Bàn về thành công trên trường quốc tế của văn chương Han Kang, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn TP.HCM, dịch giả, TS Nguyễn Thị Hiền nhận định các tác phẩm của nữ nhà văn "dung hòa tính phổ quát và tính bản sắc", tiếp cận được cả độc giả đại chúng và hàn lâm.
Thành quả của Han Kang, nỗ lực của cả nền văn học
Theo đó, trong khi các nền văn học đều có tính phổ quát chung là tính nhân văn thì mỗi nền văn học đều phản ánh đặc trưng, ví dụ các khía cạnh lịch sử, văn hóa, xã hội,... thể hiện tâm tư tình cảm của dân tộc đó.
Cụ thể, bà cho rằng các tác phẩm của Han Kang khó đọc nhưng lại đậm đà nhân văn. Đề cập đến những chủ đề phân biệt đối xử, bạo lực,... mà nơi đâu cũng có, nữ nhà văn gợi được đồng cảm từ bạn đọc ở bất kỳ quốc gia, nền văn hóa nào.
Song song, các tác phẩm như Bản chất của người và I do not bid farewell (tạm dịch: Lời tạm biệt chưa nói) xoáy sâu vào vấn đề lịch sử của Hàn Quốc - mang những tình cảm dân tộc rất riêng tư. Hoặc Người ăn chay dù tế vi hơn, cũng phảng phất những nét Hàn Quốc rất riêng, theo TS.
Nhìn rộng ra hơn, Hàn Quốc có một thế hệ nhà văn sinh vào thập niên 1970, 1980 đầy tài năng. TS kể tên các tác giả Kim Young Ha, Jeong You Jeong, Kim Hye Ran, Choi Eun Young... đã đưa văn học Hàn Quốc đi cùng dòng chảy phát triển của điện ảnh, âm nhạc, vươn tầm quốc tế.
Ngoài ra, nhiều người ngày nay nhìn vào văn hóa làm việc của Hàn Quốc sẽ thấy được tính kỷ luật cao của dân tộc này. Đây cũng là lý do đem lại sự phát triển nhanh chóng cho họ vào thập niên 1980, làm nên kỳ tích sông Hàn.
Song theo bà Hiền, về xa xưa người Hàn vốn là những người phong lưu, thoải mái, phóng khoáng. Do ảnh hưởng nho giáo thời phong kiến và thể chế quân sự ở thế kỷ trước mới sinh ra tính kỷ luật. Vì phát triển bứt tốc trong giai đoạn ngắn, gồng mình hết mức nên dường như dân tộc này cũng mang trong mình nỗi đau thương.
Tất cả những điều kể trên hình thành một thế hệ tác giả khao khát tự do và đã phản ánh khát khao này vào tác phẩm của mình.
Nhà văn Han Kang. |
Tuy nhiên, khẳng định chỗ đứng của văn học Hàn trên văn đàn thế giới không chỉ là câu chuyện sáng tác của thế hệ nhà văn, nhà thơ, mà còn là nỗ lực quảng bá toàn diện của Hàn Quốc.
Dịch giả Nguyễn Thị Hiền du học Hàn Quốc từ năm 2003, dành một năm học tiếng trước khi vào chương trình thạc sĩ. Bà nhớ lại từ những ngày ấy đã được giới thiệu với Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc (KTI), lúc bấy giờ vẫn còn là Quỹ Dịch thuật Văn học Hàn Quốc. Quỹ thành lập từ năm 1996, từ buổi đầu của Hàn lưu (làn sóng văn hóa Hàn Quốc).
"Thập niên 80, kinh tế Hàn Quốc cất cánh thì sang thập niên 90, họ đã có chiến lược xây dựng hình ảnh quốc gia qua quảng bá văn hóa, văn học cũng nằm trong số đó", bà chia sẻ với Tri thức - Znews.
Chiến lược xuất khẩu văn học của Hàn Quốc rất bài bản, với chính sách thay đổi theo mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn. Trong thập niên 90, và những năm đầu thế kỷ 21, Hàn Quốc chọn lựa và xây dựng danh mục tác phẩm, đồng thời hỗ trợ đội ngũ dịch thuật là những người Hàn học tiếng nước ngoài hoặc người nước ngoài học tiếng Hàn. Song song đó, KTI hỗ trợ đơn vị xuất bản và nhà văn (về chi phí, không gian sáng tác).
Những du học sinh như bà Nguyễn Thị Hiền được khuyến khích, hỗ trợ để giới thiệu văn học của Hàn Quốc sang nước ngoài.
Từ năm 2010, Viện thành lập Học viện Dịch thuật trực thuộc, hướng đến đào tạo thế hệ dịch giả chuyên nghiệp. Mỗi năm, Viện trao Giải thưởng Dịch thuật Văn học nhằm phát hiện dịch giả mới, tài năng, góp phần quảng bá tác phẩm dịch đã xuất bản. Năm 2015, dịch giả Vũ Kim Ngân của Việt Nam đã được trao thưởng 10.000 USD cho tác phẩm dịch 7 năm bóng tối của tác giả Jeong You Jeong.
