Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nếp nhà Hà Nội

Gia quy của người dân Hà thành xưa tạo cho các thành viên tác phong sống giản dị, nề nếp và quan tâm lẫn nhau.

Thuở nhỏ cắp sách đến trường, trước khi ra khỏi nhà, mẹ tôi bao giờ cũng kiểm soát lũ con xem quần áo có chỉnh tề không, đầu tóc có chải chuốt nghiêm chỉnh không. Lúc ấy, chải đầu là ngôi phải thẳng, không bao giờ được đầu bù tóc rối đến trường.

Nhà tôi đông anh chị em nên áo quần của đứa lớn sau lại để cho đứa bé dùng. Quần áo rách thì vá lại mặc. Đầu gối thủng thì píc kê cho dày. Quần áo lành thì mặc đến lớp. Áo quần vá thì mặc ở nhà hoặc mặc đi lao động. Áo lành hay áo rách đều phải giặt giũ tinh tươm. Quần áo giặt xong gấp lại ngăn nắp. Ô tủ của ai người ấy tự xếp cho gọn gàng.

Thời ấy làm gì có máy giặt, xà phòng cũng thiếu. Khi giặt thì phải trải áo quần ra cái ván giặt bằng gỗ, xát xà phòng rồi dùng bàn chải giặt cọ đi cọ lại. Cọ xong lại phải giũ cho sạch, vắt kiệt, rũ bớt nước rồi đem phơi ngoài sân.

Công việc giặt lắm công đoạn nhưng mẹ tôi, chị tôi giặt còn các em mỗi người một việc. Đứa múc nước, đứa ôm chậu quần áo ra phơi, đứa thu quần áo khô gấp lại và xếp thành chồng quần áo cho từng người không lẫn lộn.

Sáng sáng, phân công nhau dậy sớm quét nhà, chẻ củi, đun nước… Việc nào ra việc ấy. Mẹ tôi kị nhất chuyện quét nhà ẩu. Bà ghét nhất thói quét vội quét vàng “một nhát đến tai, hai nhát đến gáy” và kị hơn cả là đống rác bụi không hót ra đổ vào thùng rác mà tống vào gầm giường “khuất mắt trông coi!”.

Đứa nào tống rác vào gầm giường, mẹ tôi vớ được thì thế nào cũng ăn mấy cái cán phất trần quật vào mông cho nhớ. Cái nếp nhà ấy nó trở thành cái lệ bất thành văn mà hầu hết gia đình Hà Nội xưa ai cũng thế.

Nhiều gia đình còn có những luật lệ rất nghiêm. Bạn bè đến chơi nhà bao giờ cũng phải khoanh tay chào bố mẹ, các anh các chị. Gọi nhau thưa gửi phải xưng là anh, là chị, là cậu chứ cấm tiệt xưng hô “mày tao chí tớ”. Có gia đình còn treo cả roi mây trên tường để thể hiện cái uy nghiêm và kỷ cương gia giáo.

Tôi còn nhớ câu chuyện mãi sau này, khi ông bố vợ tôi đã trở thành nghệ sĩ có tên tuổi, tới thăm cụ bạn vong niên sống với nhau từ thời chống Pháp trong Thanh Hóa, nhà sử học Đào Duy Anh. Lúc này cụ đang ở trong khu tập thể Kim Liên.

Khi thấy bố đến thăm cụ, anh Đào Thế Tuấn, con trai lớn của cụ tuổi đã cao, có địa vị trong xã hội nhưng thấy khách của bố đến thăm vẫn khoanh tay chào theo đúng lệ nhà. Bây giờ các cụ đã mất cả, giáo sư, viện sĩ Đào Thế Tuấn cũng đã nghỉ hưu nhưng mỗi dịp gặp bác tôi lại nhớ đến chuyện xưa.

Cái nếp nhà ấy nó tạo cho mỗi thành viên trong gia đình một tác phong sống giản dị, quy củ và quan tâm đùm bọc lẫn nhau. Không tranh giành mà biết chia sẻ, nhường nhịn. Ra đời, cái nếp ấy sẽ có ích cho xã hội biết bao.

Lớn lên, chúng tôi mỗi người một ngả. Người đi bộ đội, kẻ đi học, người lên rừng, kẻ xuống biển. Sống gần cả đời người trong chiến tranh, trong tập thể. Cái nếp nhà xưa ở một số người Hà Nội đã mai một dần.

Thời ấy, anh nào chải đầu bóng mượt, quần áo phẳng phiu thì bị quy là tác phong tiểu tư sản. Lắm người phải tỏ ra nhếch nhác một tí để được lòng mọi người, được nhận xét, đánh giá là “có tác phong quần chúng”.

Anh nào nghèo, nhếch nhác một chút là được đánh giá tốt. Có anh cố gắng tập hút thuốc lào, ăn mặc lôi thôi để đi thực tế về nông thôn rít điếu cầy, ngồi bệt cho ra vẻ… quần chúng. Dép cao su 8 quai, áo quần một màu xanh thợ cho gần gũi với mọi người.

Chị em thanh niên, phụ nữ thì ai cũng một cái quần lụa thâm và cái áo sơ mi cũn cỡn, thẳng đuỗn. Làm gì có mốt nọ mốt kia hở lườn hở rốn như ngày nay.

[…]

Đã đến lúc phải xây dựng lại cái nếp nhà và cả cái nếp xã hội. Khi nếp nhà chẳng còn, luật pháp không nghiêm thì có giàu có đến mấy, văn hóa Hà Nội đẹp đẽ và tao nhã cũng chỉ còn trong tâm tưởng, trong nỗi nuối tiếc của những người yêu Hà Nội mà thôi.

Hỡi ôi! Hà Nội của ta. Thủ đô yêu dấu!

Vũ Thế Long/ NXB Hà Nội/ Tri thức Trẻ Books

SÁCH HAY