Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những thành phố cô độc

Trước khi Covid-19 bùng phát, 56% người dân London cho biết họ cảm thấy cô đơn và 52% người dân New York cho biết thành phố của họ là “một nơi cô đơn để sống”.

Việc các thành phố có thể là những nơi cô đơn không có gì mới mẻ cả. Như nhà văn tiểu luận Thomas De Quincey đã viết: “Chắc hẳn không một người nào lần đầu tiên bị bỏ một mình trên đường phố London mà không bị cảm giác bị bỏ mặc, và cô đơn hoàn toàn, vốn là đặc trưng cho hoàn cảnh của họ, làm cho buồn rầu và bối rối, thậm chí sợ hãi tột độ... những khuôn mặt cứ liên tục lướt qua, mà không nói hoặc thốt ra với họ một lời nào; vô số những con mắt... và những dáng người vội vã len lỏi qua lại... trông giống như một lớp mặt nạ ngụy trang của những kẻ điên, hoặc đôi khi, giống như một đám rước của những bóng ma”.

De Quincey đang viết về London vào thế kỷ 19, nhưng ông có thể đang mô tả bất kỳ thành phố nào trong Thế kỷ cô đơn của ngày nay. Ngay cả trước khi Covid-19 bùng phát và giãn cách xã hội và đeo khẩu trang khi tiếp xúc trở thành chuẩn mực, 56% người dân London cho biết họ cảm thấy cô đơn và 52% người dân New York cho biết thành phố của họ là “một nơi cô đơn để sống”.

Nhìn ra toàn cầu, con số đó ở Dubai là 50%, Hong Kong là 46% và São Paulo là 46%. Ngay cả ở Paris và Sydney, lần lượt xếp hạng 11 và 12 trong danh sách những thành phố cô đơn nhất theo Khảo sát Chỉ số Thành phố, chúng ta vẫn đang nói về hơn 1/3 số người được hỏi báo cáo về nỗi cô đơn đô thị ở nơi họ gọi là nhà.

The ky co don. anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn BBC.

Nói như vậy không có nghĩa sự cô đơn chỉ là một vấn đề của thành thị. Mặc dù người sống ở thành phố thường cô đơn hơn người sống ở nông thôn, nhưng người sống ở nông thôn có thể trải qua những dạng thức cô đơn đặc biệt và sâu sắc của riêng họ: việc tương đối thiếu phương tiện giao thông công cộng đồng nghĩa với việc những người không có xe hơi có thể cảm thấy bị cô lập ghê gớm; sự di cư của người trẻ đến những thành phố xa gia đình đang dẫn đến một số lượng đáng kể người cao tuổi bị bỏ lại ở nông thôn mà không có các cơ sở hỗ trợ gần nhà; thực tế rằng chi tiêu của chính phủ ở nhiều nơi thường ưu tiên cho các trung tâm đô thị đồng nghĩa với việc người sống ở nông thôn có nhiều khả năng cảm thấy bị gạt ra ngoài lề hơn khi nói đến các ưu tiên của chính phủ.

Tuy nhiên, trước mắt việc thấu hiểu những đặc điểm và căn nguyên độc đáo của sự cô đơn ở thành phố đương đại là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vì thế giới đang đô thị hóa với tốc độ rất nhanh. Đến năm 2050, gần 70% dân số thế giới sẽ sống ở thành phố, hơn 1/10 trong số đó sẽ sống ở các thành phố có trên 10 triệu dân.

Khi ngày càng có nhiều người đổ về những không gian đô thị đông đúc hơn bao giờ hết, mặc dù có lẽ với một tốc độ chậm hơn so với trước đại dịch, việc thấu hiểu tác động của các thành phố lên sức khỏe cam xúc chưa bao giờ quan trọng hơn thế, nhất là khi chúng ta đưa ra lựa chọn về việc sẽ sống cuộc sống hậu Covid-19 của mình như thế nào.

Thô lỗ hơn, cộc lốc hơn, lạnh lùng hơn

Vậy điều gì ở những thành phố đương đại lại khiến chúng đem lại cảm giác lạnh lẽo và cô đơn đến vậy?

Nếu bạn đang sống hoặc làm việc ở thành phố, hãy nghĩ đến những chuyến đi làm hàng ngày điển hình của thế kỷ 21: xô đẩy để lên một đoàn tàu chật như nêm, tiếng còi xe hung hăng của những người lái xe khác nếu bạn đi làm bằng xe hơi, những dòng người vô danh với vẻ mặt lạnh tanh đi ngang qua mà không biết gì về sự tồn tại của bạn.

Hình ảnh một người thành thị thô lỗ, cộc lốc và chỉ biết đến mình không đơn giản chỉ là một mẫu rập khuôn (stereotype). Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ lịch sự không chỉ thấp hơn ở các thành phố mà một thành phố càng đông dân bao nhiêu thì mức độ lịch sự càng thấp bấy nhiêu.

Thực trạng này phần nào là một vấn đề về quy mô; khi biết rằng mình rất hiếm có khả năng gặp lại một người qua đường, chúng ta sẽ cảm thấy mình có thể cư xử thiếu lịch sự ở một mức độ nhất định mà không phải chịu bất kỳ sự trừng phạt nào (như va vào họ và không xin lỗi, hoặc thậm chí để cửa đập vào mặt họ chẳng hạn). Sự ẩn danh tạo ra sự thù địch và bất cẩn, và thành phố, với hàng triệu người không hề quen biết nhau, là thiên đường của sự ẩn danh.

“Bạn có thường cảm thấy không có ai ở bên mình mặc dù có nhiều người xung quanh không?”, thang đo mức độ cô đơn của UCLA mà chúng ta đã xem xét trước đó hỏi. Ở thành phố, xung quanh bạn lúc nào cũng có người nhưng bạn hiếm khi có cảm giác họ đang “ở bên mình”.

Noreena Hertz/NXB Trẻ

SÁCH HAY