Đây là thế kỷ cô đơn
Cuộn mình lại bên chồng, ngực áp sát vào lưng anh, nhịp thở của chúng tôi hòa làm một, chân chúng tôi đan vào nhau. Đây là cách chúng tôi đã ngủ trong hơn 5.000 đêm.
Nhưng chúng tôi đang ngủ trong hai phòng khác nhau. Vào ban ngày, chúng tôi luôn giữ khoảng cách 2 m với nhau. Những cái ôm, cái vuốt ve, nụ hôn, cách chúng tôi thể hiện tình cảm hàng ngày, hiện đã bị cấm. “Đừng lại gần em” là câu nói yêu mới của tôi. Ho liên hồi, cảm thấy đau nhức và không khỏe, tôi sợ rằng nếu ở quá gần chồng, tôi sẽ lây bệnh cho anh. Vì vậy, tôi giữ khoảng cách.
Hôm nay là ngày 31/3/2020 và cùng với 2,5 tỷ người khác, 1/3 dân số thế giới, hộ gia đình của tôi đang ở trong tình trạng phong tỏa.
Với rất nhiều người bị mắc kẹt ở nhà, bị buộc phải làm việc từ xa (nếu vẫn chưa bị mất việc), không được phép đi thăm bạn bè hoặc người thân, chỉ được ra ngoài tối đa một lần mỗi ngày, “giãn cách xã hội”, “cách ly” và “tự cô lập”, việc cảm thấy cô đơn và bị cô lập khủng khiếp là không thể tránh khỏi.
Chỉ hai ngày sau khi lệnh phong tỏa được áp đặt, cô bạn thân nhất của tôi nhắn tin: “Cách ly đang khiến mình phát điên”. Vào ngày thứ tư, người cha 82 tuổi của tôi nhắn WhatsApp: “Bố vừa đi lang thang trong cô đơn như một đám mây”.
Trên toàn thế giới, đội ngũ nhân viên trực các đường dây nóng hỗ trợ về sức khỏe tinh thần đã báo cáo không chỉ có sự tăng đột biến về lượng người gọi đến trong những ngày bắt buộc phải giãn cách xã hội, mà còn một số lượng cuộc gọi “khủng” từ những người đang phải bị cảm giác cô đơn hành hạ.
Một đứa trẻ quẫn trí đã tâm sự với một tình nguyện viên trực đường dây nóng Childline ở Anh rằng: “Mẹ cháu không chịu ôm cháu hoặc đến gần cháu nữa”.
Ở Đức, nơi mà vào giữa tháng 3, các đường dây nóng đã nhận được số cuộc gọi nhiều hơn mức bình thường 50%, một nhà tâm lý học nghiên cứu các cuộc gọi này cho biết “hầu hết người gọi đến đều sợ cô đơn hơn là sợ bị nhiễm bệnh”.
Tuy nhiên, Thế kỷ cô đơn không bắt đầu vào quý một năm 2020. Vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người đã cảm thấy cô đơn, bị cô lập và bị chia cắt trong một khoảng thời gian rất dài rồi.
Tại sao chúng ta lại trở nên cô đơn đến như vậy và chúng ta phải làm gì để xích lại gần nhau chính là nội dung của cuốn sách này.
Thuê một người bạn theo giờ đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: BBC. |
Xinh đẹp trong màu hồng
Ngày 24/9/2019. Tôi đang ngồi đợi bên ô cửa sổ, lưng tựa vào bức tường “xinh đẹp trong màu hồng”.
Điện thoại của tôi báo có tin nhắn. Đó là của Brittany
- cô sẽ đến muộn vài phút.
“Không sao đâu”, tôi nhắn lại. “Em chọn chỗ hẹn hơi bị tuyệt đấy”. Và quả thật như vậy. Những vị khách xinh đẹp tuyệt trần, thon thả như linh dương, kẹp nách những bộ hồ sơ kinh nghiệm làm người mẫu thời trang là dấu hiệu cho thấy quán cà phê Cha Cha Matcha tọa lạc ở quận Noho thuộc Manhattan này sành điệu đến mức nào.
Vài phút sau, Brittany bước vào. Cao ráo, khỏe khoắn, cô nở một nụ cười rạng rỡ khi nhìn thấy tôi sau khi đảo mắt một vòng khắp quán. “Ôi, em thích cái váy của chị quá”, cô nói.
