Ngày xưa, cha mẹ tôi ít khi kể cho các con nghe về tình yêu của mình. Mãi sau này tình cờ mới phát hiện ra trong tủ sách của ông cất kín một tập thư viết tay của ông và bà, dày hàng trăm trang với nhiều màu sắc và được sắp ngay ngắn theo thứ tự thời gian.
Bức thư trên cùng gây cho tôi bất ngờ sửng sốt, để rồi ngấu nghiến đọc, những ngày sau đó ngày nào cũng giấu ông bà lấy tập thư ấy ra đọc tiếp. Càng đọc càng thấy bàng hoàng tưởng như đang xem một cuốn tiểu thuyết lãng mạn.
Sau lần đọc cuối cùng, tôi mới “mạnh dạn” trêu ông bà. Bà nói: “Bố mẹ đã giao hẹn với nhau phải giữ mãi mãi những lá thư này và quy ước với nhau khi đang yêu thì chỉ dùng giấy pơ-luya màu xanh da trời, khi lấy nhau rồi thì dùng pơ-luya màu trắng. Nhưng trong 9 năm kháng chiến sống ở Việt Bắc rừng rú chẳng lấy đâu ra pơ-luya nên đành phải viết bằng một thứ giấy đen sì mà coi là sang nhất lúc đó”.
Trong chiến tranh phải tản cư rời thủ đô lên chiến khu hay sơ tán, rời Hà Nội về các vùng quê, không bao giờ ba mẹ quên mang theo tập thư này. Mãi đến hết chiến tranh phá hoại của Mỹ cả nhà mới thật sự đoàn tụ trở lại và ba mẹ đã đóng những lá thư này thành một tập như vậy để kỷ niệm.
Cuốn tiểu thuyết thư tay đã vẽ lên toàn cảnh mối tình bình dị nhưng đầy lãng mạn, một tình yêu đích thực thủy chung, trọn tình trọn nghĩa, mà con cháu ông bà sau này chắc ai đọc được cũng phải suy ngẫm.
Họ tình cờ gặp nhau trên đảo La-tap (ngoài vịnh Hạ Long). Lúc đó ông - Đỗ Đức Dục, quê tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội - vừa tốt nghiệp Đại học Luật, được một người bạn là ông chủ một cánh rừng bạt ngàn trên đảo mời ra chơi.
Còn bà - Ngô Thị Thu, quê gốc tại Hương Trà, Thừa Thiên - Huế - vừa học xong trung học tại Cố đô Huế, vừa giỏi nữ công gia chánh, biết tiếng Pháp, lại có năng khiếu hội họa, chữ viết đẹp được nhận ra làm thư ký cho ông chủ rừng.
Những ngày nghỉ ngắn ngủi ấy đã để lại trong ông một tình cảm đặc biệt với cô gái xứ Huế có cả bốn tố chất công, dung, ngôn, hạnh, lại có “khuôn mặt trái xoan, mắt bồ câu, mũi dọc dừa, miệng trái tim, lông mày lá liễu” (tiêu chí vẻ đẹp của người phụ nữ xưa) và để lại trong bà sự rung động trước một chàng trai Hà Nội lịch lãm, tài hoa…
Và rồi tình yêu cũng bắt đầu nảy nở từ đó. Cứ tưởng rằng “trai tài, gái sắc” lẽ thường tình hạnh phúc dễ dàng mỉm cười với họ, nhưng sự thật đâu phải vậy.
Nhưng vì một tình yêu đích thực, họ đã cùng nhau vượt qua bao sóng gió, trở ngại. Bà chỉ là con gái một nhà buôn bán nhỏ ở Huế, lúc đó cụ thân sinh ra bà với nghề làm bánh ngọt, tằn tiện để nuôi hai cô con gái được ăn học đến nơi đến chốn.
[…]
Không ham giàu sang, không hám danh vọng và giữ đúng lời đã hứa với người yêu, ông bất chấp sự cản phá của hai người chị, sự mặc cảm của gia đình người yêu, vào Huế xin phép hai cụ cho được lấy bà làm vợ và đưa bà ra Hà Nội để rồi đưa nhau vào Vinh, Nghệ An chạy trốn sự xa hoa đầy cám dỗ nơi đô thành.
[…]
Sau này khi ông thành đạt và với cương vị của ông gắn với văn học, nghệ thuật, sân khấu, điện ảnh… va chạm với nhiều đối tượng, đối mặt với nhiều phù phiếm, cám dỗ nhưng ông luôn tự rèn mình để một mực thủy chung với vợ, hết lòng yêu thương các con.
Trong kháng chiến chống Pháp và trong chiến tranh chống Mỹ, bao khó khăn gian khổ, ông thường xuyên phải xa vợ con, những lá thư vẫn đều đều đi lại chứa đựng những cảm xúc dạt dào.
Những lá thư thời chiến đôi khi không thể viết dài vì thời gian không cho phép, thậm chí có thư chỉ vài dòng nhắn nhủ để kịp cho “lính văn thư” phi ngựa lên đường, nhưng câu kết của những lá thư pơ-luya trắng lại nhiều chữ hơn ở những lá thư pơ-luya xanh trước đây:
“Hôn em và các con yêu thương của ba.
Em nhớ hôn các con cho anh nhé…”.
Từng sang những nước phát triển, ông cùng bà nuôi dạy các con, đem hết sức lực và khả năng của mình để có thêm thu nhập chính đáng tạo điều kiện cho cả 8 người con phát triển.
Cuộc đời ông giản dị, không thích khoe mẽ ngay cả khi ông được sùng bái. Với ông sự nghiệp là quan trọng nhưng gia đình lại là cốt yếu.
[…]
Khi về già, ông bà vẫn như đôi uyên ương đi đâu cũng có nhau, ai đi đâu xa vài ngày là bồn chồn, ai về nhà trễ là thấp thỏm ngóng trông ra đường…
“Hạnh phúc là thế, nhưng không phải là không có lúc gợn sóng vì những hiểu lầm, vì những tác động bên ngoài, những lo toan đời thường… nhưng không bao giờ để cho các con biết và hơn cả là phải giữ được sự tôn trọng lẫn nhau”, ông bà đã từng nói thế với con khi gia đình chúng chẳng may “chồng bát bị xô”.
Mọi người thường chúc ông bà “bách niên giai lão”, nhưng ông đã phải vĩnh viễn xa bà ở tuổi 80. Câu dặn dò đầu tiên trước lúc ông ra đi: “Các con nhớ chăm sóc mẹ thật chu đáo”. Các con đã phải giấu không nói lại với bà những lời trăn trối của ông vì sợ bà bị sốc. Mười năm sau, bà cũng theo ông lên cõi vĩnh hằng.
Trước đó vài năm, ngồi bên mộ ông (Khu A - Văn Điển), bà thì thầm với ông: “Ông ơi, chỗ này là nhà của tôi và ông đấy”, vì trước đó bà đã nói với các con: “Ba mợ đã có ý nguyện sau này chết đi được nằm cạnh nhau”.
Có một tình yêu như thế.