Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chuyện ngõ nghèo' sẽ còn gây nhiều hứng thú

Được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hoàn thành năm 1982, nhưng 34 năm sau "Chuyện ngõ nghèo" mới ra mắt. Dẫu vậy tác phẩm vẫn được giới phê bình đánh giá cao.

Nhà phê bình Mai Anh Tuần chia sẻ với Zing.vn những nhận định về giá trị của tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo.

- Cuốn "Chuyện ngõ nghèo" viết về thời đói kém, người người, nhà nhà thành thị cùng nuôi lợn làm kế sinh nhai. Thời đại này đã lùi xa vào quá khứ, nhưng tới nay tác phẩm mới ra. Theo anh, cuốn sách ra mắt thời điểm này có ý nghĩa gì ?

- Đây chắc chắn là cuốn sách sẽ còn gây nhiều hứng thú. Dù nó ra trễ hơn 30 năm so với thời điểm tác giả viết nhưng cuốn sách vẫn giữ giá trị vì nó là sự cách tân trong lối viết. Thứ hai là trong cuốn này có nhiều đổi mới, nhất là đổi mới về cái nhìn.

Chuyen ngo ngheo,  Tieu thuyet anh 1
Nhà phê bình Mai Anh Tuấn. Ảnh: NVCC. 

 

- Sự cách tân đó cụ thể như thế nào, thưa anh?

- Chuyện ngõ nghèo hiện diện trước hết như một nhật ký. Tác giả tiểu thuyết đã nhường vị trí kể chuyện cho nhân vật Nguyễn Hoàng, người đã ghi chép một cách đều đặn và khá tỉ mỉ công việc nuôi lợn của mình.

Bằng cách tạo giọng vô can, “xét thấy nhật ký này có điều hay hay, nên cố sưu góp lại để các bạn cùng đọc”, tác giả tiểu thuyết có được khoảng cách khách quan cần thiết để tái dựng, sắp xếp lại những gì mà nhân vật Hoàng trải nghiệm, chứng kiến.

Bên cạnh nhật ký, Chuyện ngõ nghèo còn dụng đến hình thức từ điển hóa tiểu thuyết. Cuốn từ điển hư cấu Bách khoa lợn được Hoàng nhắc đến và thường xuyên lấy ra đọc.

Vì thế, nhật ký của anh ta thường được chêm xen thêm các từ trích từ từ điển này. Nó đóng vai trò là cửa sổ để trổ ra những liên tưởng, độc đáo, thú vị. Hoàng đã trích những dẫn giải về các chủ đề lạ thường: “đạm”; “người lợn và lợn người”; “đồ tể”…

Ẩn dưới thao tác “tra cứu” mang dáng dấp khoa học là tâm thế không tuân theo những gì đang tồn. Hoàng bị cuốn hút bởi cách phân loại “rau” và “đạm” và những khái quát mới lạ : “Chủ nghĩa thực dân là sự chiến thắng của văn minh Đạm đối với văn minh Rau”.

Hoàng cũng thích thú hậu tố “tể” trong kết hợp từ tiếng Việt để tin rằng “Suy cho cùng, có thể nói nghề vua quan cũng là một thứ nghề đồ tể; chỉ có khác, đối tượng giết ở đây là con người”…

- Cách viết ấy tạo ra giá trị gì cho tác phẩm?

- Có thể thấy, lồng nhật ký vào truyện không phải là một thủ pháp mới. Nhưng trong trường hợp này, nó trở nên đắc dụng vì không chỉ cho phép người kể chuyện tường trình đầy đủ công việc của mình mà còn thúc đẩy anh ta tự bộc lộ những tiếng nói, cảm xúc, thái độ riêng tư.

Nếu cuốn nhật ký vốn được coi như một cách tự ghi chép cho mình không thích hợp cho sự chia sẻ với số đông, thì nhật ký trong tiểu thuyết bao giờ cũng kéo theo khả năng và cơ hội tự thú, bộc bạch.

Nhờ vậy, vượt qua các rào cản tiếp nhận, “Nhật ký lợn” giúp độc giả kịp chứng kiến một thời đoạn ngặt nghèo, khốn khó của đất nước đêm trước Đổi mới. Cũng nhờ “Nhật ký lợn”, bộ mặt đa diện của những biến chuyển xã hội, từ cách mạng đến sau cách mạng, cũng trở nên phức tạp, gai góc hơn.

Chuyen ngo ngheo,  Tieu thuyet anh 2
Tác giả Nguyễn Xuân Khánh (giữa) trong buổi ra mắt sách giữa tháng 4/2017. Ảnh: Tần Tần

- Vậy còn những đổi mới trong cách nhìn của cuốn tiểu thuyết này như thế nào?

