Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh qua đời hôm 12/6. Trong 89 năm sống và hơn 50 năm cầm bút, ông để lại một văn nghiệp bề thế. Bạn bè, văn giới tiếc nuối một cây đại thụ văn chương vừa khuất bóng.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Ảnh: Hội Nhà văn Hà Nội. |
Văn nghiệp đáng tự hào
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên là bạn hơn 20 năm qua của Nguyễn Xuân Khánh. Ông gọi Nguyễn Xuân Khánh là “ông Phật văn” vì sự hiền lành, nhẹ nhàng, dí dỏm của bậc đàn anh văn chương.
Nguyễn Xuân Khánh cầm bút từ những năm 1960, sáng tác truyện ngắn. Đến năm 2000, văn tài của ông được đông đảo công chúng biết đến, mở đầu bằng tiểu thuyết Hồ Quý Ly, sau đó là Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa.
Hồ Quý Ly là tiểu thuyết lịch sử mà ông nung nấu từ lâu. Tiểu thuyết gây tiếng vang lớn, vì tác giả chọn một nhân vật còn nhiều tranh cãi trong lịch sử.
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, lâu nay, nhắc tới Hồ Quý Ly, người ta nói tới khía cạnh ông không được lòng dân, để mất nước. Nhưng Nguyễn Xuân Khánh viết về Hồ Quý Ly ở khía cạnh vật lộn để đổi mới; người đổi mới có khi gặp khó khăn vì không hợp thời hợp thế.
Ở Đội gạo lên chùa và Mẫu Thượng Ngàn, Nguyễn Xuân Khánh đi sâu vào bản chất, lý giải, cắt nghĩa văn hóa Việt.
“Ở Mẫu Thượng Ngàn, tác giả truy tầm nó ở một tín ngưỡng dân gian làm nền tảng của đời sống tâm linh dân chúng, hiện hữu ở ngôi đền. Đến Đội gạo lên chùa, tác giả tìm kiếm nó ở Phật giáo, trong thể dạng tồn tại đại chúng nhất của tôn giáo này, tồn tại trong ngôi chùa. Căn tính Việt ở đây là sống khoan hòa, từ bi hỉ xả theo tinh thần Phật”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá.
Cả ba tác phẩm trên của Nguyễn Xuân Khánh thường được xếp vào một bộ, gọi là bộ ba tiểu thuyết lịch sử văn hóa, cuốn nào cũng có dung lượng lớn. Nguyễn Xuân Khánh cũng có những tiểu thuyết dung lượng chữ ít hơn, nhưng lại đưa người đọc và chiều sâu thẳm của triết lý và tư tưởng.
Miền hoang tưởng (Hoang tưởng trắng) là những suy nghĩ về cuộc sống, tôn giáo, giá trị nhân văn của một họa sĩ. Chuyện ngõ nghèo nói đến một xã hội mà con người bị tha hóa thành lợn, con lợn lên làm chủ.
“Hai tiểu thuyết này cho thấy Nguyễn Xuân Khánh là một nhà văn có tầm vóc tư tưởng, chiều sâu văn hóa”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá.
Trước khi ra đi, Nguyễn Xuân Khánh vẫn còn bản thảo chưa xuất bản. NXB Phụ nữ Việt Nam đang thực hiện cuốn sách, dự kiến sẽ sớm ra mắt công chúng.
Bộ ba tiểu thuyết văn hóa, lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh. Ảnh: NXB Phụ nữ. |
Một nhà văn uyên bác
Nhà văn Uông Triều - biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng công tác - nhớ lại đôi lần đến thăm nhà văn đàn anh. “Trong căn phòng tối lờ mờ, Nguyễn Xuân Khánh ngồi đó, giản dị, có chút gì buồn bã và khinh bạc”, nhà văn Uông Triều nhớ lại.
Nhà văn Uông Triều nói, về sự nghiệp, Nguyễn Xuân Khánh là tác giả văn xuôi nổi bật, cùng lứa tuổi với Tô Hoài, Ma Văn Kháng. Ngoài văn chương, Nguyễn Xuân Khánh còn là một trí thức, nhà nghiên cứu điềm đạm.
“Càng về sau, ông càng từng trải, tĩnh lặng, dồn chặt câu chữ, ẩn mình sau câu chữ. Cuộc đời ông có những khúc lặng, nếu là người khác, có thể họ sẽ sụp đổ, nhưng ông vẫn bản lĩnh trụ lại”, nhà văn Uông Triều nói.
Với bộ ba tác phẩm nổi tiếng nhất, Nguyễn Xuân Khánh đều soi chiếu vấn đề bằng con mắt một trí thức, chứ không chỉ nhìn sự việc bằng con mắt một nhà văn.
Ở Hồ Quý Ly, ông không lật lại, không mô tả lịch sử, mà đưa tới cách nhìn về cha con họ Hồ. Đội gạo lên chùa và Mẫu Thượng Ngàn là cái nhìn sâu về văn hóa Việt.
Một tập bản thảo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Ảnh: Y. N. |
Thông thường, các cây bút sung sức khi còn trẻ. Nhưng Nguyễn Xuân Khánh, ở độ tuổi U70, vẫn cho ra những tác phẩm bề thế, đỉnh cao.
“Hiếm nhà văn nào sung sức được ở tuổi cao như vậy”, Uông Triều nói.
Trong một hội thảo về văn chương Nguyễn Xuân Khánh, diễn ra năm 2012 tại Viện Văn học, giáo sư Trần Đình Sử cho rằng Nguyễn Xuân Khánh là người có tư tưởng riêng chứ không minh họa cho tư tưởng nào khác.
Nhà văn Thiên Sơn cũng cho rằng Nguyễn Xuân Khánh là nhà văn uyên bác, sâu sắc và tinh tế hiếm có. Với bộ ba tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa, ông đã kiên trì hướng ngòi bút vào đề tài lịch sử - văn hóa của dân tộc.
“Mỗi cuốn sách của ông là một thế giới mênh mông sâu thẳm. Trong văn ông có cả vẻ đẹp của huyền thoại dân gian, cả chiều sâu của tư duy bác học hòa trộn tinh tế thành những vẻ đẹp giản dị, có sức lay động.
Văn của ông nền nã, bình dị mà vẫn lấp lánh. Súc tích mà vẫn tràn đầy cảm xúc. Ông là nhà văn mà mỗi trang viết đều thấm đẫm tinh thần dân tộc, chiều sâu văn hóa và nhân văn”, tác giả Đại gia bình luận về văn chương Nguyễn Xuân Khánh.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ với Nguyễn Xuân Khánh ở khía cạnh một trí thức. Điều đó thể hiện ở những công trình mà ông chọn chuyển ngữ. Là dịch giả tiếng Pháp, ông không chỉ dịch văn chương, mà chuyển ngữ những công trình triết học, tâm lý học.
“Cảm ơn ông vì đã sống một cuộc đời cầm bút vượt qua bao cơ cực để lại cho người đọc những tác phẩm thực sự đáng đọc”, Nguyễn Bích Lan chia sẻ trên mạng xã hội.