Với mức phí 40 đôla/giờ, tôi không mong đợi ít hơn thế. Vì Brittany là “người bạn” mà tôi đã thuê trong chiều nay từ một công ty có tên là Rent-a-Friend. Được sáng lập bởi nhà khởi nghiệp người New Jersey Scott Rosenbaum, người đã chứng kiến ý tưởng này thành công rực rỡ ở Nhật Bản, công ty này đang hoạt động ở hàng chục quốc gia trên khắp thế giới, trang web của họ có hơn 620.000 người bạn “trong sáng” để cho thuê.
Đây không phải là con đường sự nghiệp mà Brittany, một cô gái 23 tuổi đến từ một thị trấn nhỏ thuộc Florida, đã dự định cho mình khi cô trúng tuyển vào Đại học Brown. Tuy nhiên, do không thể tìm được công việc trong ngành khoa học môi trường (chuyên ngành mà cô đã theo học ở trường đại học), và lo lắng về khoản nợ sinh viên, Brittany giải thích quyết định cho thuê “sự bầu bạn” của mình là một quyết định thực dụng, sử dụng lao động cảm xúc để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Khi không “cho thuê chính mình” - công việc mà cô làm trung bình vài lần một tuần - cô giúp các công ty khởi nghiệp đăng bài lên mạng xã hội và cung cấp dịch vụ trợ lý điều hành thông qua TaskRabbit.
Trước khi chúng tôi gặp nhau, tôi đã cảm thấy hơi lo lắng, không biết liệu “bạn” ở đây có phải ám chỉ bạn tình hay không, hay thậm chí tôi có thể nhận ra Brittany từ ảnh hồ sơ của cô hay không. Nhưng chỉ vài phút sau, tôi có thể yên tâm rằng đây là dịch vụ “tình bạn không kèm tình dục” (friends-without-benefits).
Và trong vài giờ tiếp theo, khi chúng tôi đi loanh quanh khu trung tâm Manhattan trò chuyện về phong trào #MeToo và nữ anh hùng trong tim cô, Ruth Bader Ginsberg, và tại McNallys về những cuốn sách yêu thích của chúng tôi, thỉnh thoảng tôi thậm chí còn quên mất rằng mình đang trả tiền cho sự bầu bạn của Brittany.
Mặc dù không có cảm giác như một người bạn cũ, cô khiến tôi cảm thấy như mình vừa kết được một người bạn mới vô cùng thú vị.
Nhưng chính tại cửa hàng Urban Outfitters trên phố Broadway, Brittany mới thực sự phát huy hết sự duyên dáng của mình, ngay khi thời lượng cho cuộc hẹn của chúng tôi sắp đến hồi kết thúc. Nụ cười thường trực trên môi, miệng nói liến thoắng, cô liên tục chòng ghẹo tôi khi chúng tôi lặn ngụp trong một đống áo thun, và cả gan cùng tôi thử những chiếc mũ xô đủ màu sắc. Chúng rõ ràng rất hợp với tôi. Mặc dù có lẽ có hợp hay không thì cô cũng sẽ nói với tôi rằng chúng rất hợp với tôi.
Tôi hỏi Brittany về những khách hàng khác của cô, những người cũng dùng tiền để mua tình bạn giống như tôi. Cô kể cho tôi nghe về người phụ nữ dịu dàng không muốn đi dự tiệc một mình, chuyên gia công nghệ vừa chuyển từ Delhi đến Manhattan làm việc, không quen ai trong thành phố này và muốn có người ăn tối cùng, giám đốc ngân hàng đã đề nghị mang súp gà đến cho cô khi cô bị ốm.
“Nếu phải mô tả ngắn gọn khách hàng điển hình của mình, em sẽ nói gì?”, tôi hỏi Brittany. Cô trả lời: “Cô đơn, những người lao động trí óc từ 30 đến 40 tuổi. Dạng người này làm việc đầu tắt mặt tối và dường như không có thời gian để kết bạn”.
Một dấu hiệu của thời đại này là ngày nay, tôi có thể đặt một người bầu bạn dễ dàng như đặt một chiếc bánh hamburger phô mai chỉ với một vài thao tác trên điện thoại, rằng cái mà tôi gọi là Nền kinh tế cô đơn đã xuất hiện để hỗ trợ - và trong một số trường hợp là lợi dụng - những người đang cảm thấy cô đơn.
Nhưng trong thế kỷ 21, thế kỷ cô đơn nhất mà chúng ta từng biết, những khách hàng trí thức làm việc quá sức của Brittany không phải là những người duy nhất bị sự cô đơn hành hạ: những xúc tu của nó còn vươn xa hơn nhiều.