Ngay cả trước khi virus corona gây ra một “cuộc suy thoái xã hội” bằng cách biến sự tiếp xúc trực tiếp thành một thứ độc hại, cứ năm người Mỹ trưởng thành thì có ba người tự coi mình là người cô đơn.
Ở châu Âu, tình hình cũng tương tự. Ở Đức, 2/3 dân số tin rằng cô đơn là một vấn đề nghiêm trọng. Gần 1/3 người dân Hà Lan thừa nhận rằng họ cảm thấy cô đơn, 1/10 ở mức đáng báo động. Ở Thụy Điển, có tới 1/4 dân số nói rằng họ thường xuyên cảm thấy cô đơn. Ở Thụy Sĩ, cứ năm người thì có hai người cho biết họ thỉnh thoảng, thường xuyên hoặc luôn cảm thấy cô đơn.
Ở Anh, vấn đề này đã trở nên nghiêm trọng đến mức vào năm 2018, thủ tướng nước này thậm chí đã phải bổ nhiệm một Bộ trưởng chuyên trách cô đơn.
Cứ tám người Anh thì có một người thậm chí không có lấy một người bạn thân nào để dựa vào, tăng từ mức 1/10 chỉ năm năm trước. Ba phần tư dân số Anh không biết tên hàng xóm của mình, trong khi 60% người lao động ở Anh cho biết cảm thấy cô đơn tại nơi làm việc. Dữ liệu cho châu Á, Australia, Nam Mỹ và châu Phi cũng đáng lo ngại không kém.
Việc bị buộc phải sống trong cảnh phong tỏa, tự cô lập và giãn cách xã hội nhiều tháng liền đã làm cho vấn đề này thậm chí còn tồi tệ hơn nữa. Cả người trẻ lẫn già, nam lẫn nữ, độc thân lẫn có gia đình, giàu lẫn nghèo.Mọi người trên khắp thế giới đang cảm thấy cô đơn, lạc lõng và bị cô lập. Chúng ta đang lâm vào một cuộc khủng hoảng cô đơn toàn cầu. Không ai trong chúng ta, ở bất cứ đâu, miễn nhiễm cả.
Cô đơn là căn bệnh của Thế kỷ XXI. Ảnh: Amir Esrafili/Pexels. |
Người già Nhật lựa chọn ở tù đển trốn cô đơn
Cách quận Noho thuộc Manhattan khoảng 6.000 dặm, Saito-san vừa tỉnh giấc nồng. Với đôi má bầu bĩnh và nhỏ nhắn, đôi mắt lấp lánh đầy ấm áp, bà mẹ hai con góa chồng này thừa hiểu thế nào là cảm giác cô đơn. Với những lo lắng về tài chính đè nặng trên vai, lương hưu không đủ trang trải chi phí sinh hoạt, không có tiền chu cấp và con cái quá bận rộn để chăm sóc cho bà, Saito-san thường cảm thấy rất cô đơn. Trước đó, bà đã thực hiện một bước đi cực đoan, nếu không muốn nói là chưa từng có.
Hiện đang bị giam giữ tại nhà tù Tochigi, nơi dành cho các nữ phạm nhân, Saito-san là một trong số rất nhiều người Nhật cao tuổi đã biến cuộc sống trong tù thành một lựa chọn có chủ ý. Tại Nhật Bản, tỷ lệ phạm tội của người trên 65 tuổi đã tăng gấp bốn lần trong vòng hai thập kỷ qua.
Bảy mươi phần trăm nhóm tuổi này tái phạm trong vòng năm năm. Quan giáo Junko Ageno tin chắc rằng sự cô đơn là động lực chính của xu hướng này - những phạm nhân của cô là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.
Giáo sư Koichi Hamai của Đại học Ryukoku, người đã nghiên cứu hiện tượng phạm nhân cao tuổi, cũng đồng tình với quan điểm này. Ông tin rằng một số lượng đáng kể phụ nữ cao tuổi chọn việc vào tù như một cách để thoát khỏi cam giác bị xã hội cô lập.
Thường bị bỏ tù vì những tội nhẹ như ăn cắp vặt - một trong những tội dễ nhất mà bạn có thể phạm nếu mục tiêu của bạn là vào tù - 40% những tù nhân như vậy cho biết họ hiếm khi hoặc hoàn toàn không nói chuyện với gia đình, với một nửa số người cao tuổi bị giam giữ vì tội ăn cắp trong những năm gần đây sống trong cảnh cô độc trước khi vào tù.
Nhiều người mô tả việc vào tù là một cách để tạo cho mình một “cộng đồng mà [họ] không thể có được ở nhà”. Một nơi mà, như một phạm nhân bát tuần khác giải thích: “Luôn có người xung quanh và tôi không cảm thấy cô đơn”.
Một môi trường mà nữ phạm nhân 78 tuổi tên O mô tả là “thiên đường”, nơi “có rất nhiều những người để trò chuyện”. Một thánh địa không chỉ cung cấp cho họ sự bầu bạn mà ca sự hỗ trợ và chăm sóc nữa.