Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô đơn gây thiệt hại hàng tỷ đôla cho nền kinh tế toàn cầu

Cô đơn đang gây tổn hại rất lớn cho cá nhân và toàn xã hội, góp phần cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mỗi năm, gây thiệt hại hàng tỷ đôla cho nền kinh tế toàn cầu.

Cô đơn không chỉ là một trạng thái tâm trí chủ quan. Nó cũng là một trạng thái tâm trí tập thể đang gây tổn hại rất lớn cho chúng ta với tư cách cá nhân và toàn xã hội, góp phần cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mỗi năm, gây thiệt hại hàng tỷ đôla cho nền kinh tế toàn cầu và đặt ra mối đe dọa tiềm tàng cho lòng bao dung và lòng nhân ái.

Ngay cả trước khi virus corona bùng phát, đây đã là Thế kỷ cô đơn rồi. Nhưng con virus này càng cho chúng ta thấy rõ hơn rằng quá nhiều người đang cảm thấy không được quan tâm và hỗ trợ, không chỉ bởi bạn bè hoặc gia đình mà còn bởi công ty và chính phủ nữa; quá nhiều người đang bị mất kết nối, không chỉ với những người mà chúng ta gắn bó mật thiết nhất, mà còn với hàng xóm, đồng nghiệp và các nhà lãnh đạo chính trị nữa.

Nếu chúng ta muốn giảm thiểu sự cô đơn không chỉ ở cấp độ cá nhân mà còn ở cấp độ xã hội, điều cấp thiết là các lực lượng chi phối định hình cuộc sống phải nhận thức được quy mô của vấn đề. Chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân mỗi chúng ta đều có những vai trò quan trọng cần đảm nhận. Cuộc khủng hoảng cô đơn phức tạp và đa khía cạnh đến mức không một thực thể nào có thể tự mình giải quyết được.

Ở đây, tôi có sự bất đồng với một số nhà tư tưởng kinh tế và chính trị khác cũng viết về sự cô đơn. Nguyên nhân là họ không chỉ định nghĩa sự cô đơn một cách hẹp hơn, mà họ còn có xu hướng áp dụng một cách tiếp cận ít toàn diện hơn và thiên lệch một cách rõ ràng hơn.

Phe bảo thủ thường đổ lỗi cho sự sụp đổ của “gia đình truyền thống”, số lượng người đi lễ nhà thờ ngày càng giảm sút và nhà nước phúc lợi quá hùng mạnh mà họ lên án là xóa bỏ trách nhiệm cá nhân cũng như trách nhiệm đối với những người khác. Do đó, họ thường cho rằng các giải pháp cho cuộc khủng hoảng cô đơn chắc chắn thuộc về cá nhân. Họ than thở rằng giá như chúng ta làm nhiều hơn cho bản thân và cho người xung quanh thì mọi chuyện đã không tệ đến mức này.

Ngược lại, phe cánh tả lại thường đổ hết mọi tội lỗi lên đầu chính phủ vì đã can thiệp quá ít vào vấn đề này. Vì trong mắt họ, người dân chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh, nên họ thường chú trọng vào những gì chính phủ cần phải làm. Các cá nhân gần như không phải đảm nhận bất kỳ vai trò gì, ít nhất là khi nói đến trách nhiệm sửa chữa cộng đồng và chữa lành tệ nạn xã hội thuộc về ai.

Ở cả hai thái cực, quan điểm hai chiều về nguyên nhân gây cô đơn này đến cuối cùng chẳng giúp ích được gì mà chỉ tự chuốc lấy thất bại mà thôi. Vì mặc dù cả hai quan điểm mang tính chính trị này đều có những điểm hợp lý, nhưng cả hai đều không cung cấp được bức tranh toàn cảnh, cũng như lộ trình hiệu quả cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng này. Như chúng ta đã thấy, các động cơ mang tính cấu trúc của sự cô đơn bắt nguồn từ hành động của chính phủ và hành động của các cá nhân và tập đoàn, cũng như bởi những tiến bộ về công nghệ của thế kỷ 21, cho dù chúng ta đang nói đến chứng nghiện điện thoại thông minh, sự giám sát ở nơi làm việc, nền kinh tế gig hay những trải nghiệm ngày càng không tiếp xúc.

