Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghề cắt tóc ở Hà Nội

Tiếng kéo của người thợ cắt tóc đường phố kêu lách tách giống như điệu nhạc. Ngày ấy, tóc mỗi đứa trẻ, ông chỉ cắt trong 5-10 phút, giá hai hào.

Sáng nay, đi xe buýt lên phố Hào Nam ngó nghiêng xem có nhạc cụ gì mới, thấy gần chục tiệm cắt tóc ngoài trời. Cứ mỗi gốc cây, mỗi mảng tường trống là lại thấy một anh thợ cắt tóc khoảng 30 tuổi. Hỏi:

- Nghề này có đủ sống không?

- Bọn cháu bây giờ có việc gì làm đâu. Ngày kiếm 200.000-300.000 đồng thôi, nhưng được cái nhàn bác ạ.

- Thế thì ổn quá rồi.

Nghĩ, thì mình cũng có thời kỳ làm như chúng nó mà lại chẳng có tiền. Rồi... tôi chẳng nhớ khi mình bé thì ai cắt tóc cho mình, chắc bố tôi cắt, đẹp xấu thế nào cũng được.

Chiến tranh, tôi sơ tán về thôn quê, trong đầu tôi không thể hình dung được cửa hàng cắt tóc nó ra sao. Chắc nhờ vào các ông cắt tóc dạo.

Lớp 4, từ nơi sơ tán về Hà Nội, lúc này tôi nhớ được nhiều thứ. Ở khu Kim Liên nơi tôi sống, có ông Hồng khoảng ngoài 50 tuổi chuyên làm nghề cắt tóc dạo, lúc nào cũng:

- Ai cắt tóc đ… ê…? (Giọng Đô trưởng).

Có lẽ ông giải quyết tất cả bọn trẻ trong khu vực chúng tôi sống. Đồ nghề của ông là một cái hòm gỗ nhỏ luôn đeo bên hông, bên trong đựng tông đơ, kéo, lược răng thưa, bàn chải lông ngựa phủi tóc và tấm vải diềm bâu vàng khè, cùng cái ghế gấp nhỏ, nhẹ dạng chữ X, mặt ghế được căng bằng mấy dải cao su cắt ra từ lốp xe đạp cũ.

Vì chuyên cắt tóc cho bọn trẻ con, nên ông không sử dụng dao cạo. Ông cắt nhanh lắm, mỗi đứa trẻ chỉ hết khoảng 5-10 phút, giá hai hào.

Vây quanh ông lúc nào cũng có vài ba đứa chờ đến lượt. Lạ là chúng chẳng bao giờ tranh nhau cắt trước như người lớn ngày nay, mà cãi nhau chí chóe, đứa ngồi cắt cũng tham gia, mỗi khi cái đầu ngọ nguậy, ông lại lấy tay cốc nhẹ vào đầu. Cứ cắt xong thằng nào là bố hoặc mẹ chúng ra lôi về để tắm rửa và trả tiền công cắt tóc.

Thu nhập của ông khi đó, tôi ước chừng cũng phải hơn 4 đồng/ngày, tương đương với lương của cán bộ cấp vụ nhà nước (120 đồng/tháng).

nghe cat toc anh 1

Một số dụng cụ của thợ cắt tóc vỉa hè. Ảnh: Hoàng Thành.

Những năm học cấp 3 (1973-1976), Hà Nội có phong trào cắt tóc xanh (không cắt sát chân tóc), và phải cắt bằng kéo. Do vậy, cắt bằng tông đơ giá 3 hào, cắt kéo 5 hào.

Tôi chơi với một anh bạn nhà ở Nguyễn Công Trứ, hai đứa thường rủ nhau đi cắt tóc. Mỗi lần cắt, anh bạn lại chìa ra một cái ảnh nhỏ và yêu cầu bác thợ cắt giống như vậy. Đến lần thứ hai, bác thợ lấy giá 1 đồng. Vậy là anh bạn tôi bỏ.

Ngày đó, tôi hay cắt tóc ở tổ hợp tác xã nằm ở góc đường cạnh nhà B4 Kim Liên, đó là một cái lán làm bằng mấy cây tre nhỏ, lợp giấy dầu. Nhiều lần ôtô vào cua đâm sập lán vậy mà chưa chết ai.

Tổ trưởng là anh Thu khoảng ngoài 30 tuổi người làng Kim Liên. Tôi rất thích được nghe tiếng kéo của anh, anh cứ cầm kéo trên tay là nghe thấy tiếng kêu lách tách giống như điệu nhạc. Tôi thường chú ý cách anh đánh dao cạo râu trên một miếng da dài treo trên cột lán, tay anh dẻo lắm, nghe âm thanh “pệt pệt”.

Về làng Kim Liên là nơi phát tích của nghề cắt tóc, nghe nói hiện nay vẫn còn nhà thờ tổ của nghề. Sau này, tôi đi nhiều nơi và hay gặp các anh làm nghề cắt tóc có quê gốc ở làng Kim Liên - Hà Nội.

Vào đại học, sinh viên chúng tôi thường tự cắt tóc cho nhau, bởi nghèo ít tiền và cũng muốn nghịch. Nhiều khi không có kéo, chúng tôi lấy panh-sơ-lam (dao cạo râu) cài vào cái lược mỏng, thế là đã có một con dao “gọt” tóc.

[…]

Vài năm nữa nghỉ hưu, chẳng biết chọn cho mình nghề gì. Hay làm nghề cắt tóc, nhưng tôi sẽ thuê hẳn một căn phòng, lắp máy lạnh đàng hoàng, có phục vụ cà phê, âm nhạc và chỉ cắt cho người quen với giá bình dân. Vấn đề là chọn cắt tóc nam hay nữ. Khó quá!

Ngô Hà Sơn/ NXB Hà Nội/ Tri Thức Trẻ Books

SÁCH HAY