Tôi từng bị gọi là “mọi đen” vào mặt khoảng năm hoặc sáu lần trong đời - hai lần bởi cảnh sát, vài lần bởi người xa lạ nào đó, một lần bởi một người bạn da trắng, nhưng chưa bao giờ từ một ai nghĩ rằng tôi thông minh hoặc mạnh mẽ. Có lần, tôi từng nghe thấy vài nhóc da trắng nói đùa về ngày “bắt một thằng mọi, giết một thằng mọi” - một ngày lễ rõ ràng khá nổi tiếng trong khu vực nơi chúng sống.
Vào đầu thập niên 1990, một vài thành viên trong cộng đồng da trắng ở Philly sẽ chọn một ngày đặc biệt để tấn công bất cứ người da màu nào mà chúng thấy đang đi lại trong khu phố quanh đó. Bảy mươi năm sau, vài bạn học cùng trường Công giáo của tôi vẫn nghĩ đùa cợt về việc đó thật khôi hài. Nhưng mọi lần, tôi chạm trán với việc phân biệt chủng tộc công khai đều là với những kẻ mà tôi ước chừng là đối thủ yếu đuối.
Họ luôn có vẻ kém thông minh, giận dữ và đối với tôi, họ dễ bị vượt qua hoặc đánh bại. Vì vậy, kết quả là, sự phân biệt chủng tộc công khai, mặc dù nguy hiểm và luôn hiện hữu như một mối đe dọa đến từ bên ngoài, nhưng không bao giờ khiến tôi cảm thấy tự ti.
Tôi lớn lên với niềm tin rằng mình đã được trang bị những thứ cần thiết để xử lý bất kỳ vấn đề nào có thể nảy sinh trong cuộc sống, bao gồm cả phân biệt chủng tộc. [...]
Nhưng càng trưởng thành, tôi bắt đầu nhận thức rõ rệt hơn nhiều hình thức của những định kiến ngầm đầy quỷ quyệt đang âm thầm rình rập. Cùng làm điều tương tự nhau, nhưng tôi sẽ gặp rắc rối hơn hẳn các bạn học da trắng. Tôi ít bị gọi tên hơn, và tôi cảm thấy dường như các giáo viên không nghiêm túc coi trọng lời tôi nói.
Tôi đã dành phần lớn thời thơ ấu để giằng co giữa hai nền văn hóa: Thế giới người da đen ở nhà và khu vực lân cận nơi tôi sinh sống, nhà thờ Baptist Phục sinh và cửa hàng của Daddio; với thế giới người da trắng ở trường nhà thờ Công giáo và nền văn hóa Mỹ đang thịnh hành.
Tôi đến nhà thờ toàn người da đen, sống ở khu phố toàn người da đen, chơi với đa số những đứa trẻ da đen khác. Nhưng cùng lúc đó, tôi cũng là một trong ba đứa trẻ da màu duy nhất theo học tại trường Đức Mẹ Lourdes, ngôi trường Công giáo K-8 của địa phương.
Không thể tránh khỏi cảm giác bơ vơ lạc lõng khi ở trường. Tôi không ăn mặc như lũ nhóc da trắng. Tôi không nghe Led Zeppelin hay AC/DC và tôi không thể hiểu được trò bóng vợt. Đơn giản là tôi không hòa nhập được. Nhưng ngay cả ở khu phố nơi tôi sinh sống, tôi cũng chẳng hòa đồng cho lắm. Tôi không ăn nói như lũ trẻ khác, không dùng tiếng lóng như bọn chúng, mẹ tôi còn chẳng cho phép chúng tôi nói “đéo” ở nhà.
[...]
Ở Wynnefield, bất kể tôi theo trào lưu âm nhạc hay thời trang mới nhất, tôi vẫn chẳng bao giờ đủ đen. Tôi trở thành một trong những nghệ sĩ hip hop đầu tiên được coi là đủ an toàn đối với các khán giả da trắng. Nhưng với khán giả da đen, tôi bị dán nhãn là mềm yếu bởi tôi không rap về những thứ tệ nạn hay băng đảng. Thứ lực cản đến từ chủng tộc này đã ngáng trở tôi bằng nhiều hình thức khác nhau trong suốt cuộc đời.
Nhưng cũng như ở nhà, biểu diễn và hài hước đã trở thành thanh kiếm và chiếc khiên của tôi. Tôi là thằng hề điển hình trong lớp học, luôn kể chuyện cười, gây tiếng động ngu ngốc, làm đủ trò ngớ ngẩn. Miễn là tôi đóng vai trò thằng nhóc khôi hài, tôi sẽ không chỉ là thằng nhóc da đen.
Khiếu hài hước không có màu, hài kịch xóa tan mọi tiêu cực. Không thể vừa tức giận, căm ghét, hay bạo lực trong khi vừa ôm bụng cười.