Hơn nữa, các động cơ này thường có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Nếu công ty không cho bạn nghỉ phép để chăm lo cho cha mẹ già trong trường hợp khẩn cấp - cho dù có muốn ở bên họ bao nhiêu đi nữa thì bạn cũng không thể cung cấp cho họ sự bầu bạn và hỗ trợ mà họ cần. Nếu bạn không quen biết hàng xóm vì tiền thuê nhà tăng thường xuyên và bạn liên tục phải chuyển nhà, bạn sẽ ít có khả năng sẵn lòng giúp đỡ họ hoặc đóng góp cho cộng đồng địa phương hơn rất nhiều.

Nếu nghiện những liều dopamine mà Instagram cung cấp hoặc chọn kiểm tra e-mail liên tục khi không có mặt tại văn phòng, bạn chắc chắn sẽ dành ít thời gian hơn mỗi ngày cho việc tương tác trực tiếp với gia đình hoặc bạn bè - và khi làm vậy, bạn sẽ có nhiều khả năng bị chiếc điện thoại của mình làm phân tâm hơn.

Nếu băng ghế duy nhất mà bạn có thể ngồi trên con phố là một băng ghế được thiết kế chủ yếu để gây khó chịu cho người ngồi nhằm xua đuổi những người bị đóng mác là “chẳng ai ưa”, bạn sẽ không ngồi trên đó và tán gẫu với người qua đường. Nếu không biết chính xác khi nào mình sẽ đi làm trong tuần này vì công việc của bạn không có giờ giấc cố định, bạn sẽ không thể dành sự cam kết cho việc huấn luyện đội bóng đá vào mỗi chủ nhật của con mình.

Cô đơn không phải là một thế lực đơn lẻ. Nó sống bên trong một hệ sinh thái. Vì vậy, nếu muốn ngăn chặn cuộc khủng hoảng cô đơn, chúng ta sẽ cần có sự thay đổi có hệ thống về kinh tế, chính trị và xã hội, đồng thời thừa nhận trách nhiệm của cá nhân mỗi người.

Ảnh: Larazon.
The ky co don. anh 1
The ky co don. anh 1

Ảnh: Larazon.

Kết nối lại với lòng nhân ái và sự quan tâm

Là xuất phát điểm, điều này có nghĩa là chúng ta cần phải thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng cô đơn ngày nay không phải tự nhiên mà xuất hiện. Nó đã được thúc đẩy đáng kể bởi một dự án chính trị cụ thể - chủ nghĩa tư bản tân tự do. Một hình thức chủ nghĩa tư bản tự tư tự lợi bình thường hóa sự thờ ơ, đề cao tính ích kỷ và làm giảm tầm quan trọng của lòng nhân ái và sự quan tâm. Một hình thức chủ nghĩa tư bản “tự vươn lên bằng nỗ lực bản thân”, “làm việc hối hả hơn” phủ nhận vai trò quan trọng mà cả các dịch vụ công lẫn cộng đồng địa phương trước giờ vẫn đóng trong việc giúp mọi người phát triển hưng thịnh và thay vào đó bất diệt hóa câu chuyện rằng số phận là do một tay chúng ta quyết định.

Không phải là trước đây chúng ta chưa từng cô đơn bao giờ, mà là bằng cách định nghĩa lại các mối quan hệ là những giao dịch, phân lại cho người dân vai người tiêu dùng và tạo ra khoảng cách về thu nhập và của cải lớn hơn bao giờ hết, trong suốt 40 năm qua, chủ nghĩa tư bản tân tự do đã, lạc quan mà nói, làm giảm tầm quan trọng của các giá trị như tình đoàn kết, cộng đồng, sự gắn kết và tử tế. Còn bi quan mà nói, nó đã gạt các giá trị này ra ngoài lề một cách không thương tiếc.

Noreena Hertz/NXB Trẻ

SÁCH HAY