Nhà văn Nguyễn Văn Khánh qua đời hôm 12/6 tại Hà Nội, hưởng thọ 89 tuổi. Tang lễ của ông được tổ chức sáng 15/6, hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, an táng tại Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội.
Di ảnh nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tại tang lễ. Ảnh: Y. N. |
Biểu tượng của bản lĩnh người cầm bút
“Người văn Nguyễn Xuân Khánh đã ra đi rất nhẹ vào một buổi chiều mùa hạ tháng sáu. Người văn ấy hẳn sẽ nở nụ cười hiền, hóm hỉnh và tinh nghịch khi biết rằng, tiễn biệt ông là bao lời thương nhớ”, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - mở đầu bài điếu văn bằng những câu từ nhẹ nhàng, xúc động.
Như lời bà Hoa Phượng, gia quyến, văn nhân, bạn đọc đã tới tiễn đưa cây đại thụ của văn chương Việt với lòng kính trọng và biết bao thương nhớ.
Ông Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương - tới chia buồn trước nỗi đau biệt ly với gia đình nhà văn. Ông viết trong sổ tang nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: “Độc giả và hậu thế sẽ mãi nhớ ông, trân trọng những gì ông đóng góp cho đời”.
Nhớ Nguyễn Xuân Khánh, văn giới không chỉ nhắc về tài năng văn chương, mà còn kính trọng con người, bản lĩnh của ông.
Chỉ riêng cách sống và sự sáng tạo trong im lặng tột cùng của Nguyễn Xuân Khánh cũng trở thành một định nghĩa về nhà văn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói Nguyễn Xuân Khánh là một nhà văn lớn nhưng sống khiêm nhường giản dị. Ông chịu nhiều thiệt thòi nhưng lúc nào cũng nở nụ cười nhẹ nhàng, nụ cười của sự rộng lượng, bao dung.
Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - thì nói Nguyễn Xuân Khánh là biểu tượng cho bản lĩnh của người cầm bút. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã có những năm tháng sống trong cực khổ, nhiều nỗi buồn, không ít đau đớn và bất trắc.
Nhưng ông đã không để cho những điều tồi tệ ấy nhấn chìm ông xuống vực sâu của than khóc và oán hận. Ông vẫn cầm bút, đã biến tất cả điều đó thành vẻ đẹp kiêu hãnh của văn chương và của con người. Đó chính là bản chất và sứ mệnh của văn chương mà ông thấu hiểu và dâng hiến.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa, Chuyện ngõ nghèo… là những tác phẩm lớn của nền văn chương hiện đại Việt Nam.
“Mỗi khi những tác phẩm ấy ra đời lại tựa cơn phun trào nham thạch làm cho ngọn núi mang tên Nguyễn Xuân Khánh ngày một cao lên. Cái tên Nguyễn Xuân Khánh là cụm từ đồng nghĩa với sự thấu hiểu, sự nhẫn nại, lòng vị tha, niềm kiêu hãnh, khát vọng và ý chí của một con người trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chỉ riêng cách sống và sự sáng tạo trong im lặng tột cùng của ông cũng trở thành một định nghĩa về nhà văn”, ông Nguyễn Quang Thiều nói lời tiễn biệt.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thay mặt hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nói lời tiễn biệt nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Ảnh: Y. N. |
Cái tình của nhà văn
Tới đưa tiễn nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có đại diện một số nhà xuất bản, công ty sách. Các biên tập viên, nhân viên NXB Phụ nữ Việt Nam tới viếng nhà văn, một cộng tác viên thân thiết của nhà xuất bản.
Bà Nguyễn Thị Hồng - biên tập viên cuốn Hồ Quý Ly - rơm rớm khóc khi nhớ lại thời điểm tiếp nhận bản thảo. Các biên tập viên đã sửng sốt vì tiểu thuyết lịch sử thời ấy hiếm, mà Hồ Quý Ly lại rất cuốn hút, mang tới góc nhìn mới mẻ về nhân vật lịch sử.
“Cái gì hay, mới, cấp tiến với xã hội và văn học thì chúng tôi làm”, bà Nguyễn Thị Hồng nói. Nhưng khi sách in xong, dư luận có ý kiến trái chiều. Nhà xuất bản đã tổ chức một hội thảo, lấy ý kiến các nhà phê bình văn học, các nhà sử học để rộng đường dư luận. Sau khi công khai các đánh giá ấy, tác phẩm đã đến với công chúng.
“Đó là một dấu mốc với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Là động lực để ông viết tiếp các tác phẩm sau. Nhưng đó cũng là một tác phẩm đỉnh cao, một trong những dấu mốc của NXB Phụ nữ”, bà Hương, nguyên Giám đốc NXB Phụ nữ nói.
Đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh với nhà xuất bản không chỉ là tác phẩm hay, mà còn là ân tình của nhà văn. Khi ông đã thành công với Hồ Quý Ly, tác phẩm sau đó của ông được các công ty, nhà xuất bản chào hỏi, đặt vấn đề mua bản quyền trọn gói. Nhưng Nguyễn Xuân Khánh vẫn dành tác phẩm cho NXB Phụ nữ.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh để lại ấn tượng với đội ngũ cán bộ NXB Phụ nữ không chỉ ở những tiểu thuyết cuốn hút. Nhớ tới ông, nhiều người từng tiếp xúc nghĩ đến một Nguyễn Xuân Khánh luôn khát khao nạp tri thức.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng cho biết Nguyễn Xuân Khánh từng chia sẻ “Mình đặt mục tiêu đến năm 40 tuổi đọc hết vấn đề triết họ phương Tây; năm 50 tuổi đọc hết vấn đề triết học phương Đông”.
Ông cũng thường tìm tư liệu để viết mất 5 năm cho mỗi cuốn tiểu thuyết. Đó là lý do bộ ba tiểu thuyết lịch sử văn hóa của ông cuốn nào cũng gần một nghìn trang ngồn ngộn tri thức.
Bằng những tác phẩm cuốn hút, thấm đẫm văn hóa Việt với góc nhìn, tư tưởng sâu sắc, Nguyễn Xuân Khánh sẽ còn mãi trong lòng độc giả.
Bằng cuộc đời giản dị mà cao đẹp, trong mọi khó khăn vẫn không từ bỏ mà kiên trì bền bỉ cầm bút, Nguyễn Xuân Khánh xứng đáng để các nhà văn noi theo. Ông ra đi như một lẽ tự nhiên của tạo hóa; những người đến "cúi đầu tiễn biệt ông" như lời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, là thể hiện sự kính trọng với một bậc gạo cội của văn chương Việt Nam.