Nhưng rồi tôi bắt đầu nhận ra, một trò đùa cợt rất cháy ở trường Đức Mẹ Lourdes lại sẽ chỉ đem lại những ánh mắt vô hồn ở Wynnefield - và ngược lại. Tôi nhận ra người da màu và người da trắng phản ứng rất khác nhau trước những trò đùa của tôi.
Lũ bạn da trắng của tôi có xu hướng thích những khoảnh khắc thật hoành tráng, rộng lớn, trong khi tôi nhỏ con, ngốc nghếch, với thể chất tựa như nhân vật hoạt hình. Một thằng bé da trắng ở trường Lourdes có lần đã từng cố đốt lửa bằng rắm trong phòng tắm, tôi cảm thấy thế hơi quá đà, nhưng hóa ra lại hiệu quả. Chúng cũng thích những trò chơi chữ cợt nhả, châm biếm giễu nhại và đòi hỏi phải có một kết thúc có hậu - tất cả đến cuối cùng đều phải OK.
Lũ bạn da đen của tôi lại thích những trò đùa chân thật hơn, thô hơn và phải có một lát cắt của sự thật làm phần cốt lõi của câu chuyện hài. Họ cho rằng sự ngốc nghếch của tôi là một điểm yếu, tôi chắc chắn sẽ bị đá đít nếu dám thử trò đốt lửa bằng rắm ở Wynnefield.
Họ sẽ phản ứng tốt hơn nếu trò đùa của tôi bộc phát từ sức mạnh, phần nhiều là sức mạnh tâm lý - những lời hạ bệ, lăng mạ, chửi mắng và không gì tuyệt hơn việc đấm thẳng vào mồm một tên ăn nói ngu ngốc. Họ thích chứng kiến cảnh tượng một kẻ phải nhận lấy quả đắng “ác giả ác báo” - thứ công lý của luật nhân quả, cho dù kẻ đó là chính họ đi chăng nữa.
Là người da đen, bọn tôi thích tự cười cợt chính mình. Khi đùa cợt về thứ gì đó nỗi đau, trắc trở, hay bi kịch của bản thân, chúng tôi sẽ thấy việc chịu đựng những điều đó dễ thở hơn một chút.
Tôi phải học cách ra vào nhịp nhàng giữa hai thế giới này. Nếu tôi khiến thằng nhóc ở góc kia bật cười, tôi sẽ không bị đá đít. Nếu tôi khiến lũ nhóc da trắng ở trường bật cười, tôi sẽ không phải thằng mọi. Nếu tôi khiến Daddio bật cười, có nghĩa là gia đình tôi sẽ an toàn. Tôi bắt đầu đánh đồng nụ cười với sự an toàn.
[...]
Bước ngoặt đến vào giữa năm tôi học lớp tám. Tôi chơi trong đội bóng đá của trường trung học và đã tự chứng minh được mình là hậu vệ hàng đầu của mùa giải bằng thành tích mười bảy lần cản phá trong suốt mười trận đấu.
Hàng năm, đội bóng sẽ tổ chức một buổi tiệc chiêu đãi. Đó là một bữa tối do tất cả cầu thủ, cha mẹ và huấn luyện viên tổ chức để vinh danh cả đội vào cuối mùa giải. Những đứa nhóc thắng giải sẽ được ngồi ở hàng ghế đầu và sau đó sẽ bước lên sân khấu để được vinh danh. Bởi vì tôi có số lần cản phá nhiều nhất đội, nên tôi rất chắc chắn mình sẽ nhận được chiếc cúp danh hiệu: Cầu thủ Phòng ngự của Năm.
Tuy nhiên, một tuần trước buổi tiệc, tôi được sơ Agnes thông báo rằng tôi sẽ không được ngồi hàng đầu hoặc nhận giải trên sân khấu bởi vì tôi đã bị đình chỉ học (từ trước khi mùa giải bắt đầu). Tôi rất thất vọng, nhưng nhận ra điều đó cũng công bằng. Đó là luật, đằng nào thì mọi người cũng biết rằng tôi thắng rồi.
Nhưng vào đêm diễn ra bữa tiệc, tôi thấy thằng bạn da trắng Ross Dempsey ngồi ngay hàng ghế đầu để chuẩn bị nhận cúp, trong khi cả hai đứa chúng tôi đều bị đình chỉ học như nhau.
Sự bất công này khiến tôi tức điên lên. Tôi nghiêng người lại gần Mom-Mom và Daddio rồi kể với họ chuyện này. Không một lời nào, hai người nhìn nhau trong một khoảnh khắc nhất trí hiếm hoi nhưng rất mạnh mẽ, họ cùng đứng lên, và chúng tôi rời đi.
Chúng tôi lái xe trở về nhà trong yên lặng. Vài ngày sau, trong bữa tối, Daddio nói mà không buồn ngước nhìn khỏi phần ăn của mình, “Chúng ta xong việc với ngôi trường đó rồi”.
Và chỉ thế thôi.