Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những điểm nổi bật của cầu Thăng Long

Cầu Thăng Long là một trong những cây cầu lớn của khu vực Đông Nam Á. Lịch sử xây dựng của nó cũng có nhiều điểm đáng nói.

Cho đến đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, việc qua lại sông Hồng ở khu vực Hà Nội vẫn chỉ duy nhất có cầu Long Biên - nơi được mệnh danh là “cây cầu dài nhất thế giới”. Do làn đường ôtô quá nhỏ nên cảnh ách tắc luôn xảy ra và phải mất nhiều tiếng đồng hồ mới qua được.

Năm 1985, khi cầu Thăng Long hoàn thành thì lần đầu tiên sau gần 100 năm qua, việc đi lại qua sông Hồng tại thủ đô mới hết thế “độc đạo”.

Nhiều người hàng ngày đi lại qua cây cầu Thăng Long nhưng chắc hẳn không nhiều người biết về nhiều cái “nhất” của cây cầu này. Đó là “nhất” thực sự chứ không phải “nhất” hài hước!

cau Thang Long anh 1

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, nối quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh. Ảnh: Chí Lý.

Cái nhất đầu tiên, cầu Thăng Long là cây cầu lớn nhất Việt Nam cho tới tận bây giờ.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, lúc ra đời nằm trong tổng thể đầu mối đường sắt khu vực Hà Nội do Liên Xô giúp xây dựng quy hoạch.

Đây là cầu lưỡng dụng hai tầng dành cho cả đường sắt và ôtô. Nhưng mục tiêu cho đường sắt là chính. Cây cầu có kết cấu phức tạp và đắt tiền hơn nhiều so với cầu bê tông ôtô thông thường. […]

Cầu Thăng Long nay theo quy hoạch của Bộ Giao thông lại nằm trên vành đai 3 đường ôtô. Nghĩa là phục vụ ôtô là chủ yếu, mặc dù nó sinh ra để phục vụ đường sắt là chính.

Cây cầu này có quy mô lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ. Và bây giờ cũng vẫn thuộc top các cầu lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Cầu được thiết kế cho đường sắt tàu hỏa đi lại cả hai chiều. Có cả đường khổ hẹp 1.000 mm và đường khổ rộng tiêu chuẩn quốc tế 1.435 mm. Cầu chịu được các đoàn tàu hỏa tải trọng rất lớn tới cấp độ C12 theo thuật ngữ kỹ thuật. […]

Cầu được khởi công xây dựng ngày 26/11/1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985. Như vậy từ lúc khởi công cho đến khi khánh thành, việc xây dựng cầu kéo dài 11 năm. Lâu nhất so với tất cả cây cầu hiện có qua sông Hồng tại khu vực thủ đô. Đây cũng là một cái “nhất” nữa.

Ấy thế, là cầu thì có thể nó lâu nhất. Nhưng nếu tính là công trình giao thông của thủ đô thì nay nó là “em”. Bởi nó đã có “anh”, hiện là đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh.

Cầu Thăng Long có lịch sử xây dựng éo le cũng thuộc vào loại “nhất”!

[…]

Chắc nhiều người làm việc ở công trình ngày ấy còn nhớ chuyện một lần xảy ra sự cố làm rơi một thanh dầm thép trong khi cẩu lắp, làm thanh dầm bị hư nhẹ, phía Liên Xô đã “triệu” đích thân Giám đốc nhà máy Voronhez sang tận công trình để giải quyết. Kể cả phương án phải chế tạo mới.

Nhưng thật may nó chỉ bị hư nhẹ, có thể xử lý ngay tại Việt Nam và lắp lên không ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình.

Hoặc có thời điểm đang khẩn trương lắp dầm thép, nhưng bulong cường độ cao nghi ngờ thấy thiếu, chuyên gia Liên Xô ra tận chợ Trời, Hà Nội kiểm tra xem có bị “tuồn” ra đây không. Rất may không có. Nếu có thì thật rắc rối!

Khi xây dựng, công trình cầu Thăng Long là một “đại công trường”. Nó trải dài trên diện tích hơn 100 ha của 8 xã thuộc hai huyện Từ Liêm và Đông Anh. Trên mặt bằng này đã xây dựng gần 50 km đường sắt và 20 km đường ôtô nội bộ. Có ga đường sắt và bến tàu thủy riêng phục vụ công trình.

Quản lý thi công trên một công trường rộng lớn và gần chục nghìn lao động như vậy không hề đơn giản. Thế mà trong quá trình xây dựng cầu Thăng Long ở giai đoạn khi Liên Xô giúp xây dựng 1979-1985, trên công trường không xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng nào gây chết nhiều người. Không có chuyên gia Liên Xô nào bị tai nạn lao động.

cau Thang Long anh 2

Tác giả Nguyễn Văn Ất (trái) là trợ lý kiêm phiên dịch viên cho ông E.Jelnin - Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô. Ảnh trong sách.

[…]

Cho đến năm 2021, cầu Thăng Long lớn nhất Việt Nam và hiện vẫn ở top các cây cầu lớn nhất của khu vực Đông Nam Á. Vậy nó lớn thế nào thì phải có con số chứ! Nó lớn như thế này:

Cầu có 14 trụ chính giữa sông, mỗi trụ có khối lượng gần 10.000 m3 bê tông (để dễ so sánh: Bê tông cho toàn bộ cầu Chương Dương khoảng 40.000 m3, có nghĩa là bê tông của cả cầu Chương Dương chỉ bằng 4 trụ giữa sông của cầu Thăng Long).

Cầu chính vượt sông dài 1.688 m gồm 15 nhịp dầm thép. Cầu dẫn kết cấu bằng các nhịp dầm bê tông dự ứng lực. Độ dài 33 m/nhịp. Có 116 nhịp cầu dẫn đường sắt, 43 nhịp cầu dẫn ôtô, 29 nhịp cầu dẫn cho đường xe thô sơ.

Chiều dài tính theo cầu đường sắt: 5.503,3 m. Chiều dài tính theo đường xe ôtô: 3.116 m. Chiều dài tính theo đường xe thô sơ: 2.658,42 m.

Cầu Thăng Long đúng là “ba trong một”. Nếu nối ba chiếc cầu riêng biệt này với nhau sẽ có một cây cầu dài hơn 11 km!

[…]

Tuy không có con số thống kê chính thức, theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, tại thời điểm hoàn thành vào năm 1985, trị giá cầu Thăng Long khi đó ước khoảng 250-270 triệu USD. Nếu tính theo thời giá hiện nay chắc chắn phải trị giá cả tỷ USD. Đây là công trình viện trợ không hoàn lại.

Nguyễn Văn Ất/ NXB Hà Nội/ TRi Thức Trẻ Books

SÁCH HAY