Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xích lô ở Hà Nội

Trên các con phố của thủ đô, ngồi trên chiếc xích lô, du khách thong dong ngắm nhìn cảnh vật xung quanh.

Hà Nội đã qua nghìn năm tuổi, người ta bàn đến số phận cái xích lô mới tròn trăm tuổi. Chính xác là cái phương tiện này chưa đến nỗi “hai năm mươi”. Vì cái bằng sáng chế loại xe đạp ba bánh xuất hiện lần đầu tại thành phố Marseille miền Nam nước Pháp mới vào thập kỷ 30 của thế kỷ trước.

Và lần đầu tiên nó xuất hiện tại xứ Đông Dương thuộc địa của Pháp ở Viễn Đông được xác định là năm 1936, với sự kiện một chiếc xích lô do hai người điều khiển làm một “cuốc” marathon thay phiên nhau kẻ đạp người ngồi, chạy từ Phnom Penh của Cao Miên về đến Sài Gòn của Nam Kỳ để chứng minh tính ưu việt của loại phương tiện này.

[…]

Thực ra xích lô dùng để chở người cũng chỉ phát triển được không lâu đã gặp cái thử thách của thời cuộc. Tuy rằng cái xích lô ở ta có cái hay hơn loại xe tương tự của mấy nước xung quanh. Bên họ người đạp ngồi phía trước (tựa xe lôi ở một số tỉnh phương Nam) khiến khách ngồi phía sau hơi bất tiện vì nhìn ra chỉ thấy tấm lưng và nỗi nặng nhọc của người đạp.

Lại có nơi người đạp xe đặt bên cạnh tựa như ngồi môtô ba bánh (xít-đờ-ca), nhìn phía trước thì thoáng nhưng nhìn sang bên lại vướng người đạp xe.

Riêng loại xích lô được sử dụng ở Hà Nội có vẻ thanh lịch vì khách ngồi phía trước mà người đạp ngồi phía sau khiến xe chạy mà không cảm thấy nỗi nhọc nhằn của người đạp, lại được thỏa sức nhìn cảnh vật xung quanh.

Gặp anh đạp xe lợi khẩu ngồi phía sau vừa đạp vừa chuyện trò hay giới thiệu về cảnh quan, di tích thì có lẽ không gì bằng.

xich lo anh 1

Xích lô ở Hà Nội khiến du khách trở nên thanh lịch. Ảnh: Quang Đức.

Cụ nhà văn Nguyễn Tuân sau chuyến đi Sài Gòn sau ngày giải phóng chê rằng cái xe xích lô trong ấy có vẻ sang trọng hơn vì gọng làm toàn bằng inox sáng lóa, đệm ghế trắng bong, nhưng nó thiết kế chỗ đặt mông quá hẹp mà thành ghế lại xòe ra để một đôi nam nữ đi xích lô thì nàng phải ngồi trên lòng chàng (hay ngược lại). Nó không rộng rãi như ngoài Hà Nội, có ngồi đôi vẫn giữ được chút thanh lịch, kém xô bồ.

Cụ nói rằng trong Nam có cái xích lô gắn máy dầu chạy rầm rầm như xe tăng, chở nặng, đi nhanh nhưng dân Hà Nội không thể mê được. Dẫu sao đi xích lô ngoài mình vẫn là văn minh, lịch sự lại tiện dụng nhất.

Vì đi ôtô kín mít chạy nhanh chẳng kịp nhìn thấy gì lại tốn tiền. Cụ ao ước cảnh đi xích lô thong dong trên đuờng phố Hà Nội sẽ trở lại cùng với sự thanh bình của đất nước. Sở dĩ cụ Nguyễn phải mơ ước vì số phận cái xích lô ở Hà Nội cũng trải qua không ít sự long đong.

[…]

Một đám ăn hỏi ngồi trên ôtô sang trọng thật nhưng lại có vẻ “áo gấm đi đêm”. Đằng này, ngồi trên những chiếc xe xích lô không có cửa đóng then cài, giữa thanh thiên bạch nhật, là những nam thanh nữ tú vui tươi cùng các bậc trưởng lão đạo mạo bên những mâm, những quả xanh đỏ tím vàng các món đồ lễ… tất cả thong dong thành đoàn đi trên đường phố thì chẳng gì bằng.

Hình ảnh những đoàn rước như vậy thu hút luôn các khách ngoại quốc khiến nó ngay lập tức trở thành phương tiện giao thông đặc sản của Hà Nội, như khách lên Đà Lạt thích ngồi xe ngựa chạy quanh hồ Xuân Hương, hay ai đã sang đến London thì thế nào cũng phải leo lên cái xe buýt hai tầng sơn màu đỏ chóe mà dạo quanh phố phường, danh thắng của họ.

Và người ta thấy nhiều năm lại đây, các đoàn xe xích lô dài dằng dặc vòng vo trên một số con đường của Hà Nội, chủ yếu quẩn quanh mấy khu phố cổ và cũ đã trở thành quen thuộc và vui mắt.

Đúng là đường phố Hà Nội chẳng những chật chội hơn London mà cũng còn xa mới thoáng bằng Đà Lạt, do vậy mới nên chuyện để phải nghĩ ngợi, khi đã nhiều lần chính quyền thành phố muốn cấm những loại xe này để bảo đảm cho giao thông ở Hà Nội thông thoáng.

Đã có một lộ trình để cái xích lô “hai năm mươi” trước tuổi… Và cũng đã nhiều người nói lên nỗi nuối tiếc một khi điều ấy trở thành sự thật.

Nghĩ ngợi mung lung rồi lại nhớ đến câu chuyện của cụ Nguyễn Tuân đang kể dở. Đi Sài Gòn về cụ khen cái xích lô đi thích, giá bây giờ cụ còn sống thì không biết cụ có năng đi xích lô như Tây thích đi hay không.

Tôi được nghe cụ thuật lại câu chuyện trao đổi với anh xích lô Sài Gòn thuở ấy. Cụ hỏi:

- Hồi đánh nhau anh có sợ không?

- Không! Quỵt tiền là đòi bằng được!

- Có sợ đói không?

- Không! Giàu thì khó chứ ở trong này chịu khó làm ăn thì sao mà đói.

- Vậy thì sợ gì nhất?

- Sợ nhất là đổi tên đường phố! Không biết thế nào mà lần. Chẳng phải chỉ mấy bác xích lô, ai cũng vậy thôi, sợ nhất là “không biết thế nào mà lần”. Nhưng cũng vì thế mà ta vẫn còn chút hy vọng rằng số phận cái xích lô chưa phải là đã tuyệt vọng.

Dương Trung Quốc/ NXB Hà Nội/ Tri thức Trẻ Books

SÁCH HAY