- Tiểu thuyết dựng nên nhiều yếu tố mang tính biểu tượng, ẩn sau đó là nhiều tầng nghĩa. Chẳng hạn, biểu tượng “người –vật”: người lợn, lợn người; biểu tượng về khởi sinh và tàn lụi (hỗn mang, địa ngục, cái chết, sự trở về)…

Bên cạnh đó, phương thức huyền thoại - một kiểu huyền thoại gắn với văn hóa bản địa cũng được xử lý khá bài bản. Người kể chuyện đã tìm nhiều tài liệu để khẳng định có một thứ “trư giáo” đang hiện hữu. Thực chất, đó có thể là một dạng ẩn dụ về việc sẽ tái lặp những giai đoạn “mông muội” trong các xã hội tưởng là văn minh.

Nhân vật trong chuyện từng khẳng định: “Mông-Muội-Mới chính là tên gọi của thời nay”. Cái nhìn mang màu sắc phản ánh “sự thật” này, dù được viết ra trong sách dưới dạng những cơn mê sảng, mộng mị của nhân vật, vẫn khiến người đọc không khỏi giật mình.

- Cách nhìn này mới mẻ ra sao so với các tác phẩm văn học giai đoạn nó được viết ra (những năm 1980)?

- Tác phẩm này chỉ ra những bất ổn xã hội sớm hơn rất nhiều những tác phẩm sau này chỉ ra như Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh), Ba người khác (Tô Hoài), Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường), Cuồng phong (Nguyễn Phan Hách) (những tác phẩm chỉ ra bất ổn của cải cách ruộng đất).

Nó cũng sớm hơn so với các truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp khi bắt đầu chỉ ra những nhầm lẫn và khuyết thiếu của con người trong quá trình thực thi các lý tưởng cách mạng.

Đặt tác phẩm vào thời điểm đầu thập niên 1980, Chuyện ngõ nghèo thực sự có thái độ quyết liệt, thẳng thắn của một trí thức. Mở rộng ra, vị thế cái tôi công dân của nhà văn thúc giục họ trở thành người quan sát và phản ánh đầy phản tỉnh, họ tham dự công cuộc dân chủ hóa với nhu cầu tự thân.

Những trang viết đầu tiên của thời điểm Đổi mới, chẳng hạn Bến quê (1985), Mùa lá rụng trong vườn (1985), Thời xa vắng (1987), Điều tra về một cái chết (1986)… có khá nhiều câu hỏi hoài nghi nhưng đầy hy vọng.

Ở đó cái hiện thực đang diễn ra thực sự đánh mạnh vào lí trí và đòi hỏi nhà văn một thái độ trung thực để viết và tiếp nhận.

Chuyen ngo ngheo,  Tieu thuyet anh 3
Tác phẩm Truyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

- Theo anh, tác phẩm này có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp Nguyễn Xuân Khánh?

- Chuyện ngõ nghèo, về mặt lối viết, thuộc khuynh hướng “phá phách” giai đoạn đầu của Nguyễn Xuân Khánh. Người đọc hẳn sẽ ngạc nhiên vì tiểu thuyết này đã có dấu hiệu của lối viết hậu hiện đại: sử dụng dạng thức lắp ghép văn bản, dùng biểu tượng và huyền thoại.

Dĩ nhiên, không phải mọi thử nghiệm lối viết ở tiểu thuyết này đã hoàn toàn nhuần nhuyễn và thuyết phục độc giả. Và đó có thể là lý do để Nguyễn Xuân Khánh, từ Hồ Quý Ly trở về sau, quay lại với lối viết cổ điển, thiên về kể chuyện trường thiên (từ những năm 2000).

Và Nguyễn Xuân Khánh đã bước vào giai đoạn thăng hoa của đời viết với quan điểm: “Nhà văn nào giỏi nhất là viết ra được những vấn đề thẳm sâu của xã hội, nói ra được những khát khao ẩn ngầm của thời đại, của dân tộc”. Bằng hứng khởi đó, ông đã viêt Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa và gặt hái được rất nhiều thành công như chúng ta đã thấy.

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn sinh năm 1983, quê ở Quảng Bình, hiện đang dạy học ở Hà Nội. Anh là cây bút phê bình trẻ, có nhiều tìm tòi, nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại

Chuyện những kẻ không có thiên đường

Cuốn sách viết về những số phận bị vùi dập, kìm hãm không thương tiếc, ở đâu đó có cả những chuyện thật như đùa khi người ta dùng tiền để mua quyền làm người.


Tần Tần

Bạn có thể quan tâm