường Phan Đình Phùng đấy”. Ôi chao, kỹ tính đến thế!

Trong muôn âm thanh ồn ã của phố phường, tôi vẫn nhận ra tiếng xào xạc của lá sấu rụng trải thảm vàng sậm quanh gốc cây tỏa hương dìu dịu thanh thanh. Ước mình bé như thuở trèo me, trèo sấu xưa… để khóc, cười, hồn nhiên cùng trang giấy học trò. Và cảm nhận sâu sắc hơn hương sắc Hà Nội phố trong đời cây - hương cây.

Từ khi nhà thơ Chính Hữu viết “mái buồn nghe sấu rụng”, đến nay, đã bao thế sự đổi thay mà cây vẫn xanh trên phố cũ… và xa xưa hơn, có mấy ai biết phố Phan Đình Phùng chính là khúc sông Tô Lịch nên thơ chảy từ Kẻ Bưởi xuống chợ hoa Hàng Lược của kinh thành Thăng Long, tấp nập tài tử giai nhân mua hoa.

Phạm Kim Thanh/ NXB Hà Nội/ Tri Thức Trẻ Books

SÁCH HAY