Điều quan trọng cần thừa nhận là đối với một số người, những tương tác chất lượng thấp hơn này vẫn tốt hơn những tương tác mà họ có thể có được với những người xung quanh ngoài đời thực. Cho dù đó là cậu bé thuộc cộng đồng LGBTQ+ sống tại một thị trấn nhỏ ở Idaho, người cảm thấy bớt cô đơn hơn nhờ có những người bạn mới ở những nơi xa xôi trên Twitter, hay người lao động nhập cư đến từ Philippines sử dụng Facebook mỗi ngày để kết nối với các con mình ở quê nhà, cô gái mắc chứng xơ nang không quen biết ai có cùng cảnh ngộ với mình ở khu cô sống nhưng đã tìm được sự an ủi trong các nhóm hỗ trợ trực tuyến, hoặc người bà nhờ có Instagram mà đã có thể kết nối với các cháu của mình theo cách mà trước đây không thể - mạng xã hội có thể cung cấp cho một số người một cộng đồng mà họ không thể có được ngoài đời thực. Và như chúng ta đã thấy trong thời gian phong tỏa, đôi khi nó có thể cung cấp sợi dây cứu sinh quan trọng và xoa dịu cảm giác bị cô lập.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: BBC. |
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong mười năm qua đã xác định một mối liên hệ rõ ràng giữa việc sử dụng mạng xã hội và sự cô đơn. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy những thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội nhiều hơn cho biết chúng cảm thấy cô đơn hơn các bạn cùng trang lứa.
Một nghiên cứu khác cho thấy trải nghiệm tiêu cực trên mạng xã hội cứ tăng lên 10%, thì các sinh viên đại học lại cho biết mức độ cô đơn của họ tăng lên 13%.
Một nghiên cứu thứ ba cho thấy trong những năm 2010, thanh thiếu niên Mỹ giao tiếp xã hội trực tiếp ít hơn 1 giờ/ngày (trung bình) so với những năm 1980, một xu hướng mà các nhà nghiên cứu đã liên hệ rõ ràng với sự gia tăng trong mức độ sử dụng mạng xã hội.
Họ cũng lưu ý rằng sự cô đơn ở thanh thiếu niên đã tăng lên sau năm 2011 - cũng chính là năm mà số lượng thanh thiếu niên sở hữu điện thoại thông minh bắt đầu tăng vọt. Trong khi vào năm 2011 chỉ có 23% thanh thiếu niên Mỹ sở hữu điện thoại thông minh thì đến năm 2018, con số này đã tăng lên 95%.
Thách thức ở đây là mặc dù những nghiên cứu này đã chứng minh được rằng việc sử dụng mạng xã hội và sự cô đơn có mối liên hệ với nhau, nhưng hầu hết đều gặp khó khăn trong việc xác định nguyên nhân. Nói cách khác, những người cô đơn sử dụng mạng xã hội nhiều hơn hay mạng xã hội thực sự gây ra sự cô đơn?
Hai nghiên cứu mang tính bước ngoặt gần đây đã quyết tâm tìm ra đáp án cho câu hỏi đó. Điều quan trọng là trong hai nghiên cứu này, người tham gia không chỉ được yêu cầu báo cáo thói quen sử dụng mạng xã hội của mình; thay vào đó, họ còn được các nhà nghiên cứu hướng dẫn để chủ động thay đổi chúng. Điều này có nghĩa là các nhà nghiên cứu có thể quan sát và so sánh trực tiếp tác động của những thay đổi đó lên hành vi và tâm trạng của họ, từ đó thiết lập mối quan hệ nhân quả.
Kết quả thật tuyệt vời. Một trong hai nghiên cứu cho thấy rằng việc giới hạn thời gian sử dụng Snapchat và Instagram cùng với Facebook ở mức 10 phút/nền tảng mỗi ngày sẽ giúp giảm đáng kể cảm giác cô đơn.
Nghiên cứu còn lại, đạt tiêu chuẩn vàng của một nghiên cứu với gần 3.000 người tham gia, ở đó trong khoảng thời gian hai tháng, một nửa số người tham gia vẫn sử dụng Facebook như bình thường và nửa còn lại - nhóm “Điều trị” - vô hiệu hóa hoàn toàn tài khoản Facebook, đã phát hiện ra rằng nhóm vô hiệu hóa Facebook không đơn giản chỉ sử dụng thời gian mà họ từng dành cho nền tảng đó cho các trang web khác.
Thay vào đó, họ ít sử dụng Internet hơn và dành nhiều thời gian hơn cho việc giao thiệp với bạn bè và gia đình. Và họ cảm thấy thế nào? Họ cho biết cảm thấy hạnh phúc hơn, hài lòng với cuộc sống hơn, ít lo lắng hơn và, ở mức độ vừa phải nhưng đáng kể về thống kê là ít cô đơn hơn. Khi nói đến việc cải thiện trạng thái hạnh phúc chủ quan (subjective well-being), mức độ hiệu quả của việc xóa Facebook lên đến 40% khi so với việc tham gia trị liệu tâm lý.