Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội trong tôi

Người dân Hà thành không chỉ được khẳng định qua tờ hộ khẩu hay tấm biển số xe, mà thể hiện qua lời ăn tiếng nói, lối ứng xử và tấm lòng rộng mở, chân thành.

Mấy chục năm về trước, giữa đêm mùa đông Hà Nội, một người phụ nữ đi bộ một mình từ phố Đặng Thái Thân, rẽ ra Tràng Tiền rồi qua Tràng Thi.

Cứ khó nhọc vài bước, bà lại dừng chân ôm bụng. Bà nói thầm: “Con ơi ráng chút xíu nghe, gần tới nơi rồi”. Đích đến của bà và đứa bé đang nóng lòng muốn chào đời là bệnh viện C.

Tại đó bà đã sinh ra một bé gái có cặp mắt to, khuôn miệng nhỏ và nước da ngăm ngăm… Cô bé ấy là tôi bây giờ.

Vài năm sau, gia đình tôi chuyển về ở phố Ngô Thì Nhiệm. Ký ức tuổi thơ là con phố có hai hàng cây cao rợp mát, là ngôi trường mẫu giáo đầu phố Phan Chu Trinh mỗi ngày chị dắt tay tôi đến đó, là tiếng tàu điện “leng keng”, “loẹt xoẹt” dọc đường phố Huế đi lên Cầu Giấy hay xuống chợ Mơ - suốt nhiều năm đưa tôi đi học.

Ngày ấy khu vực Cầu Giấy - Yên Hòa hay đường Trương Định cuối chợ Mơ còn là vùng ngoại ô buồn hiu hắt.

Dấu hiệu “thành phố” có lẽ chỉ là vài chiếc xe đạp thưa thớt trên đường, ngọn đèn đường vàng vọt chao nghiêng trong cơn gió bấc đầu mùa. Những ngôi nhà nhỏ mái ngói xen lẫn mái tôn nằm giữa khu vườn trồng hoa hay ruộng rau mùa nào thức ấy. Mỗi buổi sớm mai có cô thiếu nữ đi bộ theo đường Trương Định đến trường.

Ngày nào cũng vậy, khi đi qua mảnh vườn nhỏ trồng toàn hoa hồng tiểu muội, luôn có một người chờ cô ở đó với những bông hoa còn đẫm sương đêm. Bạn dắt xe đi bên cô… cứ thế, giữa hai người là chiếc xe đạp và hương thơm quấn quýt trên suốt con đường.

Từ những con đường ngoại ô Hà Nội đêm đêm rì rầm từng đoàn ôtô xanh lá ngụy trang và xanh màu áo lính đi mãi, đi mãi về phía nam. Những chuyến xe mang theo người bạn của tôi, mang theo nhiều người bạn khác. Mang theo cả những buổi sáng yên bình của một thời thiếu nữ.

Ky uc Ha Noi anh 1

Một góc nhìn từ Hồ Gươm, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Huyền.

Trong ký ức của tôi, Hà Nội là những sáng mùa đông lạnh giá được ăn gói xôi xéo nóng hổi thơm ngát hương lá sen, là buổi tối mùa hè ran tiếng ve kêu cùng bạn bè kéo nhau lên Tràng Tiền thi ăn kem cốm…

Hà Nội với tôi còn là ngày 18/12/1972, ba đưa tôi qua cầu phao Chương Dương, một mình đạp xe đi sơ tán với đôi mắt má tôi đỏ hoe đứng ở đầu cầu dõi theo, là những ngày cuối tháng 4/1975, cả khu tập thể chia vui với gia đình tôi cùng với tiếng hát vang vang trên loa truyền thanh Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.

Hà Nội với tôi là đêm mùa thu tràn hương hoa sữa, cùng bạn bè lang thang khắp nơi để chia tay vì ngày mai tôi sẽ trở về quê hương miền Nam, nơi chưa một lần tôi được biết.

[…]

Dù thế nào, Hà Nội vẫn phải là thủ đô “nghìn năm văn hiến”, văn hóa Hà Nội phải gìn giữ được nếp sống thanh lịch của một đô thị “kinh kỳ”.

Trải qua những biến đổi, nhiều thế hệ người Hà Nội đã ra đi, nhiều lớp người đã đến sinh sống ở Hà Nội.

“Người Hà Nội” không chỉ là tờ hộ khẩu hay cái biển số xe máy xe hơi, mà người Hà Nội thể hiện từ lời ăn tiếng nói, từ lối ứng xử văn minh tế nhị, từ tấm lòng rộng mở và sự chân thành với nhau và với người tứ xứ. Để cho những người dù chỉ một lần đến Hà Nội, khi chia tay đều cảm nhận được “tấm lòng người Hà Nội”, cảm nhận được văn hóa Tràng An.

Những năm gần đây, tôi thường về lại Hà Nội vào mùa thu. Vẫn những con đường thoảng hương thơm dịu dàng của cốm, thoáng màu xanh ngọc bích của hồng, vẫn cheo leo gác nhỏ cà phê bên hồ Gươm mờ sương sớm…

Dường như tuổi thơ của tôi, tình yêu của tôi vẫn còn đâu đây, để rồi mỗi lần chia xa Hà Nội lại một lần ngậm ngùi thời gian đã trôi qua không trở lại...

Vậy mà sao chiều nay hoa vẫn vàng đến nao lòng như thế, cúc ơi…

Nguyễn Thị Hậu/ NXB Hà Nội/ Tri Thức Trẻ Books

SÁCH HAY