Giai đoạn này, Hàn Quốc không xuất khẩu văn học theo danh mục tác phẩm nữa, mà thay vào đó, để thị trường chọn lựa sách, tác giả. Dịch giả hoàn toàn có thể đăng ký tác phẩm dịch thuật và yêu cầu tài trợ kinh phí dịch thuật từ Viện. Thông thường, Viện sẽ xem xét dựa trên bản dịch mẫu và đưa ra quyết định tài trợ. Sau khi dịch giả ký được hợp đồng với nhà xuất bản sẽ nhận được khoản hỗ trợ này.
Từ khoảng năm 2014 về sau, chính sách của Viện là giúp tác giả - tác phẩm đi sâu, tiếp cận độc giả các nước. Để đảm bảo tác phẩm đã dịch được xuất bản và quảng bá, Viện cũng cung cấp khoản hỗ trợ riêng cho công tác phát hành - truyền thông bên cạnh hỗ trợ dịch giả.
Bên cạnh đó, Viện dành kinh phí để đưa tác giả đến giao lưu với độc giả các nước và mời dịch giả, nhà nghiên cứu, phê bình các nước đến Hàn Quốc giao lưu. Hàng năm, Viện tổ chức workshop dịch thuật tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
TS Nguyễn Thị Hiền (hàng dưới, thứ tư từ phải qua) trong sự kiện giao lưu với nhà văn Choi Eun Young vào tháng 7. Ảnh: NVCC. |
Ban đầu, chiến dịch quảng bá văn chương của Hàn Quốc chủ yếu nhắm vào các thị trường có sức ảnh hưởng và sự phổ biến nhất định như thị trường Anh ngữ, Hoa ngữ. Tuy nhiên, Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc vẫn dành khoản hỗ trợ nhất định cho các nước như Đức, Nga, Pháp, Việt Nam...
TS Nguyễn Thị Hiền cho biết hầu hết chương trình giao lưu văn học giữa Hàn Quốc với Việt Nam là do phía Hàn Quốc chủ động giới thiệu, đưa tác giả đến Việt Nam hoặc mời các tác giả, dịch giả, nhà phê bình Việt Nam đến Hàn Quốc. Tháng 7 vừa qua, tại TP.HCM diễn ra chuỗi sự kiện giao lưu văn chương Việt - Hàn.
Chuỗi sự kiện do dịch giả Nguyễn Thị Hiền đề xuất với Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc tại Việt Nam. Viện đã tài trợ kinh phí cho sự kiện, hỗ trợ mời giáo sư văn học, tác giả Hàn Quốc sang giao lưu.
Theo bà Hiền, các sự kiện hướng đến đa dạng đối tượng: chương trình gặp gỡ tại Hội Nhà văn TP.HCM gặp gỡ những người viết và giới phê bình; chương trình giao lưu sinh viên trường đại học gặp gỡ sinh viên, giảng viên.
Trong sự kiện ngày 5/7, GS Khoa Ngữ văn Đại học Wonkwang, Tổng biên tập Tạp chí Văn học Toàn cầu Hàn Quốc Kim Jae Yong chia sẻ: "Nhật Bản, Trung Quốc hướng đến mục tiêu đoạt giải Nobel, nhưng chúng tôi quan tâm nhất đến việc giới thiệu văn chương nước mình đến rộng rãi độc giả quốc tế".
Không nhắm vào giải thưởng, nhưng những nỗ lực của Hàn Quốc đã đem về quả ngọt. Bên cạnh dòng văn học hàn lâm được giới chuyên môn đánh giá cao, tiểu thuyết chữa lành và webtoon Hàn... cũng thâm nhập sâu rộng vào nhiều thị trường, đạt doanh số ấn tượng.
Sau khi Người ăn chay của Han Kang giành giải Booker quốc tế năm 2016, tính đến nay 7 tác phẩm khác dịch từ tiếng Hàn đã lọt vào danh sách đề cử. Một số tác giả Hàn Quốc đoạt các giải thưởng dành cho thơ, văn tại Mỹ, Pháp... Nobel Văn chương 2024 cho Han Kang dự kiến sẽ nâng cao vị thế của văn học Hàn hơn nữa.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (thứ hai từ phải sang) nhận giải thưởng văn chương Nonino 2008 tại Italy. Nguồn ảnh: Nguyenhuythiep.free |
Việt Nam cần chương trình xuất khẩu văn học bài bản
Nhiều năm kinh nghiệm trong ngành bản quyền, Giám đốc Andrew Nurnberg Associates (ANA) Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho biết một số đơn vị xuất bản tại Việt Nam từng ngỏ lời nhờ chị giới thiệu tác phẩm Việt cho nhà xuất bản nước ngoài. Nhưng theo chị, con đường này tương đối chông gai bởi đối tác chưa nhìn thấy được điểm đặc sắc nổi bật từ những cuốn sách được đề xuất.
Âu - Mỹ là thị trường xuất bản lớn, nhộn nhịp mà chỉ trong nội bộ họ đã nhiều tác phẩm xuất bản mỗi năm. Đặc biệt, Mỹ là thị trường khá "đóng" với tác giả nước ngoài, chị Vân cho hay. Bởi lẽ, tự thân họ đã có sự đa dạng trong văn học nhờ thế hệ tác giả trẻ đến từ nhiều nền văn hóa. Được chú ý trong vài năm trở lại đây là văn học của người nhập cư (gồm nhiều tác giả gốc Việt như Nguyen Viet Thanh, Ocean Vương...).
Do đó để "chen" được vào các thị trường này, tác phẩm cần có sự khác biệt, mới lạ nhất định: chẳng hạn các yếu tố đặc trưng văn hóa Việt Nam. Đồng thời, chủ đề tác phẩm vẫn cần cân bằng với những yếu tố "nhân văn phổ quát" như TS Hiền đề cập bên trên thì độc giả quốc tế mới có thể cảm được.
Theo chị Vân, hư cấu (fiction) vẫn là nhánh xuất bản dễ xuất khẩu nhất của Việt Nam. Các mảng sách nghiên cứu khoa học tự nhiên, kinh doanh, quản trị thì "nước chảy vùng trũng" - Việt Nam vẫn nhập khẩu nhiều hơn. Từ quan sát cá nhân, chị Vân nhận định mảng sách tranh của tác giả, họa sĩ Việt đang có nhiều triển vọng vươn ra thế giới. Còn về văn học, hiện chưa có bứt phá rõ rệt.
Về khát vọng vươn ra thế giới của văn chương Việt, dịch giả Nguyễn Thị Hiền cho rằng cốt lõi nhất vẫn quay về với tác phẩm. Nhà văn phải được tạo điều kiện để chuyên tâm sáng tác, có tác phẩm xuất sắc mà chính độc giả, giới phê bình trong nước đánh giá cao, khi ấy mới nghĩ đến độc giả quốc tế. Kế đến, văn chương cũng là sản phẩm văn hóa mà muốn "xuất khẩu" thì cần sự quan tâm, đầu tư toàn diện, có hệ thống từ nhà nước.
Cả chị Vân và TS Hiền đều nhận thấy việc dịch và giới thiệu văn chương Việt hiện nay còn "manh mún, lẻ tẻ". Một số tác phẩm đáng chú ý được chuyển ngữ và xuất bản ở nước ngoài của Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Huy Thiệp... đã được chú ý và mang về giải thưởng quốc tế cho tác giả. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh - có lẽ là tác phẩm tiếng Việt nổi tiếng nhất trên thế giới - cũng chỉ là một hiện tượng hiếm hoi.
Bản thân TS Hiền từng dịch một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp để giới thiệu trên các tạp chí văn học tại Hàn Quốc. Bà cho biết cũng có các đồng nghiệp đang làm công việc tương tự. Nhưng đây vẫn là cách làm tương đối "nhỏ giọt", tùy thuộc vào sở thích và mối quan hệ cá nhân của người dịch.
Từ trái qua: bìa bản tiếng Anh các tác phẩm Chinatown, Elevator in Sài Gòn, Water: A Chronicle. |
Một năm qua, liên tiếp các tác phẩm Chinatown, Elevator in Sài Gòn (tựa gốc: Thang máy Sài Gòn, tác giả Thuận), Water: A Chronicle (tựa gốc: Biên sử nước, tác giả Nguyễn Ngọc Tư) do Nguyễn An Lý chuyển ngữ sang tiếng Anh nhận được giải thưởng dịch thuật văn học tại Mỹ, Anh. Trong đó, Water: A Chronicle do Deborah Smith - dịch giả đã chuyển ngữ The Vegetarian (Người ăn chay) và nhiều tác phẩm khác của Han Kang sang tiếng Anh - hiệu đính. Sách được đơn vị xuất bản Major Books phát hành chính thức vào cuối tháng 10 này.
Major Books được giới thiệu là đơn vị xuất bản độc lập thành lập nhằm "đưa văn học Việt đến thế giới Anh ngữ". Trên website của đơn vị hiện giới thiệu một số tác phẩm dự kiến xuất bản trong thời gian tới là Making a whore (Làm đĩ, Vũ Trọng Phụng; Đinh Ngọc Mai dịch), The Tale of Kiều (Truyện Kiều, Nguyễn Du; Nguyễn Bình dịch) và một số tác giả như Nguyễn Bình Phương, Trần Dần.
Đánh giá cao nỗ lực từ nhiều tổ chức, cá nhân chung tay đưa văn chương Việt ra thế giới, song TS Nguyễn Thị Hiền cho rằng nếu thiếu đi một chiến lược toàn diện, bài bản thì con đường định vị quốc gia trên bản đồ văn học thế giới vẫn sẽ còn dài và gian nan.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.